KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 16/07/2020 - Lượt xem: 68
Chưa bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với đề xuất bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận (Ảnh: Quochoi.vn)
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 46, chiều ngày 14/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.
Tác động lớn đến đời sống xã hội
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu rõ, việc triển khai đổi mới sách giáo khoa phổ thông thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH14 đã có ưu điểm như thu hút được đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia nên có sự cạnh tranh về mặt chất lượng, nội dung sách. Sách giáo khoa sẽ có thể có nội dung hay hơn, hình thức, chất lượng tốt hơn. Nhiều nhà xuất bản tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh, không còn dư luận về việc độc quyền như trước đây. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ có sự cạnh tranh giữa các Nhà xuất bản thông qua giá cả và chất lượng sách; có thể xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức điều tiết giá hoặc tự định giá sách giáo khoa ở mức cao; mức giá bán cao thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn sách.
Mặt khác, qua so sánh ba phương án đã kê khai của sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020-2021 với các cuốn sách giáo khoa đã kê khai giá của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam năm 2019 thì cùng một quyển sách giáo khoa có thể dẫn đến mặt bằng giá cao hơn khoảng hơn 2 lần. Bên cạnh đó, do tác động của nhiều nguyên nhân như sản lượng in, chi phí tuyên truyền tiếp thị quảng cáo hướng dẫn sử dụng, các chi phí trước đây được Nhà nước hỗ trợ như chi phí bản thảo, dạy thực nghiệm, nhuận bút… đến nay các Nhà xuất bản phải chủ động chi trả sẽ làm giá thành sách giáo khoa tăng lên.
Trên thực tế, sách giáo khoa là một trong những vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu của học sinh các cấp hiện nay. Do đó giá sách giáo khoa có tác động lớn đến đời sống xã hội. Theo thống kê giáo dục năm 2017-2018, cả nước có khoảng 15,9 triệu học sinh phổ thông nên việc điều chỉnh tăng giá sách giáo khoa đều có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước và tâm lý người dân.
Theo Chính phủ, việc thực hiện kê khai giá chưa đủ để điều tiết công bằng trong in ấn phát hành sách giáo khoa như mong muốn, Nhà nước không điều tiết được giá có thể làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế.
“Nếu không có cơ chế điều tiết giá dẫn đến có sự chênh lệch về giá giữa các Nhà xuất bản và có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình lựa chọn bộ sách giáo khoa cho học sinh” - Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Chính phủ cho rằng, việc Nhà nước điều tiết giá sách giáo khoa bằng hình thức định giá là cần thiết. Do đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.
UBTVQH không có thẩm quyền quyết định
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, hiện nay sách giáo khoa là một trong những vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu của học sinh các cấp học, có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Theo quy định hiện hành, sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, theo đó thẩm quyền quyết định giá sách giáo khoa thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách nên thời gian qua giá sách giáo khoa ở mức khá cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí mua sách giáo khoa của phụ huynh và học sinh. Do đó, cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này khi giá sách giáo khoa chưa thực sự được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.
Một số ý kiến cho rằng, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có chủ trương lớn là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết của Quốc hội và trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá.
 Mặt khác, để đảm bảo mức giá phù hợp trong cơ chế thị trường thì Chính phủ cần có cơ chế để mở rộng đối tượng được in ấn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm có nhiều nhà cung cấp cùng sản phẩm, từ đó góp phần giảm giá bán sản phẩm.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không quyết định việc không đúng thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nội dung mà Luật không cho phép, không đúng nguyên tắc trong Luật sẽ là sai. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để sửa Luật Giá hoặc bằng Nghị quyết của Quốc hội đưa mặt hàng sách giáo khoa vào những hàng hóa mà Nhà nước được định giá khung tối đa, tức thay lại nguyên tắc của Nhà nước định giá để chuẩn bị cho năm học sau. Đối với năm học này sẽ áp dụng theo giá mà đã thẩm định, trường hợp khó khăn Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá lại, rà soát lại để có cái nhìn căn cơ, tổng thể, hoàn chỉnh lại hồ sơ. Trên cơ sở đó, nếu thấy rằng vấn đề này là cần thiết, cấp bách thì phải đánh giá và báo cáo với Quốc hội ban hành Nghị quyết hoặc phải sửa lại Luật Giá.
Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Sau khi cho ý kiến về các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 46./.

 

Tin liên quan