KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đăng ngày: 27/08/2024 - Lượt xem: 106
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và một số hàm ý chính sách cho giai đoạn hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định công tác tôn giáo là yếu tố trọng yếu trong công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời, Người đã đưa ra nhiều chỉ dẫn quan trọng, là cơ sở, nền tảng để công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước được thực hiện hiệu quả. Trong bối cảnh mới, cần tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chỉ dẫn của Người để giải quyết hợp lý các vấn đề tôn giáo, góp phần xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, ngày 13-6-2024 _Nguồn: vietnamplus.vn

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo

Tư tưởng Hồ Chí Minh “là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”(1). Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm tập hợp những chỉ dẫn, quan điểm về các vấn đề trọng yếu của đất nước, như giải phóng dân tộc, giai cấp, giải phóng con người, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội,...; trong đó, tư tưởng về tín ngưỡng, tôn giáo là bộ phận quan trọng, hướng tới mục tiêu đoàn kết toàn dân và giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, giàu mạnh. Thực tế, tôn giáo là vấn đề lớn, luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm bên cạnh nhiều công việc khác; tư tưởng, quan điểm của Người về tôn giáo được tập trung ở các nội dung sau:

Thứ nhất, về vị trí, vai trò của đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như sự gắn bó sâu sắc giữa tôn giáo với dân tộc.

Tư tưởng đoàn kết dân tộc, tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh được kết tinh từ sự kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam; đồng thời, dựa trên sự đánh giá đúng đắn vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước trước đây cũng như sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trên cơ sở xác định đoàn kết tôn giáo nằm trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là yếu tố cơ bản đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(2). Theo Người, hoạt động đoàn kết người có tôn giáo và người không có tôn giáo phải được chú trọng đúng mức, thực hiện thường xuyên, lâu dài và toàn diện, bởi đây là yếu tố chiến lược, không thể chỉ sử dụng phương thức, biện pháp mang tính nhất thời. Người chỉ rõ: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(3).

Bên cạnh đó, việc tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt về nhận thức, tư tưởng, niềm tin cũng như tìm kiếm và phát huy điểm tương đồng, mẫu số chung vì mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ cao cả của dân tộc luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao, coi trọng. Theo đó, Người xác định, đối với người theo tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn, ngược lại, những giá trị đó có mối quan hệ biện chứng, thôi thúc, bổ sung cho nhau. Trong hoàn cảnh thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh mối quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo, cụ thể, đất nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã(4). Như vậy, có thể khẳng định, chính sự hiểu biết sâu sắc cùng tâm huyết, mong muốn giải quyết thỏa đáng mối quan hệ tôn giáo với dân tộc của Người đã tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để sau này các tôn giáo tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam xác định đường hướng hoạt động tiến bộ, gắn bó với dân tộc, như “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Nước vinh, đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục sự Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin lành,...

Thêm vào đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đồng bào và chiến sỹ cả nước phải quan tâm chăm sóc cuộc sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng và bảo vệ đất nước, Người yêu cầu chính quyền các địa phương thật quan tâm đến phần đời và phần đạo của tín đồ các tôn giáo,...; trăn trở làm thế nào để “sản xuất sẽ ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui”(5). Mặt khác, Người có sự quan tâm nhất định đến lực lượng chức sắc và đội ngũ trí thức các tôn giáo; đánh giá cao vai trò, ảnh hưởng của họ trong đời sống xã hội; luôn trân trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, thể hiện sự mẫu mực, giản dị, chân thành trong quan hệ và ứng xử với chức sắc và trí thức các tôn giáo. Năm 1945, với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã trân trọng mời các chức sắc tôn giáo tham gia chính quyền các cấp với những chức danh phù hợp(6).

Bên cạnh việc coi trọng đoàn kết tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện tinh thần, ý chí kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hoạt động lợi dụng tôn giáo hòng gây chia rẽ, mâu thuẫn trong khối đại đoàn kết dân tộc; chủ trương “bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo đã phản Chúa, phản nước”(7). Tuy nhiên, theo Người, công tác đấu tranh chống âm mưu, hành vi lợi dụng tôn giáo vì mục đích xấu không được máy móc, cứng nhắc bởi không ít người lầm đường lạc lối do hoàn cảnh xô đẩy hoặc nhẹ dạ, cả tin nên bị dụ dỗ, mua chuộc. Đặc biệt, trong việc xử lý, giải quyết, Người luôn mở đường cho những người lầm lẫn, bị mua chuộc trở về với chính nghĩa, dân tộc bằng thái độ khoan dung, bởi: “Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Rồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”(8).

