Trải qua 78 năm hình thành và phát triển (23/11/1946-23/11/2024), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt, đầu mối kết nối, điều phối trong công tác nhân đạo, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội. Hội đã đánh dấu một chặng đường dài cống hiến và phát triển của một tổ chức mang sứ mệnh nhân đạo cao cả vì cộng đồng.
Các đồ dùng thiết yếu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được trao đến người dân bị lũ lụt ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh HƯƠNG GIANG)
Vì một cộng đồng nhân ái
Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội và công tác nhân đạo với tinh thần chủ động, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ an sinh xã hội và thực tiễn địa phương, đơn vị; hướng về cơ sở, lấy con người làm trung tâm; kết hợp giữa giúp đỡ trực tiếp, trước mắt với hỗ trợ lâu dài về sinh kế. Ðồng thời, mở rộng phạm vi giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, công sức, trí tuệ; lan tỏa sâu rộng truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc, giá trị nhân văn của công tác chữ thập đỏ.
Ðến nay, toàn Hội có hơn 5,3 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ hoạt động trên phạm vi toàn quốc, mỗi năm trợ giúp khoảng 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong xã hội thông qua các phong trào, cuộc vận động lớn đã trở thành dấu ấn riêng của Hội như: Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" (nay là phong trào "Tết nhân ái"), Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", "Tháng Nhân đạo"…
Ðáng chú ý, hai chương trình trọng điểm: "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" và "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật" cùng phong trào "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" đã được Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 xác định tập trung triển khai.
Tại tỉnh Ðồng Tháp, thông qua phong trào "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái", đã có hàng nghìn tập thể, cá nhân đăng ký tham gia thực hiện với những mô hình, cách làm hay, hiệu quả. Nổi bật là tại thành phố Sa Ðéc thành lập được hai Câu lạc bộ "Người tốt, việc thiện", góp phần thực hiện có hiệu quả công tác thiện nguyện ở địa phương.
Năm 2024, Hội Chữ thập đỏ thành phố Sa Ðéc đã kết nối, vận động xây dựng 25 căn "Nhà Chữ thập đỏ", với tổng giá trị là gần 2 tỷ đồng. Với mô hình "Chung tay xóa nhà tạm bợ, xiêu vẹo", đã mang đến mái ấm cho nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp bà con có điểm tựa, yên tâm phấn đấu vươn lên.
Ông Phan Văn Châu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Sa Ðéc cho biết: Ðội ngũ cán bộ Hội nhiệt tâm, nhiệt huyết tích cực vận động nguồn lực để làm công tác nhân đạo, trở thành cầu nối giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn có cuộc sống tốt hơn. Từ đó, nhiều nhà hảo tâm đã tự nguyện và nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội phát động.
Gia đình bà Nguyễn Thị Phụng, ngụ xã Tân Khánh Ðông, thành phố Sa Ðéc có ba mẹ con. Trước đây, căn nhà cũ của gia đình đã dột nát, xuống cấp nghiêm trọng. Bà Phụng và con trai út thường xuyên đau bệnh, tiền kiếm được chủ yếu để lo thuốc men, cho nên gia đình bà Phụng không có tiền để sửa nhà.
Trước hoàn cảnh nêu trên, Hội Chữ thập đỏ xã Tân Khánh Ðông phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ thành phố Sa Ðéc, Chi hội Khoa học kỹ thuật cầu đường thành phố Sa Ðéc xây căn nhà mới tặng gia đình bà Phụng.
Ðiểm nhấn của tỉnh Ðồng Tháp trong phong trào "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" là từ hai năm nay đều tổ chức lễ tri ân những người đạt tiêu chí "Hoa việc thiện" để công nhận những "Người tốt, việc thiện".
Trong 78 đại biểu "Hoa việc thiện" năm 2024 có ông Huỳnh Văn Bé, sinh năm 1950, ông Bé là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ðồng Tháp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thực phẩm nông sản Ngọc Yến.
Từ đầu năm đến nay ông đã trợ giúp thường xuyên cho 1.195 người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 140 triệu đồng để tặng 1.000 thẻ bảo hiểm tai nạn cho những người làm công tác xã hội trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 100 suất quà tặng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết và nhiều công trình, phần việc khác với... tổng giá trị hơn bốn tỷ đồng.
Đồng lòng vượt qua bão lũ
Thời gian qua các đợt bão lũ liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, khiến hàng triệu người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ðặc biệt, trước những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhanh chóng triển khai các hoạt động hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng, nhằm giúp họ vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Trung ương Hội đã tổ chức 12 đoàn công tác đi thăm hỏi, chia sẻ, động viên, tặng hàng và tiền mặt hỗ trợ các hộ gia đình tại 14 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão và hoàn lưu sau bão. Hội đã cứu trợ khẩn cấp tiền và hàng với tổng giá trị hơn 16,6 tỷ đồng cho khoảng 22.241 hộ dân tại 20 tỉnh, thành phố. Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố đã vận động, cứu trợ tiền và hàng đến người dân tại 19 địa phương, tổng giá trị hơn 250 tỷ đồng.
Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 6, cuối tháng 10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng ngập lụt Quảng Bình, gồm tiền và hàng trị giá gần 530 triệu đồng.
Tiếp nhận nguồn tiền và hàng hóa cứu trợ từ đại diện Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy Nguyễn Thị Thắm cho biết, đợt mưa lũ cuối tháng 10 đã làm sáu người thiệt mạng, 15 người bị thương, hơn 21.700 nhà dân bị ngập, gây thiệt hại lớn đến đời sống và sản xuất. Trong khi nước lũ dâng cao, Hội đã cùng lực lượng vũ trang, các đơn vị liên quan tổ chức cứu trợ về lương thực, nước uống cho người dân ở các vùng ngập sâu, các nhà tránh lũ cộng đồng. Các thùng hàng gia đình của Trung ương Hội đã kịp thời được trao đến tận tay các hộ bị thiệt hại nặng tại hai xã An Thủy và Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, làm ấm lòng người dân, giúp họ có thêm điều kiện để khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.
Sự hỗ trợ kịp thời đó không chỉ giúp động viên tinh thần người dân mà còn tiếp thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sau bão lũ", Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình Phan Văn Cầu bày tỏ.
Nguồn: https://nhandan.vn/