Trên hành trình về miền đất lịch sử Điện Biên anh hùng trong những ngày hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp đến thăm nhiều di tích của chiến trường Điện Biên Phủ. Mỗi địa danh lịch sử đều để lại trong lòng chúng tôi nhiều cảm xúc. Đặc biệt hơn cả là Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ với những tư liệu, hiện vật quý giá, nơi lưu giữ những hình ảnh chân thực, sống động về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ có diện tích 22.000m2, nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Đây được coi là một trong những công trình hoành tráng, hiện đại của tỉnh Điện Biên, nơi lưu giữ nhiều hiện vật của ta và địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Phần trưng bày hiện đại, khoa học có diện tích rộng 1.250m2 với khoảng 1 nghìn tài liệu, hiện vật, cảnh quan, mô hình, khối tượng, được chia thành các chủ đề: Sơ lược cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Chiến dịch Điện Biên Phủ; Tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với trong nước và thế giới; Sự giúp đỡ của Nhân dân thế giới trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Tôn vinh. Theo chân hướng dẫn viên qua từng không gian trưng bày, du khách như được sống với những thời khắc lịch sử của 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, làm nên chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta. Trái ngược với những vũ khí tối tân, quân tư trang hiện đại của quân Pháp là những vật dụng, đồ dùng thô sơ của quân ta. Từ con dao, chiếc xẻng, cái cuốc, xe đạp thồ… đến những kỷ vật của người lính đều được trưng bày trang trọng. Bởi trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, từ những vật dụng đó, bộ đội, dân công, thanh niên xung phong đã làm nên kỳ tích với việc phá đá mở đường và củng cố 500km đường vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, mở 5 tuyến kéo pháo… bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi. Tại không gian này, góc mô phỏng khung cảnh phá đá mở đường, kéo pháo bằng tay của quân ta gây nhiều xúc động mạnh mẽ. Chúng ta như được chứng kiến tận mắt cảnh kéo pháo, người bắt bánh, người chèn bánh, người đẩy, người kéo… tất cả tạo nên bức tranh hoành tráng, hừng hực khí thế quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do. Cũng từ hình ảnh đó gợi nhớ đến tấm gương anh dũng của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện lấy thân mình cứu pháo và hy sinh đêm 29 Tết; anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 22; hình ảnh lẫm liệt của anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; anh Trần Can - người đầu tiên cắm lá cờ Việt Nam lên nóc cứ điểm Him Lam và hy sinh trong ngày 7/5 lịch sử khi chỉ huy bộ đội đánh vào Sở Chỉ huy của tướng De Castries…
Điểm nhấn đặc biệt của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ là toàn bộ không gian nằm giữa trung tâm ngôi nhà Bảo tàng với diện tích 4.500m2 được dành riêng để thực hiện bức tranh Panorama, tái hiện những khoảnh khắc điển hình của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan có chiều cao 20,5m, chiều dài 132m, đường kính 42m. Trên tranh có 4.500 nhân vật cùng phong cảnh núi rừng, trận địa... đã tái hiện một cách trọn vẹn, liền mạch các trận đánh tiêu biểu theo diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo cho người xem một góc nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động, bố cục theo bốn trường đoạn: “Toàn dân ra trận”, “Khúc dạo đầu hùng tráng”, “Cuộc đối đầu lịch sử”, “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”.
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao
Một cảm xúc tự hào dâng lên trong chúng tôi khi đứng trước một góc trang trọng trong Bảo tàng treo chân dung 32 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì có 2 người con quê hương Hưng Yên. Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Quảng Châu, quê ở xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Đăng Vinh, quê ở xã Tiên Tiến (Phù Cừ). Ông Nguyễn Văn Mạnh, cựu chiến binh xã Chỉ Đạo (Văn Lâm) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với Điện Biên. Tôi rất xúc động và tự hào về những chiến công oai hùng của thế hệ đi trước, trong đó có một phần góp sức của những người con Hưng Yên, càng thấu hiểu hơn những mất mát, hy sinh của ông cha để có cuộc sống hòa bình hôm nay”.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cho biết: Những năm qua, Bảo tàng luôn nỗ lực làm tốt chức năng, nhiệm vụ của một bảo tàng chuyên đề, góp phần bổ trợ cho quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ; phát huy giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ, đóng góp không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước không chỉ đối với các thế hệ người Việt Nam mà cả với công chúng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Năm 2024 là năm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời cũng là năm khai mạc Năm Du lịch quốc gia Điện Biên, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ là địa điểm đón tiếp và phục vụ nhiều du khách đến tham quan. Bảo tàng đã có những kế hoạch cụ thể, từ tập huấn, đào tạo cho cán bộ, viên chức, quan tâm lực lượng hướng dẫn viên đến công tác cải tạo cảnh quan, bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh khuôn viên... để đón tiếp, phục vụ du khách tốt nhất.
70 năm trôi qua song âm hưởng, giá trị của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ qua nhiều thế hệ. Những tài liệu, hiện vật tại bảo tàng cùng hệ thống di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ như minh chứng của một thời hoa lửa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguồn: https://baohungyen.vn