Hiện nay, có nhiều quan niệm khác nhau về tuyên truyền miệng. Tuy nhiên, đa số các nhà nghiên cứu cho rằng: Tuyên truyền miệng là phương thức tuyên truyền được tiến hành chủ yếu bằng lời nói trong giao tiếp trực tiếp nhằm mục đích nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và cổ vũ tính tích cực hành động của người nghe. Tuyên truyền miệng có những ưu thế và hạn chế, nắm được điều này, sẽ giúp cho người làm công tác tuyên truyền miệng đạt được hiệu quả rất cao khi tiến hành hoạt động này.
Ưu thế của tuyên truyền miệng
Tuyên truyền miệng là loại hình tuyên truyền trực tiếp, sử dụng lời nói làm phương tiện chủ yếu để chuyển tải thông tin, tuyên truyền miệng nên có ưu thế của ngôn ngữ nói, nó mang tính phổ biến trong giao tiếp xã hội. Bằng ngôn ngữ nói, cán bộ tuyên truyền có thể trình bày vấn đề một cách hệ thống; giải thích cặn kẽ, nhắc đi nhắc lại để ghi nhớ... các khái niệm, phạm trù, qui luật, quan điểm tư tưởng... với từng đối tượng, kể cả đối tượng không biết chữ... Lời nói có ưu thế là sử dụng linh hoạt, hiệu quả thông tin cao, có thể tác động mạnh mẽ vào tình cảm của con người, khơi dậy tính tích cực nhận thức của đối tượng, thúc đẩy quá trình hình thành niềm tin và cổ vũ hành động. Lời nói có thể sử dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, do đó, tuyên truyền miệng ít tốn kém kinh phí, không cần nhiều đến phương tiện kỹ thuật phức tạp; trong tuyên truyền miệng, cán bộ tuyên truyền có thể sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ (có tài liệu gọi là các yếu tố của hệ thống tiếp xúc cơ học) như tư thế, cử chỉ, điệu bộ, diện mạo… làm phương tiện biểu đạt thông tin và sắc thái tình cảm. Những yếu tố phi ngôn ngữ này tác động vào kênh thị giác của người nghe, tăng cường sự chú ý của họ, do vậy mà thúc đẩy việc tiếp thu thông tin một cách tốt nhất. Yếu tố phi ngôn ngữ hỗ trợ cho lời, làm tăng ý nghĩa của lời, biểu hiện xúc cảm, sắc thái tình cảm của người tuyên truyền với vấn đề tuyên truyền, do đó chúng góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền miệng.
Tuyên truyền miệng có ưu thế của loại hình giao tiếp trực tiếp. Con người mang bản chất xã hội, nên giao tiếp trực tiếp giữa người với người là hoạt động không thể thay thế. Khác với giao tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng, sự giao tiếp trực tiếp của kênh tuyên truyền miệng dễ tạo cho người nghe cảm giác gần gũi, thân mật, qua đó cán bộ tuyên truyền mang đến cho đối tượng không chỉ nội dung của lời nói mà còn mang lại cho họ tình cảm, niềm tin vào những điều mình nói. Giao tiếp trực tiếp cho phép tác động đến đúng đối tượng. Nhờ nghiên cứu trước về đối tượng và nắm bắt thêm đặc điểm đối tượng thông qua giao tiếp trực tiếp, cán bộ tuyên truyền hiểu biết rõ nhu cầu, tâm trạng người nghe, trên cơ sở đó mà xác định nội dung và phương pháp tuyên truyền, để lời nói đi vào tâm hồn người nghe nhanh hơn. Giao tiếp trực tiếp tạo điều kiện cho cán bộ tuyên truyền linh hoạt vận dụng cách nói trong những tình huống khác nhau trong quá trình trình bày bài nói, như điều chỉnh nội dung thông tin, phương pháp tuyên truyền cho phù hợp. Giao tiếp trực tiếp cho phép chuyển từ độc thoại sang đối thoại. Người nghe có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình; được hỏi và được trả lời những vấn đề mà mình quan tâm, được trao đổi, tranh luận với nhau và với cán bộ tuyên truyền về những vấn đề còn chưa thống nhất…, do vậy làm tăng thêm hiệu quả tuyên truyền.
Tóm lại, giao tiếp trực tiếp tạo cho cán bộ tuyên truyền cũng như người nghe nhiều ưu thế mà người phát biểu trên truyền hình, đài phát thanh và khán thính giả của họ không thể có được.
Hạn chế của tuyên truyền miệng
Bên cạnh những ưu thế đã được chỉ ra, tuyên truyền miệng cũng còn có một số hạn chế như: Lời nói chỉ đi một chiều, không quay trở lại. Khi đã lỡ lời thì không thể lấy lại được nữa. Dù có cải chính, xin lỗi..., vẫn gây cho người nghe một ấn tượng nào đó. Vì vậy người nói cần thận trọng; đối với người nghe, cũng do tính chất này của lời nói cần chú ý, nếu không lời của báo cáo viên đã đi qua, không thể nghe lại và không phải lúc nào cũng có điều kiện hỏi lại hoặc đối thoại...; Phạm vi về không gian có giới hạn, do giới hạn tự nhiên của lời nói trực tiếp (dù đã có phương tiện khuếch đại) và khả năng tập hợp một số đông tại một địa điểm và thời điểm nhất định; Dễ chịu tác động của các yếu tố ngoại cảnh do tập trung đông người và ở các địa điểm khác nhau.
Trần Năng