Theo tài liệu “Nghiên cứu và định hướng dư luận xã hội”, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dư luận xã hội là sự biểu hiện của ý thức xã hội, nó phản ánh tồn tại xã hội và do tồn tại xã hội, hay khách thể của dư luận xã hội, quyết định. Tuy nhiên, các yếu tố văn hoá, tâm lý…, của chủ thể dư luận xã hội cũng như môi trường chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nơi dư luận xã hội diễn ra, đều tác động hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình hình thành và phát triển của dư luận xã hội. Những yếu tố tác động đến quá trình hình thành dư luận xã hội có thể khái quát thành ba nhóm sau:
Một là, nhóm yếu tố thuộc về khách thể của dư luận xã hội
Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng, trong nhiều sự kiện, hiện tượng cùng diễn ra, công chúng quan tâm trước hết, đưa ra sự phán xét đánh giá trước hết đối với những sự kiện, hiện tượng liên quan trực tiếp đến lợi ích thiết thân hàng ngày của họ.
Dư luận đối với những sự kiện quan trọng, liên quan đến lợi ích cơ bản, lâu dài của đại đa số quần chúng thường hình thành rất nhanh chóng và có hiệu lực lớn trong việc huy động đông đảo công chúng đi tới những quyết định thực tiễn.
Hai là, nhóm yếu tố thuộc về chủ thể dư luận xã hội
Những yếu tố thuộc về chủ thể dư luận xã hội như: trình độ văn hóa, nhất là trình độ văn hóa chính trị, trình độ lý luận chính trị, tâm lý cá nhân, các yếu tố thuộc về tâm lý đám đông, tâm lý xã hội của cộng đồng... có vai trò quyết định đến sự phán xét, đánh giá các hiện tượng, sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội. Chúng quyết định phương hướng, nội dung của sự đánh giá, phán xét. Tuy nhiên, mỗi yếu tố lại tác động, ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau.
Văn hóa chính trị là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phán xét của chủ thể. Nó quyết định phương pháp, khuynh hướng đánh giá của chủ thể. Nếu cộng đồng công chúng có trình độ lý luận, có hiểu biết nhất định về chính trị, có kinh nghiệm hoạt động chính trị thì có sự nhạy cảm, sắc bén trong việc xử lý đúng đắn, kịp thời những vấn đề chính trị bức xúc. Họ thường bình tĩnh, sáng suốt khi đánh giá những biến cố của đời sống chính trị. Những đánh giá của họ thường chính xác.
Hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể ảnh hưởng đến sự đúng sai của dư luận xã hội. Con người am hiểu pháp luật sẽ đánh giá các sự kiện, hiện tượng theo những chuẩn mực của pháp luật, do đó dễ đi đến thống nhất ý kiến chung, tạo nên dư luận đúng đắn, hợp lý. Thực tế ở một số “điểm nóng” cho thấy: khi công chúng thiếu kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật kém thì dẫn đến thái độ, hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội.
Ba là, nhóm yếu tố thuộc về môi trường xã hội
Môi trường xã hội, nơi dư luận xã hội diễn ra là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành dư luận xã hội. Môi trường xã hội tác động đến dư luận xã hội bao gồm: điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bầu không khí tâm lý - xã hội...
Sự ảnh hưởng của điều kiện kinh tế đến dư luận xã hội rất sâu xa còn thể hiện ở chỗ: nếu nền kinh tế phát triển, đời sống các tầng lớp dân cư được khởi lòng tin vào đường lối kinh tế, vào sự lãnh đạo của Đảng sẽ được tăng cường. Thái độ đánh giá đối với các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội sẽ tích cực, thuận chiều.
Cơ chế kinh tế cũng tác động đến dư luận xã hội. Cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp trước đây tạo ra tâm lý thụ động, ỷ lại, sự phán xét đánh giá thường mang tính một chiều. Còn cơ chế kinh tế thị trường hiện nay với mặt tích cực của nó sẽ tạo ra tư duy năng động, sáng tạo, coi trọng chất lượng, hiệu quả. Nhưng kinh tế thị trường với mặt tiêu cực của nó sẽ tạo ra tâm lý sùng bái đồng tiền, coi tiền là tất cả, bất chấp mọi giá trị đạo đức, đồng thời sẽ tạo ra sự lệch chuẩn giá trị, lấy đồng tiền làm thước đo để đánh giá mọi quan hệ giữa người với người.
Một đảm bảo then chốt cho việc tạo lập và phát huy hiệu lực của dư luận xã hội là dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu nhân dân lao động có quyền làm chủ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và được tự do trao đổi, tranh luận trên tinh thần vì lợi ích chung thì dư luận xã hội hình thành nhanh chóng, khách quan và thuận lợi. Ý nghĩa của việc thảo luận tranh luận công khai, dân chủ đối với dư luận xã hội là ở chỗ chúng mang lại cho dư luận xã hội những yếu tố chất lượng. Nhờ thảo luận, tranh luận, quá trình hình thành các quan điểm, nhận định, đánh giá sẽ được cân nhắc kỹ và suy xét về mọi mặt.
Các phương tiện truyền thông đại chúng, trước hết là báo chí, có ảnh hưởng và tác động to lớn đến cả quá trình tạo lập, quá trình hình thành và định hướng dư luận xã hội. Chúng không chỉ tác động đến chất lượng tức là mức độ phán xét đánh giá chính xác, sâu sắc của dư luận xã hội mà còn tác động đến quy mô và nhịp độ quá trình hình thành dư luận xã hội.
Trần Năng (TH)