Sáng 26/11, tại Hà Nội, Ban tổ chức Cuộc thi viết về cây di sản Việt Nam - năm 2024 đã công bố kết quả và trao giải với sự tham gia của đông đảo nhà khoa học, khách mời, các tác giả đoạt giải.
Ban Tổ chức trao giải A cho ba tác giải có tác phẩm đoạt giải cuộc thi.
Cuộc thi viết về cây di sản Việt Nam - năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường là đơn vị tổ chức thực hiện từ tháng 3/2024 đến hết tháng 9/2024.
Đây là cuộc thi ý nghĩa nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động cộng đồng nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu; góp phần bảo tồn các loài gen quý, bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học.
Quang cảnh buổi lễ trao giải cuộc thi.
Ban tổ chức đã nhận được hơn 400 tác phẩm của nhiều tác giả, nhóm tác giả từ khắp các vùng, miền gửi bài tham gia. Chất lượng các bài dự thi được đánh giá cao. Trong đó, nhiều tác phẩm đã nêu bật được quá trình phát triển cũng như tầm quan trọng của cây di sản gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động hằng ngày của người dân bản địa, góp phần tuyên truyền ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung.
Các bài viết đoạt giải cao không chỉ cung cấp nguồn dữ liệu quý giá về cây di sản mà còn thể hiện góc nhìn văn hóa, lịch sử, quan điểm sâu sắc, nhân văn, góp phần tô đậm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng nơi có cây di sản. |
Trong báo cáo tổng kết, Ban tổ chức cho biết, điểm nhấn cuộc thi chính là sự tham gia của các tác giả đến từ mọi miền Tổ quốc: Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định,... và đặc biệt là Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (giữa) trao đổi với các nhân vật về chủ đề cây di sản.
Các tác giả thuộc nhiều thành phần khác nhau, trong đó có hơn 50 tác phẩm mà tác giả là các phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Trong số các tác giả tham gia cuộc thi tác giả ít tuổi nhất hiện đang là sinh viên. Điều này cho thấy nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học đang ngày một sâu sắc hơn. Trong đó, sự kiện vinh danh, bảo tồn cây di sản nói chung và cuộc thi viết về cây di sản việt nam nói riêng đã mang lại những tích cực, góp phần lan tỏa những hành động hay, việc làm tốt đối với cảnh quan thiên nhiên, môi trường.
Nhà báo Nguyễn Văn Học (Báo Nhân Dân) rất tâm huyết với cây di sản và có tác phẩm đoạt Giải A của cuộc thi.
Trong số hàng trăm tác phẩm tham gia cuộc thi, qua nhiều vòng loại, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm phù hợp nhất, tốt nhất để công bố, trao giải theo cơ cấu, gồm: 3 giải A; 7 giải B và 15 giải C. Ngoài giấy xác nhận đoạt giải, các tác giả nhận tiền thưởng, cụ thể: ba giải A mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; bảy giải B mỗi giải trị giá 5 triệu đồng và 15 giải C mỗi giải trị giá hai triệu đồng.
"Với sự chung tay của cộng đồng, những rừng lim đang từng ngày xanh lại và đang hứa hẹn về một tương lai xanh bền vững. Những thế hệ cháu con của cụ lim già mang trong mình những thương tổn đang vươn cành xòe tán như một sự chữa lành cho đất, cho rừng." - trích từ bài viết đoạt giải A của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.
Ba giải A được trao cho: nhà báo-nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội); nhà báo-nhà văn Nguyễn Văn Học (Báo Nhân Dân); Ngô Thị Quỳnh Châu (Đại học Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Trong khi nhà văn Nguyễn Xuân Thủy viết về cây lim xanh nghìn tuổi bên rìa đường giữa hai huyện Như Xuân và Như Thanh của tỉnh Thanh Hóa và câu chuyện hồi sinh rừng thì nhà văn Nguyễn Văn Học thể hiện tâm huyết, tình cảm với những gốc đa, gạo, duối, dã hương nghìn năm tuổi suốt dọc dài từ Hà Nội đến Bắc Giang, Nghệ An,...
Các bài viết đoạt giải cao không chỉ cung cấp nguồn dữ liệu quý giá về cây di sản mà còn thể hiện góc nhìn văn hóa, lịch sử, quan điểm sâu sắc, nhân văn, góp phần tô đậm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng nơi có cây di sản. Điều đó mang lại ý nghĩa sâu sắc về mặt tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức giới trẻ và cộng đồng xã hội đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường, phù hợp với xu hướng chuyển đổi xanh, góp phần phát triển bền vững.
Nguồn: https://nhandan.vn/