Chương trình khẳng định Điện Biên Phủ không chỉ là chiến công "núi vọng, sông rền" của riêng Việt Nam, một thiên sử bằng vàng, mà còn là một sự kiện "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."
Ngày 7/5/1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt. Lá cờ 'Quyết chiến, Quyết thắng' của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. (Ảnh: Triệu Đại/TTXVN)
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), tối 23/4, tại Hà Nội, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt "Điện Biên Phủ-Núi vọng sông rền."
Dự Chương trình có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Chương trình nhằm tuyên truyền về ý nghĩa to lớn, mang tầm vóc thời đại của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam là những nhân tố cơ bản làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Đây cũng là một trong những hoạt động tôn vinh, tri ân công lao, cống hiến của quân và dân ta, nhất là những chiến công, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sỹ, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chương trình góp phần giáo dục, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sỹ toàn quân và nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, ra sức thi đua, giành những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình giao lưu nghệ thuật "Điện Biên Phủ-Núi vọng sông rền" gồm ba phần chính: "Đường tới Điện Biên Phủ," "Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam," "Âm vang Điện Biên."
Chương trình khẳng định Điện Biên Phủ không chỉ là chiến công "núi vọng, sông rền" của riêng Việt Nam, một thiên sử bằng vàng, khắc ghi vào lịch sử dân tộc mà còn là một sự kiện "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu," đã thức tỉnh các dân tộc bị đọa đày, đau khổ... vùng lên đánh bại chủ nghĩa thực dân khắp châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh...
Các phóng sự trong Chương trình với những phân tích của chuyên gia nghiên cứu lịch sử, nhân chứng và các nhà sử học ở cả Việt Nam và Pháp, kết hợp lời dẫn chương trình, đã thể hiện rõ những thông tin lý giải vì sao Điện Biên Phủ được chọn làm điểm quyết chiến giữa ta và thực dân Pháp.
Các nội dung trong chương trình nêu bật bối cảnh lịch sử trước khi diễn ra cuộc chiến, Kế hoạch Navarre của Pháp, Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của ta; làm rõ tính chính nghĩa trong cuộc chiến của ta, đặc biệt khẳng định tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy của Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như quyết tâm chiến đấu, chiến thắng, tư tưởng "Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh," dù so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trước khi bước vào cuộc chiến thì ta có nhiều bất lợi.
Chương trình là sự tổng hòa, kết hợp sáng tạo giữa các phóng sự, đồ họa, minh họa, tái hiện, giao lưu nhân vật, văn nghệ hoạt cảnh theo hình thức sử thi, cùng tổ khúc văn nghệ đặc sắc.
Thông qua lời kể của các nhân vật về những câu chuyện chân thực, các phóng sự trong chương trình còn nêu bật tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với toàn thế giới, khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Phi./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn