KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 17/12/2021 - Lượt xem: 308
Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân

Ngày 16.12, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Nội dung Chỉ thị như sau:

Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 9.12.2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 32-CT/TW), ngày 26.12.2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU về tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Qua hơn 18 năm thực hiện, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự thống nhất trong nhận thức đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với hiệu quả thực thi công vụ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới; từng bước đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân, giúp người dân hiểu biết pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội của địa phương. 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong chỉ đạo, tham mưu và triển khai tổ chức thực hiện còn hình thức, chưa quyết liệt, chưa quan tâm bố trí cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp; nhận thức và ý thức tự giác tìm hiểu, chấp hành pháp luật của một số đảng viên, cán bộ, Nhân dân còn hạn chế khó khăn về kinh phí trong quá trình triển khai các Chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác này. 
Ngày 20.6.2020, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân (sau đây viết tắt là Kết luận số 80-KL/TW), trong đó Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW. 
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW, kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như sau: 
1. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; các văn bản chỉ đạo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Gắn việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 
Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phải tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo theo nhiệm vụ, thẩm quyền; đưa việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình là nhiệm vụ thường xuyên. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác này. Lấy ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Gắn kết chặt chẽ, bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. 
2. Đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí, triển khai thực hiện đầy đủ các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành. Thường xuyên rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế. Bổ sung, tăng cường các nguồn lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án của tỉnh về công tác này. Đa dạng hóa nguồn lực xã hội cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nhóm đối tượng đặc thù, nhóm đối tượng yếu thế. Củng cố, kiện toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp bảo đảm phát huy tốt vai trò phối hợp tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 
3. Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới. Đổi mới nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể. Kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật.
4. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với nhóm đối tượng, địa bàn và nhu cầu thực tế của địa phương.  Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng; nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật, các hoạt động đối thoại, giải đáp, tư vấn pháp luật. Xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả gắn với từng chủ đề, nội dung đối tượng. Đổi mới toàn diện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật kịp thời, thực chất, hiệu quả. Bổ sung, tăng cường các nguồn lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của Mặt trận Tổ quốc, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư và những người làm công tác pháp luật khác tham gia vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Lấy kết quả triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong các tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, nhất là đối với người đứng đầu.
6. Tổ chức thực hiện
a) Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Chỉ thị này.
b) Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân trong việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri; giám sát việc thực hiện pháp luật. 
c) Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Xây dựng trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.
d) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật, về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp; tăng thời lượng và nội dung tuyên truyền. Kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực thi pháp luật; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, pháp luật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên, cộng tác viên, bảo đảm tuyên truyền đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
đ) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình; vận động Nhân dân chấp hành pháp luật; phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân; vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia và hỗ trợ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.
e) Căn cứ Chỉ thị này, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa, triển khai đến các cấp ủy, chính quyền trực thuộc. 
Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả theo quy định. 
Chỉ thị này được phổ biến đến Chi bộ.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan