KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 21/01/2015 - Lượt xem: 152
Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể hát Ca trù giai đoạn 2014-2020

Hát Ca trù phát triển cực thịnh vào nửa đầu thế kỷ XX, bị lãng quên suốt gần nửa cuối thế kỷ XX. Năm 2009, hát Ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, do có nguy cơ mai một, thất truyền. 

Hát ca trù hay hát Ả đào là một di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc của dân tộc, phát triển rộng khắp vùng Bắc bộ. Ở Hưng Yên xưa, nghệ thuật hát Ca trù đã gắn liền với những đào, kép, văn nhân nổi tiếng như: Ca nương Đào Thị Huệ, nguời làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên đã dùng tiếng hát Ca trù để giết giặc Minh ở thế kỷ XV; ca nương Trần Thị Quý, người làng Duyên Yên, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động là nguyên mẫu của nhân vật chính Đào Mật trong tác phẩm Chuyện tình viên Phó sứ ; kép đàn Chu Văn Du, người xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, nghệ nhân đàn đáy tài hoa thời Pháp thuộc đã trình diễn và giảng dạy ở trong và ngoài nước. Những văn nhân nổi tiếng ở Hưng Yên đã đóng góp cho sự phát triển của nền thơ ca Việt Nam và nghệ thuật hát Ca trù với nhiều tác phẩm có giá trị còn được lưu truyền đến ngày nay phải kể đến thi sĩ Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Chinh, Bùi Mai Điểm…

Một canh hát của Câu lạc bộ Ca trù làng Đào Đặng, Trung nghĩa

Đến ngày nay, nhiều di tích, địa danh nổi tiếng gắn liền với nghệ thuật Ca trù vẫn còn được lưu giữ. Trong số đó, phải kể đến Đền Ả Đào, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, một thành tố quan trọng nằm trong nội dung hồ sơ khoa học trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc UNESCO công nhận Ca trù là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; đình Đông Mai, xã Chỉ Đạo, chùa Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm; đền Tiên mãn đường Mai Hoa công chúa, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang; đền Hoá, xã Dạ Trạch, đền Đa Hoà, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu; đình Nội Linh, xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ; miếu Cô đầu, phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên…

Hát Ca trù phát triển cực thịnh vào nửa đầu thế kỷ XX, bị lãng quên suốt gần nửa cuối thế kỷ XX. Năm 2009, hát Ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, do có nguy cơ mai một, thất truyền. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 77 người là đào, kép, quan viên tập trung ở các huyện Văn Giang, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi, Mỹ Hào và thành phố Hưng Yên. Có 03 Câu lạc bộ Ca trù với 56 thành viên, trong đó có 03 người được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian, 05 người đang làm hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân dân gian.
Để bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể hát Ca trù, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động, hướng tới mục tiêu tiếp tục khôi phục, giữ gìn và phát triển những giá trị đặc sắc về phong tục tập quán tốt đẹp, lề lối sinh hoạt văn hoá, đồng thời nâng cao nhận thức, lòng tự hào về việc bảo tồn và phát huy giá trị Ca trù trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Phấn đấu đến năm 2015, hát Ca trù thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp; đến năm 2020, hát Ca trù được phổ biến rộng rãi trong các lễ hội văn hoá của tỉnh.
Theo kế hoạch hành động về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể hát Ca trù giai đoạn 2014-2020, các sở, ban, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hoá di sản văn hoá phi vật thể hát Ca trù. Trên cơ sở đó, đánh giá kết quả, dự báo các tác động ảnh hưởng và thách thức trong công tác bảo tồn để đưa vào khai thác sử dụng giá trị của hát Ca trù.
Thứ hai, thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu hát Ca trù trong cộng đồng để nâng cao nhận thức; quảng bá cho khách tham quan du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách, báo, văn hoá phẩm và các chương trình hoạt động ngoại khoá của các trường phổ thông và chuyên nghiệp; chỉ đạo điểm một số câu lạc bộ trên địa bàn thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, Văn Giang tổ chức hoạt động biểu diễn hát Ca trù để quảng bá, đồng thời phục vụ khách theo tuyến du lịch Sông Hồng, sau đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Tổ chức định kỳ liên hoan hát Ca trù; tham gia các liên hoan hát Ca trù trong khu vực và toàn quốc.
Thứ ba, củng cố, duy trì hoạt động và thường xuyên kết nạp những thành viên mới ở các câu lạc bộ đã có; hướng dẫn thành lập câu lạc bộ đối với những địa phương chưa có câu lạc bộ mà có người biết đàn, hát Ca trù với yêu cầu mỗi câu lạc bộ ít nhất có 1 kép đàn, 2 đào, 1 quan viên thành thạo từ 2 làn điệu trở lên; duy trì sinh hoạt, luyện tập thường xuyên để nâng cao chất lượng nghệ thuật, đủ khả năng trình diễn phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân và khách du lịch; nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm Nghệ thuật truyền khẩu Phố Hiến trong đó hát Ca trù, hát Trống quân làm chủ đạo.
Thứ tư, hằng năm tổ chức các lớp học, lớp huấn luyện nhằm phổ biến kiến thức và truyền dạy, nâng cao trình độ cho các thành viên của các câu lạc bộ và hạt nhân văn nghệ của một số địa phương trong tỉnh; cử và tạo điều kiện cho các hạt nhân nòng cốt tham gia các lớp huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo Ca trù do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức; khôi phục sinh hoạt hát, tế cửa đình để trình diễn phục vụ lễ hội tại các di tích, ưu tiên các địa phương đã có truyền thống hát Ca trù; tổ chức trình diễn tại các lễ hội, hội thi, liên hoan hằng năm do tỉnh tổ chức; khuyến khích truyền dạy theo phương pháp truyền thống và tự học qua băng, đĩa, đài; đảm bảo mỗi câu lạc bộ truyền thống biểu diễn trung bình 30-40 buổi/năm, mỗi buổi biểu diễn trung bình đạt 100 người xem trở lên.
Thứ năm, xây dựng hồ sơ đề nghị phong tặng các danh hiệu cho các nghệ nhân; hỗ trợ các câu lạc bộ ca trù duy trì sinh hoạt, truyền dạy và thực hiện chế độ chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân cao tuổi được Nhà nước, Hội Văn nghệ dân gian phong tặng danh hiệu.

Hữu Chất

Tin liên quan