Cách đây vừa tròn 30 năm, năm 1994, lúc đó tôi còn công tác ở Báo Lai Châu, tôi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ đến huyện Điện Biên để dự lễ khánh thành đài tưởng niệm những người lính Pháp tử trận tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Sau thất bại của Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ, dư âm của cuộc chiến cũng đã lùi xa, khép lại quá khứ để hướng tới tương lai mở ra triển vọng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt – Pháp mà thực tế nước CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Pháp đã chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao...
Năm 1994, ông ROLF-RODEL, một cựu chiến binh Pháp năm 1954 đã từng có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ, trung sĩ chỉ huy đội biệt kích “ com – măng – đô “ thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Bộ binh Lê dương tại Hồng Cúm, Điện Biên Phủ và nhiều cựu chiến binh khác đặc biệt là ông ROLF-RODEL, có ý nguyện được xây dựng một tượng đài tưởng niệm trên cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên Phủ. Với tâm niệm, người thân những người lính Pháp khi đến Điện Biên Phủ có chỗ tưởng niệm đặt vòng hoa cho những người lính Pháp đã tử trận vì cuộc chiến của nước Pháp. Khi ông có ý định thì một số người Pháp , bạn bè, cựu tù binh rất nghi ngại liệu Việt Nam có đồng ý cho phép ... Nhưng thực tế không phải vậy, sau khi ông ROLF-RODEL đặt vấn đề qua Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ Ngoại giao ta nhờ giúp đỡ, ông đã được Nhà nước Việt Nam cho phép.
Với lòng bao dung nhân nghĩa của con người Việt Nam, ông ROLF-RODEL và các cựu binh Pháp đã thực hiện được ý nguyện xây dựng một tượng đài tưởng niệm trên cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên Phủ, Việt Nam.
Ngày 26/6/1994, đài tưởng niệm được khánh thành, với tư cách là người đại diện, chủ đầu tư công trình, ông ROLF-RODEL trân trọng mời lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Điện Biên, báo chí, Báo Lai Châu đến chứng kiến, lấy tư liệu, ngoài ra khách mời còn có đại diện Bảo tàng Điện Biên, Bảo tàng Quân đội và một số đồng chí bên an ninh.
Đài tưởng niệm những người lính Pháp tử trận tại chiến trường Điện Biện Phủ
Đài tưởng niệm có tổng diện tích 1000m2, cạnh sông Nặm Rốm, cách hầm Đecas Tries 200m về phía tây, đường vào xã Thanh Luông, nay thuộc phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ.
Quang cảnh buổi khánh thành rất đơn sơ mộc mạc nhưng ấm áp, lịch sự, có 2 chiếc ghế băng, 2 chiếc bàn to để nước, hoa, thuốc lá và bánh kẹo, người dân ai qua đây đều được mời vào uống nước, hút thuốc lá và ăn kẹo. Khách mời có tỉnh Lai Châu, huyện Điện Biên, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Điện Biên Phủ. Đài tưởng niệm ghi dòng chữ “ Đài tưởng niệm lính Pháp tử trận tại chiến trường Điện Biên Phủ “ dịch ra từ tiếng Pháp
Trong lễ khánh thành, ông ROLF-RODEL đọc, hôm nay là ngày 26/6/1994 ngày đã trở thành hiện thực đối với ước vọng của tôi, đó là đã xây dựng xong tượng đài tưởng niệm cho những người đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh Đông dương vì nước Pháp và nguyện vọng đó đã trở thành hiện thực.
40 năm đã trải qua từ khi cuộc chiến tại Điện Biên Phủ và trên toàn Đông dương kết thúc, tại mảnh đất này đã có một đài tưởng niệm đầu tiên trên toàn cõi Việt Nam mà từ đó tất cả những cựu chiến binh Pháp, các gia đình có thân nhân, bạn bè đã chết, mất tích cũng như những người muốn tìm hiểu về cuộc chiến tranh Đông Dương có điều kiện đến viếng thăm và tưởng nhớ đến vong linh những người đã mãi mãi nằm lại trên mảnh dất này...
Ông ROLF-RODEL cảm ơn Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Điện Biên. Sau lễ khánh thành, ông ROLF-RODEL đã dành thời gian đến thăm và đặt vòng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 Điện Biên Phủ. Về phía báo chí hôm đó duy nhất chỉ có tôi là phóng viên báo Lai Châu dự khánh thành. Ngay sau đấy, ông ROLF-RODEL đặt vấn đề qua đồng chí Hà Văn Châu, phiên dịch là người đi cùng với ông ROLF-RODEL mua lại cuộn phim tôi chụp, tôi trả lời ngay đây là cuộn phim tư liệu, tôi sẽ tặng ông một số ảnh.
Tranh thủ buổi trưa, tôi ra hiệu ảnh cũng gần đấy nhờ tráng phim và làm ảnh. Tôi phóng 10 kiểu, có ảnh 9x12, đóng vào phong bì cẩn thận tặng. Ông ROLF-RODEL rất mừng và cảm động, lại có nhã ý gửi tiền chi phí cho những tấm ảnh, nhưng tôi một mực từ chối.
Nguồn: https://baohungyen.vn