Thứ hai, về tư tưởng tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Có thể nói, tư tưởng tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thể hiện nhất quán cả trong kho tàng hệ thống lý luận và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong chủ trương, chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ở từng thời kỳ; có sự thâm nhập, thấm nhuần sâu rộng vào quần chúng nhân dân nói chung, tín đồ chức sắc các tôn giáo nói riêng. Trong lúc bôn ba tìm đường cứu nước, Người sớm được tiếp cận với nhiều nền văn minh, văn hóa của nhân loại, những tư tưởng tiến bộ, nguyên tắc ứng xử với tôn giáo trong các cuộc cách mạng tư bản, điển hình là Cách mạng Mỹ (năm 1776), Cách mạng Tư sản Pháp (năm 1789), Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc (năm 1911),... Sau đó, nhờ sự tiếp thu và vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào nghiên cứu, đánh giá các vấn đề tôn giáo ở Việt Nam,... đã sớm hình thành quan điểm tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong hệ thống tư tưởng của Người.

Ngay sau Ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đã chỉ ra sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó vấn đề thứ sáu chính là “tôn giáo”. Người chủ trương bảo đảm tự do tôn giáo, điều này được thể hiện trong những văn kiện quan trọng đầu tiên của Đảng và Nhà nước Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng. Cụ thể, ngày 9-11-1946, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó ghi nhận nhân dân có quyền “tự do tín ngưỡng”; kế tiếp, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam cũng đã nhấn mạnh:“Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người dân”. Đặc biệt, năm 1955, Người ký quyết định ban hành Sắc lệnh số 234/SL (văn bản quy phạm pháp luật riêng cho tôn giáo sớm nhất ở Việt Nam) nhằm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo dưới chế độ mới, được tín đồ, chức sắc các tôn giáo nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ, khẳng định: “Chính phủ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mỗi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào”(9); đồng thời, nêu rõ quyền thực hiện các hoạt động tôn giáo, như truyền đạo, giảng đạo, đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, quan hệ quốc tế, tham gia các hoạt động xã hội,...

Thứ ba, về nhìn nhận, đánh giá các giá trị của tôn giáo trong đời sống.

Từ nền tảng tri thức rộng lớn gắn với quá trình tự nhận thức, không ngừng nghiên cứu, tiếp thu, phân tích về vai trò, hệ giá trị mà hệ thống tôn giáo phương Đông và phương Tây tạo ra, đồng thời là quá trình tích lũy kinh nghiệm qua thực tiễn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một trong số ít người Mác-xít, chiến sĩ cộng sản chân chính đương thời có tư tưởng, thái độ bao dung, toàn diện, thấu tình, đạt lý trong nhìn nhận những giá trị tích cực của tôn giáo. Người nêu rõ những khía cạnh cao đẹp về đạo đức và nhân văn của tôn giáo:“Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái/Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi/Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”(10).

Thêm vào đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bày tỏ lòng kính trọng, ngưỡng mộ các danh nhân của thế giới, không phân biệt các danh nhân đó thuộc tôn giáo nào, vô thần hay hữu thần, là người phương Đông hay phương Tây,... Người đã chủ động chắt lọc, rút ra những bài học, giá trị quý báu để kế thừa và phát triển, từ Đức Phật Thích Ca, Chúa Giê-su đến Khổng Tử, Các Mác, Tôn Dật Tiên,... Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt tôn giáo trong mối quan hệ với dân tộc, thấy rằng tôn giáo chỉ có thể khẳng định được mình khi sống giữa lòng dân tộc, ngược lại, con đường phát triển của đất nước, cần khai thác, phát huy những giá trị tích cực của các tôn giáo. Mặt khác, Người luôn sẵn sàng bác bỏ luận điệu xuyên tạc rằng chủ nghĩa xã hội sẽ hạn chế, thậm chí không chấp nhận chung sống với tôn giáo một cách khoa học; tập trung giải tỏa nỗi lo lắng, ngờ vực trong cộng đồng các tôn giáo khi bước vào công cuộc xây dựng xã hội mới. 

