Những năm qua, văn học - nghệ thuật tỉnh nhà có bước phát triển; đội ngũ văn nghệ sỹ và số lượng tác phẩm được công bố ngày càng tăng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hăng hái thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa.
Tuy nhiên, sự phát triển văn học - nghệ thuật chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chưa phản ảnh kịp thời, sâu sắc cuộc sống, con người và những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên trong sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước; số tác phẩm có chất lượng thu hút được sự quan tâm của công chúng chưa nhiều; công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ văn nghệ sĩ và chế độ nhuận bút, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Hội còn bất cập. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do cấp ủy đảng, chính quyền một số nơi chưa chú trọng đầu tư đúng mức công tác này; chưa chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của văn học- nghệ thuật trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; việc tập hợp và định hướng tư tưởng cho đội ngũ văn nghệ sỹ chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kì mới.
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 23- NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới”, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động văn học- nghệ thuật tỉnh nhà, Ban thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
1- Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Đưa nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn học - nghệ thuật vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tạo điệu kiện khuyến khích văn nghệ sỹ bám sát thực tiễn, đẩy mạnh hoạt động, sáng tác được nhiều tác phẩm thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
2 - Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước, đảm bảo tính định hướng chính trị đối với hoạt động văn học - nghệ thuật. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý văn học - nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn học - nghệ thuật của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
3 - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cần chú trọng củng cố tổ chức, phát triển hội viên và đổi mới hoạt động; thực hiện tốt vai trò tập hợp, phát huy tính chủ động, tích cực xã hội và tài năng của đội ngũ văn nghệ sỹ; kịp thời khuyến khích, khen thưởng, động viên văn nghệ sỹ có thành tích sáng tác và quá trình cống hiến; phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu của văn nghệ sỹ tỉnh tới các tầng lớp nhân dân.
4 - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh triển khai, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.
T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC
(Đã ký)
Nguyễn Văn Thông