KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 18/06/2020 - Lượt xem: 42
Chống COVID-19: Tổ chức khu vực riêng đón các nhà ngoại giao, doanh nhân

Ngày 18/6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 chủ trì cuộc họp sáng 18/6. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã đánh giá tình hình dịch bệnh trong nước, khu vực và trên thế giới; công tác quản lý các tuyến biên giới, người nhập cảnh; xem xét mở lại một số đường bay quốc tế; nới lỏng đi lại với một số nước đã kiểm soát được dịch bệnh; đẩy mạnh xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ; tổ chức đưa công dân Việt Nam về nước;…  
Thực hiện mục tiêu kép nhưng phải bảo đảm an toàn
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đánh giá, ở trong nước chúng ta cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới hết sức phức tạp. Trong khi tâm lý người dân và các cơ quan phòng, chống dịch trong thời gian gần đây ít nhiều có dấu hiệu chững lại.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Chính trong giai đoạn này chúng tôi rất lo lắng, quan ngại”. Đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội, nhưng nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 đã bùng phát ở nhiều nước.
Nhấn mạnh quan điểm, thực hiện mục tiêu kép nhưng phải bảo đảm an toàn, Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả các thành viên rà soát lại toàn bộ các công việc, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các lực lượng phòng, chống dịch không được chủ quan, nơi lỏng, sẵn sàng ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra.
Theo Ban Chỉ đạo, để bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, chúng ta phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Về vấn đề công bố hết dịch, Ban Chỉ đạo cho rằng hiện chúng ta vẫn còn bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị; đồng thời, chúng ta cũng tiếp tục đưa công dân Việt Nam về nước, đưa chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước ngoài vào Việt Nam làm việc, nên vấn đề công bố hết dịch cần hết sức cân nhắc.
Xem xét nối lại một số tuyến bay quốc tế
Về quản lý người nhập cảnh là các nhà ngoại giao, quan chức cao cấp, nhà đầu tư, những người này chỉ nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán, ký kết hợp đồng đầu tư, thương mại, Ban Chỉ đạo giao Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng làm tổ trưởng tổ công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát, xây dựng các quy định để tổ chức các khu vực riêng biệt, đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch tễ, phòng xét nghiệm để phục vụ các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân vào làm việc.
Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã đưa hơn 8.000 công dân về nước; thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện công tác bảo hộ công dân trong thời gian tới theo quy định và tình hình thực tiễn.
 
Cũng tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo bàn thảo, thống nhất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nối lại đường bay thương mại đối với một số quốc gia, vùng lãnh thổ hiện cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và có quan hệ sâu rộng nhiều mặt với Việt Nam; tăng cường khả năng xét nghiệm nhanh; giao Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) quản lý tổ truy vết để sẵn sàng phát hiện các ca bệnh mới để có giải pháp ngăn chặn kịp thời. 
Châu Á nguy cơ gia tăng làn sóng thứ 2
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, hiện trên toàn thế giới đã ghi nhận 8.257.885 trường hợp mắc COVID-19 tại 215 quốc gia vùng lãnh thổ. 16 quốc gia có số mắc trên 100.000 trường hợp; 46 quốc gia có số mắc từ 10.000 đến 100.000 trường hợp; 61 quốc gia/ vùng lãnh thổ có số mắc từ 1.000 – 10.000 trường hợp; 92 quốc gia/ vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc.
Hiện đã ghi nhận 445.986 trường hợp tử vong; 8 quốc gia có trên 10.000 trường hợp tử vong, 25 quốc gia có số tử vong từ 1.000 – 10.000 trường hợp; 30 quốc gia/vùng lãnh thổ chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19 (trong đó có Việt Nam);…
Trong tuần thế giới ghi nhận thêm 918.415 trường hợp mắc và 31.926 trường hợp tử vong, trung bình mỗi ngày ghi nhận trên 110 nghìn ca mắc và gần 4.000 người tử vong. Dịch bệnh có xu hướng thuyên giảm tại châu Âu, các quốc gia tại khu vực này đang từng bước thực hiện các biện pháp nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, mở cửa biên giới.
Trong khi đó tại châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ và Brazil, tình hình dịc bệnh vẫn diễn biến phức tạp với sự gia tăng mạnh số mắc và tử vong mỗi ngày. Đáng chú ý, tại châu Á đang gia tăng nguy cơ xuất hiện làn sóng thứ 2 dịch COVID-19 tại một số quốc gia.
Cụ thể, tại Trung Quốc sau gần 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vài ngày qua đã trở thành “điểm nóng” liên quan đến chợ đầu mối thực phẩm. Hiện số ca nhiễm COVID-19 liên quan đến ổ dịch này đã lên đến hơn 100 người. Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã nâng cấp độ cảnh báo ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19, huỷ trên 1.200 chuyến bay, đóng cửa trường học, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển.
Tại Hàn Quốc, trong 2 tuần qua, khu vực Thủ đô Seoul và vùng phụ cận ghi nhận trung bình mỗi ngày có 36,5 ca nhiễm mới, tăng gần gấp đôi so với hai tuần cuối tháng 5/2020.
Nguồn: chinhphu.vn

 

Tin liên quan