Nhân dân xem múa rồng nhang đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung - lễ hội lớn nhất trong năm của Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh trong đêm trung thu _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và một số hàm ý chính sách cho giai đoạn hiện nay

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, trong quá trình quản lý đất nước, điều hành xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám (năm 1945), kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1945 - 1954), kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (giai đoạn 1954 - 1975), thống nhất và tái thiết đất nước sau ngày miền Nam giải phóng (năm 1975),... Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế nhằm đổi mới tư duy, thay đổi tình trạng “chủ quan duy ý chí” trong nhận thức và ứng xử trong công tác tôn giáo. Mặt khác, Đảng ta mở rộng hướng tiếp cận vấn đề tôn giáo một cách phù hợp, khoa học, xem tôn giáo không chỉ là vấn đề chính trị, mà còn là tư tưởng, triết học, văn hóa, đạo đức, lối sống,...; thể hiện sự khách quan trong đánh giá vai trò của tôn giáo (có nhiều mặt tích cực cần phát huy, nhất là về đạo đức và văn hóa). Tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn, Đảng ta xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, do vậy phải tiếp tục đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hiện đầy đủ, đúng đắn chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người trong điều kiện mới.

Đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã nghiên cứu, ban hành chủ trương, chính sách nhằm phát huy những giá trị tích cực về đạo đức và văn hóa của tôn giáo(11), góp phần “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”(12). Tính đến nay, Việt Nam có 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động(13); các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, liên tục được công nhận tư cách pháp nhân, số lượng không ngừng tăng lên, mức độ đa dạng tôn giáo ở nước ta được xếp hạng nhóm đầu thế giới. Bên cạnh đó, các nhu cầu mở rộng quan hệ quốc tế, hoạt động sinh hoạt tôn giáo tập trung luôn được bảo đảm tổ chức, thực hiện, thậm chí, có những sự kiện lên tới vài chục nghìn người(14),... Có thể nói, tình hình tôn giáo nước ta thể hiện nhiều chuyển biến theo xu hướng tích cực; các hoạt động tôn giáo đi vào nền nếp, tuân thủ pháp luật, các tổ chức tôn giáo xây dựng đường hướng sinh hoạt, phát triển tiến bộ; gắn bó tôn giáo với dân tộc, gắn hoạt động tôn giáo với hoạt động an sinh xã hội; tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế trong điều kiện Việt Nam mở cửa và hội nhập quốc tế,... góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, sự ảnh hưởng toàn diện, mạnh mẽ từ quá trình hội nhập quốc tế và sự bùng nổ khoa học - công nghệ đã tác động không nhỏ đến cuộc sống thường nhật của người dân. Theo đó, đời sống tôn giáo cũng nhiều chuyển biến sâu sắc, đặc biệt, sự gia tăng số lượng các tín đồ, chức sắc khiến không gian phân bố, diện mạo, cấu trúc tôn giáo thay đổi theo xu hướng đa dạng, phức tạp hơn. Mặt khác, nhu cầu, quá trình sinh hoạt tôn giáo (đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên) diễn ra ngày càng đa dạng, phong phú, hình thành các cộng đồng hay hiện tượng tôn giáo mới (thường gọi là “đạo lạ”),...; đồng thời, có sự biến đổi về phương thức truyền giáo và lối sống đạo cả về nội dung lẫn hình thức, đặc biệt, yếu tố công nghệ thông tin và mạng xã hội đã trở thành phương tiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo thực hiện giới thiệu, phổ biến và quảng bá hình ảnh (như truyền giáo thời internet, cầu nguyện thời @, sống đạo online thời cách mạng 4.0(15),...). Bên cạnh đó, những âm mưu, thủ đoạn của các phần tử phản động, cơ hội chính trị hòng lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền để kích động, phá hoại, làm ảnh hưởng xấu tới khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tới đời sống ổn định, môi trường hòa bình đất nước,... Tình hình đó đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, cấp thiết trong xây dựng phương thức, biện pháp, chính sách phù hợp nhằm giải quyết, xử lý hiệu quả các vấn đề tôn giáo.

Nhân dân đón Giáng sinh tại khu vực Nhà thờ Lớn (quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) _Nguồn: tienphong.vn

Một số hàm ý chính sách thời gian tới

Một là, phải nhìn nhận, nghiên cứu vấn đề tôn giáo đặt trong tính tổng thể của khối đại đoàn kết toàn dân, có sự kế thừa tư tưởng đoàn kết dân tộc trong lịch sử, hướng tới kiến tạo sức mạnh thống nhất, toàn diện để đưa đất nước tiếp tục gặt hái những thành tựu trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh con người, trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, cần ghi nhận và đề cao những đóng góp của các giá trị tôn giáo đối với sự phát triển xã hội nói chung; chủ động, sẵn sàng nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực của tôn giáo gắn với phát triển hệ thống quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với tôn giáo. 

