Nhiều thách thức
Việt Nam đang đứng trước những thách thức về môi trường biển như ô nhiễm nhựa đại dương, nguồn thải lục địa, sự cố môi trường, biến đổi khí hậu. Tình trạng ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng phát sinh do sức ép tăng trưởng kinh tế, du lịch, khai khoáng và sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên biển.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, năm 2019, nước ta có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển với tổng dân số khoảng 51 triệu người. Với chiều dài đường bờ biển trên 3.260km, diện tích vùng biển trên 1 triệu km2, hệ thống đô thị ven biển trải dài dọc bờ biển từ Bắc đến Nam, nền kinh tế biển phát triển mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành có biển, mang về nguồn lợi vô cùng to lớn.
Tuy nhiên, chính sự phát triển của kinh tế - xã hội đã tạo ra một áp lực lớn đến môi trường biển Việt Nam. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có đến 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước tập trung khu vực ven biển, không chỉ gây áp lực lên hạ tầng đô thị (hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống xử lý chất thải khi nhu cầu sử dụng điện, nước) mà còn tác động đến không gian của các đô thị ven biển, gây ra sự thay đổi cảnh quan ven biển.
Hơn nữa, vấn nạn ô nhiễm môi trường biển đã trở nên nhức nhối trong nhiều năm nay. Các nguồn thải chính được đề cập trong báo cáo gồm nguồn thải từ hoạt động dân cư (sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ); nguồn thải từ hoạt động công nghiệp (khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khai thác khoáng sản); nguồn thải từ hàng hải trên biển; nuôi trồng thủy hải sản trên biển; khai thác, thăm dò dầu khí trên biển.
Phần lớn các chất thải từ đất liền tác động gián tiếp đến môi trường nước biển và hải đảo thông qua các cửa sông ven biển. Kết quả thống kê cho thấy, có 74% lượng chất thải rắn của các địa phương có biển được thu gom (năm 2019); lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 122 - 163 triệu m3/ngày. Tình trạng ô nhiễm biển đã được ghi nhận ở nhiều khu du lịch ven biển từ Bắc vào Nam như Cửa Lục, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu...
Bên cạnh đó, các hệ sinh thái biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Kết quả nghiên cứu của FAO và một số tổ chức quốc tế khác trong những năm gần đây đều chỉ ra rằng khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt; sản lượng đánh bắt giảm đáng kể; nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Hành động ngay vì môi trường biển
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ hạn chế hiện nay là chưa có nhiều nghiên cứu, đánh giá toàn diện về thải lượng các chất ô nhiễm trực tiếp xả thải ra môi trường biển, phần lớn các nghiên cứu tập trung phân tích, tính toán thải lượng của một ngành nghề hoặc một hoạt động phát thải ra vùng biển. Việc đo lường tác động của những vấn đề mang tính toàn cầu như ô nhiễm nhựa đại dương, biến đổi khí hậu vẫn còn hạn chế. Nói cách khác, bức tranh ô nhiễm biển tại Việt Nam có thể còn nghiêm trọng hơn những số liệu hiện có, đặt ra thách thức và áp lực lớn trong công tác quản lý chất thải trên biển, bảo tồn hệ sinh thái biển và bảo vệ biển ở nước ta.
TS. Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) nhận định: “Công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào bảo tồn những hệ sinh thái trên cạn, vấn đề bảo tồn hệ sinh thái biển và bảo tồn biển đang bị coi nhẹ bởi hai lý do. Một là, Việt Nam còn là nước nghèo nên đầu tư về đa dạng sinh học không thể bằng các nước khác. Trong khi đó, vấn đề đại dương là vấn đề lớn, bị ảnh hưởng bởi rất nhiều tác động khác nhau như rác thải, ô nhiễm, biến đổi khí hậu toàn cầu, do đó đòi hỏi nỗ lực chung và nguồn đầu tư lớn. Hai là, mặc dù các quan trắc và nghiên cứu về vấn đề biển vẫn được tiến hành nhưng chưa được quan tâm nhiều như các vấn đề trên cạn. Dư luận có thể tranh luận gay gắt về vấn đề buôn bán hổ, tê tê, chim hoang dã… nhưng chỉ ít người nói đến nạn buôn bán lậu các loài thủy sản quý hiếm”.
Vài năm gần đây, vấn đề suy thoái hệ sinh thái biển, rác thải đại dương cùng sự sụt giảm các nguồn lợi đi kèm dần được quan tâm hơn, khi những vấn nạn này đã trở nên quá rõ ràng và không thể chối bỏ.
Dù biển bao phủ hơn 70% bề mặt Trái Đất, cung cấp nhiều nguồn tài nguyên dồi dào cho sự sống và sự phát triển kinh tế - xã hội như muối, cá, tôm, dầu mỏ, khí tự nhiên... nhưng biển cả không phải tài nguyên vô tận, vẫn có thể cạn kiệt và suy thoái. Nếu không có những giải pháp, hành động kịp thời, với sự chung tay của toàn thể xã hội để bảo vệ tài nguyên quý giá này thì hậu quả sẽ khó lường. Bảo vệ biển không chỉ là bảo vệ môi trường chung của con người và các loài sinh vật sống trong đó mà còn bảo vệ tương lai của cả nhân loại.
Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức cầu truyền hình trực tiếp “Khát vọng Đại dương xanh” tại 2 điểm cầu là Hà Nội và Khánh Hòa. Chương trình truyền tải thông điệp về vai trò to lớn của biển và đại dương đối với sự sinh tồn của loài người, góp phần nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo. Là một quốc gia biển, Việt Nam có khát vọng muôn đời là chinh phục biển, thịnh vượng từ biển và giữ hòa bình cho biển; khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển và quyết tâm phát triển toàn diện kinh tế biển đi đôi với bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng biển, đảo; thể hiện ý chí bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển./.