Đề án được triển khai căn cứ trên Thông báo kết luận Số 242-TB/T.Ư của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 2, Khoá VIII, phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020, trong đó có yêu cầu về “bổ sung cơ chế, chính sách, tổ chức phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc học phổ thông”.
Quá trình triển khai Đề án 959, sơ kết sau 6 năm thực hiện đã chỉ ra rằng, Đề án đã phát triển được hệ thống mạng lưới trường chuyên, nâng cao cơ sở vật chất trường chuyên, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn trong phát hiện bồi dưỡng nhân tài.
Nói về chất lượng trường chuyên, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho biết, trước hết, đó vẫn là những trường THPT thực hiện chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên các trường chuyên sẽ được đầu tư về cơ sở vật chất tốt hơn, đội ngũ giáo viên có chất lượng hơn, có điều kiện xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường một cách linh hoạt hơn.
“Chính vì vậy, chất lượng đào tạo của trường chuyên cao hơn so với giáo dục đại trà, tạo được thành tựu cho giáo dục mũi nhọn” – ông Thành đưa ra đánh giá.
Trong thời gian vừa qua, khi được đầu tư theo Đề án 959 các trường chuyên ngoài phần đầu tư về phần xây dựng cơ bản thì còn được tăng cường trang thiết bị dạy học. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường chuyên, trong đó có các phòng thí nghiệm tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận, làm quen với việc thực hành ở các môn học, đã giúp các em có thể hoàn thành tốt các phần thi thực hành, vốn là điểm yếu của thí sinh Việt Nam khi thi quốc tế.
“Những năm trước, tại các kỳ thi quốc tế, học sinh của chúng ta có điểm lý thuyết rất tốt nhưng thường bị mất điểm ở phần thực hành. Nhưng gần đây, học sinh Việt Nam đã đạt kết quả về thực hành không thua kém các nước bạn” – ông Thành cho biết.
Ngoài ra, các trường chuyên hiện nay cũng là nơi có số lượng lớn hơn hẳn các câu lạc bộ, so với các trường đại trà, trong đó có những câu lạc bộ ở lĩnh vực như: âm nhạc, thể dục thể thao, mỹ thuật, … tạo điều kiện phát triển toàn diện cho học sinh.
“Để đánh giá chất lượng trường chuyên, chúng ta cũng phải đánh giá ở cả chất lượng giáo dục đại trà, chứ không chỉ dựa trên số ít học sinh được chọn đi thi quốc gia, quốc tế” – ông Thành nói.
“Đối với những ý kiến tranh luận hiện nay, trong đó có ý kiến như cần tư nhân hoá trường chuyên, hay đặt ra câu hỏi có cần tồn tại mô hình trường chuyên nữa hay không ?– ông Thành cho biết: Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước tại Thông báo kết luận số 242 của Bộ Chính trị, và hiện nay là Luật Giáo dục 2019 nêu rất rõ: Trường chuyên là những trường dành cho học sinh có kết quả học tập xuất sắc, từ đó sớm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài từ bậc phổ thông.
Có thể thấy vấn đề trường chuyên, về quan điểm, đã được thể chế hoá trong luật, do vậy “Không thể nào xã hội hoá trường chuyên” – Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành khẳng định.
Theo ông, để bồi dưỡng taì năng, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì các nước cũng phải đầu tư và làm như vậy. Các phần khác có thể xã hội hoá được nhưng riêng với hai đối tượng là tài năng và người yếu thế là nhà nước vẫn phải đầu tư và chăm lo”.
Bộ GD-ĐT hiện đang lên kế hoạch tổ chức tổng kết Đề án 959 trong năm nay. “Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương báo cáo về quá trình phát triên hệ thống trường chuyên, qua đó sẽ đánh giá căn bản quá trình phát triển trường chuyên trong các giai đoạn khác nhau, trong các bối cảnh khác nhau để xác định đến giờ, mô hình này đã đạt được những gì, phát hiện điều gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới” – ông Thành cho biết.
Bộ GD-ĐT đã giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu bài bản về mô hình này để có cơ sở đánh giá khoa học về quá trình phát triển của hệ thống trường chuyên trong 10 năm qua.
“Căn cứ vào các phân tích bài bản đó, sẽ xác định hướng đi phù hợp với trường chuyên trong thời gian tiếp theo” – Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành nói.
Nguồn: https://nhandan.com.vn