Hai là, ngăn chặn, đẩy lùi tư tưởng giáo điều, thiếu linh hoạt, sáng tạo khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và hệ thống kiến thức, kinh nghiệm từ quốc tế vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại!”(16). Bên cạnh đó, tôn trọng các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng giáo dân, hàng ngũ giáo sĩ, nhà tu hành - những người có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với các tín đồ tôn giáo, hướng họ vào các hoạt động mang lại lợi ích chung của dân tộc.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác tôn giáo, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích toàn dân tộc với lợi ích đặc thù của đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó lợi ích chung của toàn dân tộc là tối thượng, quyết định, đồng thời tôn trọng lợi ích riêng, đặc thù nếu không tổn hại đến lợi ích chung. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục giúp cho đồng bào theo đạo nhận thức đúng hơn về vị trí, lợi ích của việc phát huy sự đồng thuận xã hội trong giai đoạn mới; chú trọng phương thức tôn trọng, vận động, thuyết phục hàng ngũ chức sắc tôn giáo, coi đây là biện pháp quan trọng để thực hiện chính sách đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc bằng thái độ trân trọng, tin tưởng, chân thành, cầu thị,...

Bốn là, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các biểu hiện mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm phương hại đến lợi ích chung của dân tộc Việt Nam. Chủ động nâng cao nhận thức cho đồng bào các tôn giáo, đồng thời luôn đề cao cảnh giác những kẻ tuyên truyền lừa bịp, kích động, gây chia rẽ; giải quyết triệt để theo đúng pháp luật những phần tử cực đoan, cơ hội chính trị... trên tinh thần “Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(17). Mặt khác, đội ngũ cán bộ, quản lý đảm nhận công tác tôn giáo phải nhận thức công tác quản lý tôn giáo về mặt Nhà nước chính là giữ cho các hoạt động tôn giáo luôn nằm trong khuôn khổ pháp luật; gương mẫu chấp hành chính sách tôn giáo; nỗ lực thực hiện tuyên truyền, giải thích cho đồng bào các tôn giáo hiểu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời, kiên quyết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm trong việc thực hiện chính sách tôn giáo./.

Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn

----------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 88
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 19
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 244
(4) Xem: Lương Văn Tâm: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 8-10-2015, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/print/2218/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-doan-ket-ton-giao
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 462
(6) Như: Giám mục Lê Hữu Từ (Giáo phận Phát Diệm) và ông Ngô Tử Hạ (một trí thức Công giáo) được mời làm cố vấn tối cao của Chính phủ; ông Huỳnh Phú Sổ (Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo) được mời giữ chức Ủy viên đặc biệt Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ; Chưởng pháp Cao Triều Phát (Hội thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo) được mời giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Bạc Liêu, Cố vấn Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ, Đại biểu Quốc hội khóa I; ông Nguyễn Ngọc Nhật (đạo Cao Đài) giữ chức Ủy viên Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hành chính Nam Bộ; ông Nguyễn Mạnh Hà (đạo Công giáo) làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia; ông Vũ Đình Tụng (đạo Công giáo) làm Bộ trưởng Bộ Y tế,..
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập  Sđd, t. 8, tr. 313
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 280 - 281
(9) Xem: Sắc lệnh số 234/SL, ngày 14-6-1955, của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 95
(11) Nghị quyết số 24-NG/TW, của Bộ Chính trị, ngày 16-10-1990, “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về công tác tôn giáo”; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2004); Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016); Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị,  “Về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”,...
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 171
(13) Xem: Phương Linh: Các tôn giáo ở Việt Nam đồng hành cũng đất nước, Báo Quốc phòng Thủ đô điện tử, 28-2-2023
(14) Ví dụ: Năm 2009, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Thành phố Hồ Chí Minh (với hơn 2.000 ni sư từ hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự); năm 2011, tại thành phố Đà Nẵng, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đồng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm đạo Tin Lành có mặt tại Việt Nam (thu hút khoảng 20.000 người tham dự); năm 2012, tại tỉnh Đồng Nai, Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục châu Á lần thứ X khai mạc (có hơn 200 giám mục trên khắp thế giới về dự),...
(15) Xem: Nguyễn Phú Lợi: “Sự biến đổi đời sống tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Lý luận Chính trị điện tử, ngày 25-6-2019
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 509 - 510
(17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 171

Tin liên quan