Cách đây 70 năm - ngày 7/5/1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là một chiến thắng vĩ đại, được tạc ghi vào lịch sử dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đáng lẽ Nhân dân Việt Nam được sống trong độc lập, hòa bình để kiến thiết nước nhà và chăm lo cuộc sống, nhưng chỉ 21 ngày sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta. Chúng hạ tối hậu thư, bắt quân, dân ta hạ vũ khí đầu hàng, trở lại cuộc sống nô lệ. Trước tình thế đó, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã đồng loạt bước vào cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” chống thực dân Pháp xâm lược.
Tham quan Triển lãm Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên
Theo tư liệu lịch sử, để bảo toàn, phát triển lực lượng và tổ chức kháng chiến lâu dài, quân và dân ta đã rút khỏi Hà Nội rời lên chiến khu Việt Bắc. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân ta đã chuyển dần từ thế bị động phòng ngự sang chủ động tiến công, lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của Pháp, không ngừng mở rộng vùng giải phóng. Từ chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông (1947), chiến dịch Biên giới (1950) đến chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, quân ta không ngừng phát triển thế tiến công, vì thế Pháp đã chọn Điện Biên Phủ thiết lập tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương với nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại để giao chiến với bộ đội Việt Nam. Tại đây Pháp bố trí 49 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm cứ điểm liên hoàn. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng thủ, một trung tâm đề kháng, có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, có hỏa lực mạnh, có các hàng rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc xung quanh hòng ngăn chặn đường tiến công từ ngoài vào.
Phía ta, từ khi địch nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh đã củng cố quyết tâm xác định Tây Bắc là hướng tác chiến chính và dự kiến phương án tác chiến tiến công Điện Biên Phủ. Sau khi nghe Tổng Quân ủy trình bày kế hoạch tác chiến mùa xuân 1954, trong đó có phương án tác chiến tiến công Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy và chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận Điện Biên Phủ.
Thực hiện trận đối đầu lịch sử này, suốt mấy tháng trời chuẩn bị chiến dịch, Trung ương Đảng, Chính phủ, Hội đồng cung cấp mặt trận, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận đã huy động, tổ chức, chỉ huy quân và dân ta ngày đêm bạt rừng, xẻ núi, mở hàng nghìn kilômét đường giao thông cho bộ đội ta chuyển quân, kéo pháo, chuẩn bị trận địa. Một lực lượng quân sự lớn chưa từng có được huy động cho chiến dịch: 5,5 vạn quân thuộc 5 đại đoàn, nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh chủ lực và các binh chủng kỹ thuật, cấp tập hành quân, tập kết siết chặt vòng vây, chuẩn bị giáng đòn sấm sét vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Du khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Theo báo cáo của Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, “đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV đã đóng góp hơn 260 nghìn dân công ngày đêm vừa làm đường, vừa vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm dưới làn bom đạn địch đáp ứng yêu cầu của mặt trận; gần 21 nghìn xe đạp thồ và hàng nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ, bán thô sơ khác. Về mặt bảo đảm vật chất, đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch trên 25 nghìn tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác...”. Đây là sự đóng góp và cố gắng vô cùng to lớn của Nhân dân Việt Nam.
Với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, đồng bào và chiến sĩ ở các địa phương, các chiến trường đã đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch và đẩy mạnh tiến công làm cho địch bị tổn thất nặng nề, hình thành thế trận phối hợp tuyệt vời với Điện Biên Phủ.
Ngày 13/3/1954, bộ đội ta khai hỏa tiến công như vũ bão vào Him Lam – một trung tâm đề kháng mạnh gồm ba cứ điểm nằm trên ba quả đồi sát kề nhau. Với sự mưu trí, dũng cảm, quân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, tiến đến tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ hệ thống phòng ngự hướng bắc và đông bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng trận đầu mở toang cánh cửa cho quân ta đưa lực lượng áp sát bao vây khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của địch, tiến đến đồng loạt tiến công, tiêu diệt toàn bộ cứ điểm tập đoàn Điện Biên Phủ.
Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” với 3 đợt chiến đấu vô cùng dũng cảm, gan dạ, mưu trí của quân và dân ta, chiều ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn bộ quân địch gồm trên 16 nghìn tên và Bộ Chỉ huy do tướng Đờ Cát cầm đầu đã bị tiêu diệt và đầu hàng. Điện Biên Phủ được giải phóng.
Chứng tích hố bom còn lại của khối thuốc nổ gần 1 tấn tại di tích Đồi A1 hôm nay là hiệu lệnh tiến công của quân ta cho toàn mặt trận vào tối ngày 6/5/1954
Có thể khẳng định, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; của đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ là cơ sở căn bản và quyết định cho việc đi đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam mở ra giai đoạn mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội làm hậu phương vững chắc cho công cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời tôn vinh và tri ân sâu sắc tới các thế hệ cha ông đã anh dũng chiến đấu để làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên khắp các địa phương trong cả nước sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động chào mừng, như: Hội thảo làm rõ hơn giá trị về chiến thắng Điện Biên Phủ; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị về Điện Biên Phủ, về Chủ tịch Hồ Chí Minh; gặp mặt tri ân, thăm, tặng quà các chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; trình chiếu các bộ phim về chiến dịch Điện Biên Phủ; chiếu tranh 3D chiến dịch Điện Biên Phủ; Triển lãm sách, tranh, ảnh, những kỷ vật… về Điện Biên Phủ; Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”…
Tại tỉnh Hưng Yên, thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức lễ dâng hương tại các điểm di tích chiến trường Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên); tổ chức thăm, tặng quà các chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thân nhân liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ; trưng bày triển lãm tranh, ảnh và các nội dung có liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ; treo băng rôn trên nhiều tuyến đường; tổ chức chương trình văn nghệ tạo không khí phấn khởi trong Nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc…
70 năm, một chặng đường lịch sử. Các thế hệ hôm nay và mai sau đã, đang và sẽ mãi mãi khắc ghi những chiến công oanh liệt cũng như sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha ông đã làm nên một chiến thắng Điện Biện Phủ lẫy lừng. Những chiến công đó chính là niềm tin, động lực để thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau vững vàng tiếp bước, viết thêm những trang sử vẻ vang cho Tổ quốc thân yêu.
Nguồn: https://baohungyen.vn