KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 15/12/2018 - Lượt xem: 316
Chức năng cơ bản của “dư luận xã hội”

Theo tài liệu “Nghiên cứu và định hướng dư luận xã hội”, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 2014 thì “dư luận xã hội” là tập hợp ý kiến của các cá nhân, biểu thị trạng thái ý thức xã hội của cộng đồng người nào đó, là sự phán xét đánh giá của cộng đồng người ấy đối với các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ trong một thời điểm nhất định.

Xét về chức năng, thì dư luận xã hội có các chức năng chủ yếu đó là: chức năng đánh giá; chức năng điều chỉnh; chức năng giáo dục; chức năng giám sát; chức năng tư vấn, phản biện.
Chức năng đánh giá: Đó là một hoạt động của tư duy nhằm nhìn nhận mức độ phù hợp hay không phù hợp giữa khách thể được xem xét so với những chuẩn mực, những căn cứ đã định ra và đang tồn tại. Thông qua sự đánh giá chủ thể có thể biết được sự phù hợp hay không phù hợp, đúng hay sai của khách thể được đem ra đánh giá so với chuẩn mực xã hội hay so với tiêu chí đang tồn tại.
Chức năng điều chỉnh: Dư luận xã hội cũng như pháp luật đều thực hiện chức năng điều chỉnh hành vi và điều tiết các quan hệ xã hội. Pháp luật thiết lập “trật tự” đối với các quan hệ xã hội, tạo điều kiện cho các quan hệ xã hội phát triển theo chiều hướng nhất định phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, phù hợp với quy luật vận động khách quan của các quan hệ xã hội. Dư luận xã hội điều tiết các quan hệ xã hội thông qua việc đưa ra sự phán xét đánh giá của cộng đồng về một vấn đề nào đó, sự phán xét đánh giá đó tác động đến hành vi và các mối quan hệ của cá nhân với cá nhân, của cá nhân với tập thể, của tập thể với xã hội và của xã hội, tập thể với từng cá nhân. Dư luận xã hội có thể cổ vũ, khích lệ hành vi tích cực vì lợi ích xã hội, nhưng cũng có thể phản đối, gây sức ép, cản trở hành vi “lệch chuẩn”, cực đoan, không có lợi cho nhóm người này hoặc nhóm người khác. Dư luận xã hội tích cực, vì vậy, là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của xã hội. Dư luận xã hội là “luật không thành văn”.
Chức năng giáo dục: tác dụng chủ yếu của chức năng giáo dục là ở chỗ dư luận xã hội góp phần chuyển giao các giá trị tinh thần từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dư luận xã hội góp phần vào việc giáo dục ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với nhiệm vụ chung, giáo dục đạo lý làm người thông qua việc khen, chê, đồng tình hay lên án một hành vi nào đó. Khó có một biểu hiện vi phạm luân thường đạo lý nào trong xã hội có thể thoát khỏi sự lên án ngay lập tức của dư luận xã hội…
Chức năng giám sát: Dư luận xã hội luôn biểu hiện lập trường rõ ràng đối với các vấn đề mà nó quan tâm. Mục đích của dư luận xã hội là làm cho các tổ chức, các cá nhân có trách nhiệm phải có hoạt động thích hợp, đáp ứng các yêu cầu của dư luận xã hội đưa ra. Như vậy, chức năng giám sát là thông qua sự phán xét đánh giá, dư luận xã hội giám sát hoạt động của các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước phù hợp với lợi ích chung của xã hội.
Chức năng tư vấn, phản biện: Thực chất của chức năng tư vấn (khuyên bảo) là ở chỗ, trong dư luận xã hội có thể tìm thấy những lời khuyên, những ý kiến, những đề nghị chứa đựng phương pháp giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức nóng bỏng đang đặt ra trước xã hội. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta mỗi khi ra một quyết định liên quan đến lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước, lợi ích của các tầng lớp nhân dân đều tổ chức cho nhân dân được đóng góp ý kiến của mình và rất coi trọng việc lựa chọn trong các ý kiến đó những kiến nghị, những lời tư vấn về cách giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, khi thực hiện việc thảo luận về giải pháp phòng chống tham nhũng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các tầng lớp nhân dân đã tư vấn cho Đảng và Nhà nước ta những giải pháp hữu hiệu như: củng cố và tăng cường pháp luật phòng chống tham nhũng; thành lập cơ quan chỉ đạo và cơ quan độc lập chống tham nhũng; thực hiện việc kê khai và công khai tài sản của cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các, tăng lương cho cán bộ, công chức... Dư luận xã hội còn là người phản biện có uy tín đối với các quyết định của cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể.
 
Trần Năng  (TH)

 

Tin liên quan