Không phải ai sinh ra, lớn lên đều may mắn có được trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và gia đình. Vẫn còn nhiều trẻ em chịu thiệt thòi khi mất đi những người thân yêu nhất từ khi thơ bé. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động từ tháng 10/2021 với mong muốn san sẻ tình cảm ấm áp, mang yêu thương, niềm vui đến với các em nhỏ mồ côi vì những hoàn cảnh éo le khác nhau.
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, lãnh đạo huyện Ân Thi và đại diện Công ty cổ phần xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh trao quà cho các cháu được nhận đỡ đầu năm 2024
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc từ Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp hội phụ nữ huyện Ân Thi đã tích cực triển khai, kết nối đến từng chi hội, rà soát trên từng địa bàn khu dân cư nơi trẻ mồ côi đang sinh sống, từ đó nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình với tinh thần tự nguyện. Đây không chỉ là sự quan tâm, khích lệ, động viên, giúp đỡ về vật chất mà còn giúp các cháu xoa dịu phần nào mất mát, ổn định tâm, sinh lý vững vàng hơn trong cuộc sống.
Huyện Ân Thi có 433 cháu mồ côi bố hoặc mẹ, có trường hợp mồ côi cả bố mẹ; trong đó có 01 cháu mồ côi do đại dịch Covid-19; 166 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngay từ đầu năm 2022, Hội LHPN huyện đã ban hành Kế hoạch và triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” giai đoạn 2022 - 2026 đến các cơ sở hội; phát động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng Chương trình và nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, tập trung vào đối tượng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian đầu, Hội LHPN huyện và cấp cơ sở còn bỡ ngỡ trong việc vận động, quyên góp, kết nối các nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Trong 02 năm 2022 - 2023 chỉ đỡ đầu được 68 cháu, trong đó: Hội LHPN huyện và cấp cơ sở nhận đỡ đầu 29 cháu, Công ty Cổ phần Hoa Lan nhận đỡ đầu 10 cháu; Công ty TNHH Tiên Hưng nhận đỡ đầu 20 cháu; Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel Hưng Yên nhận đỡ đầu 05 cháu; Nhịp nối yêu thương nhận đỡ đầu 04 cháu. Do số lượng cháu được đỡ đầu ít nên Hội LHPN huyện phân công cán bộ phụ nữ huyện phối hợp với Chi hội phụ nữ cơ sở để tìm hiểu hoàn cảnh của từng cháu, lựa chọn theo thứ tự ưu tiên, đối với những cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nhận đỡ đầu trước, cháu có hoàn cảnh khó khăn ít hơn thì nhận đỡ đầu sau.
Trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu từng hoàn cảnh mới thấy hết những thiệt thòi, mất mát không gì bù đắp được. Có cháu vừa sinh ra mẹ đã mất, có cháu bố mất khi mới được 12 tuần tuổi..., các cháu chưa một lần cảm nhận được vòng tay yêu thương của bố mẹ; có cháu bố mẹ bị bệnh nặng hoặc không có nhà ở phải đi ở nhờ... Tuy hoàn cảnh là vậy, các cháu vẫn nhận được sự yêu thương của ông bà, người thân, xã hội và vẫn được đến trường nhưng tương lai phía trước của các cháu còn rất gian truân.
Từ kết quả có được sau 2 năm đầu thực hiện, để Chương trình “Mẹ đỡ đầu” lan tỏa, nơi tình người được nhân lên, đầu năm 2024, Huyện ủy Ân Thi đã có Công văn gửi các cơ quan, công ty, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Đến hết tháng 3/2024 đã có 9 tập thể, đơn vị và doanh nghiệp nhận đỡ đầu, tiêu biểu như: Công ty cổ phần công nghệ dinh dưỡng Việt Nhật nhận đỡ đầu 10 cháu; Công ty cổ phần đầu tư khu công nghiệp Yên Mỹ nhận đỡ đầu 10 cháu; Công ty cổ phần Haplast nhận đỡ đầu 05 cháu; Công ty Công ty cổ xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh nhận đỡ đầu 10 cháu; Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và phát triển hạ tầng Hưng Yên nhận đỡ đầu 10 cháu; Công ty TNHH đầu tư và phát triển khu công nghiệp VTK Hưng Yên nhận đỡ đầu 20 cháu; Công ty cổ phần quản lý khu công nghiệp ECOLEN nhận đỡ đầu 10 cháu; Công ty Bao bì Việt Hưng nhận đỡ đầu 20 cháu; Ngân hàng chính sách xã hội huyện nhận đỡ đầu 02 cháu. Đến nay, toàn huyện có 166 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được nhận đỡ đầu.
Số tiền mỗi cháu nhận được là 500 nghìn đồng mỗi tháng cùng với sách vở, quần áo, gạo… dù không quá nhiều so với chi tiêu và nhiều khoản trang trải thường ngày, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no” càng đáng trân quý và biết ơn. Có gia đình cháu bị bệnh nặng, bố mẹ không thể làm việc thì được hỗ trợ công cấy, gặt; khi các cháu ốm đau, đi viện, các đơn vị thăm hỏi, động viên, cho quà, hỗ trợ viện phí; những ngày lễ, tết, đặc biệt Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, các cháu đều nhận được những phần quà… Tất cả đã phần nào giúp các cháu vơi bớt khó khăn, bất hạnh, tiếp thêm nghị lực mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đã và đang truyền tải những thông điệp nhân văn và ngày càng phát huy hiệu quả. Qua đó, cán bộ, hội viên phụ nữ ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, của hội viên phụ nữ nghèo, thực hiện hiệu quả nội dung giám sát và phản biện xã hội về công tác gia đình, trẻ em.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ân Thi