1- Trống đồng Cửu Cao và trống đồng Động Xá
Trống đồng đã đi vào lịch sử dân tộc không chỉ với tư cách là một nhạc khí, mà nó là một thứ hiệu lệnh để cổ động tinh thần binh sĩ. Từ thời Vua Hùng, trống đồng đã được dùng như một vật thiêng. Một cuốn sách cổ của Trung Quốc là Hậu Hán thư đã ghi: "Dân Giao Chỉ có linh vật là trống đồng, nghe đánh lên họ rất hăng lúc lâm trận....". Khi nhà Hán xâm lược nước ta, với chính sách di dân, đồng hóa, chúng đã phá hoại những sản phẩm văn hóa của người Việt, đặc biệt chú trọng đến thu vét trống đồng để thủ tiêu. Tướng giặc là Mã Viện đã cướp rất nhiều trống đồng rồi đúc thành một con ngựa cao 3 thước 5 tấc (khoảng 1m40), dài 4 thước 4 tấc (khoảng 1m80) để dâng vua Hán Quang Vũ, đặt tại kinh đô Trường An. Để bảo tồn văn hóa truyền thống trước sự hủy diệt của quân xâm lược, nhân dân ta đã đem trống đồng chôn giấu trong lòng đất. Đến các triều đại độc lập, người dân Đại Việt lại tiếp tục sử dụng trống đồng. Thời Trần, có lẽ tiếng trống đồng đã góp phần nâng lên hào khí Đông A để ba lần đánh tan quân Nguyên Mông hùng mạnh, thiện chiến. Sứ giả nhà Nguyên lúc ấy là Trần Phu, đi sứ vào Đại Việt, nghe tiếng trống đồng đã phải thốt lên:
Kinh qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh
Tạm dịch là:
Trông bóng giáo mác lòng đau khổ
Bạc cả tóc vì nghe tiếng trống đồng
Hưng Yên được đánh dấu trên bản đồ phân bố trống đồng ở Việt Nam. Cùng với các tài liệu, hiện vật khảo cổ học khác, chứng tỏ rằng, trên địa bàn tỉnh cư dân thời đại Hùng Vương đã từng đến sinh cơ, lập nghiệp.
Trong bộ bản thảo “Địa chí Hưng Yên” do Sở Văn hóa- Thông tin chủ trì biên soạn năm 2011 và rất nhiều tài liệu đã được ấn hành giới thiệu về văn hóa, lịch sử Hưng Yên đều khẳng định, chiếc trống đồng Đông Sơn đầu tiên được tìm thấy ở Hưng Yên là trống đồng Cửu Cao. Ngày 22/2/1964, khi đang đào một kênh thủy lợi trên cánh đồng làng mình, nhân dân xã Cửu Cao (Văn Giang) đã phát hiện một chiếc trống đồng. Chiếc trống còn nguyên vẹn, mặt có đường kính 53,7cm, cao 44,4cm, tổng khối lượng là 36kg. Như hầu hết các trống đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, chính ở giữa mặt trống là ngôi sao 12 cánh, được đúc dầy lên vừa là nơi đánh trống, vừa mang ý nghĩa của việc thờ thần mặt trời. Xen giữa các cánh sao, là hình lông công (hình tam giác, phía trong có hai vòng tròn đồng tâm trông như chiếc lông công). Những hoa văn lông công này “chẳng những lấp chỗ trống giữa các cánh sao, mà còn làm cho các mặt trời càng nổi trội, các tia của nó như tỏa rộng thêm”[1]; từ trong ra ngoài có 7 hình hoa văn chấm dải (chỉ là những chấm nhỏ chạy thành vòng tròn- tuy đơn giản nhưng tồn tại trên hầu khắp các vật dụng có hoa văn suốt cả chặng đường dài của nền văn hóa Việt vào thời Sơ sử), vùng tròn chấm giữa có tiếp tuyến hình răng lược, vành 2 xuất hiện hoa văn hình chữ S nối liền nhau tạo thành một chuỗi liên tục, nhịp điệu trở đi trở lại mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “hồi văn”, vành 4 có 4 hoa văn hình chim mỏ dài, đuôi dài, được nha nghiên cứu Nguyễn Du Chi gọi là “hoa văn về loài cò”[2], thân trống có hình răng lược vạch chéo song song…Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là chiếc trống đồng thuộc loại I Hêgơ.
| |
Trống đồng Động Xá (ảnh: internet) | Hoa văn trên trống đồng Động Xá (ảnh: internet) |
Sau khi phát hiện trống đồng Cửu Cao khá lâu, vào ngày 23/12/1997, Hưng Yên lại phát hiện thêm một chiếc trống đồng nữa. Đó là chiếc trống đồng được tìm thấy trong khu mộ cổ thuộc cánh đồng làng Động Xá (thị trấn Lương Bằng, Kim Động). Theo mô tả của cuốn “Địa chí Hưng Yên” thì: Trống được chôn trong lòng đất ở độ sâu 2,5 m so với mặt ruộng trong trong tư thế nằm ngửa, mặt úp xuống dưới. Trống có chiều cao 30 cm, đường kính mặt 42 cm, đường kính chân 49cm, khối lượng 10,5kg. Dáng trống cân đối, thân chia làm 3 phần rõ rệt, rìa mặt không chườn khỏi tang, đủ tiêu chuẩn của trống đồng loại I Hêgơ ( còn gọi là trống đồng Đông Sơn). Ở chính giữa mặt trống có hình ngôi sao chín cánh, giữa các cánh có hoa văn hình gạch ngắn song song. Từ trong ra ngoài còn có những vòng hoa văn sau: Vòng 1, 3, 5, 7 là hoa văn răng cưa; vòng 2, 6 là hoa văn vòng tròn đồng tâm có chấm giữa; vòng 4 là hình 4 chim bay có mỏ dài, đuôi dài đang bay ngược chiều kim đồng hồ. Rìa mặt trống có hình tượng 4 con nhái, mình dài, thân mỏng, hướng ngược chiều kim đồng hồ”.
Những hoa văn được thể hiện trên tang trống và thân trống đồng Động Xá mới thực sự độc đáo. Trong 4 vành hoa văn ở tang trống, vành 1, 3 là hoa văn răng cưa, vành 2 có 3 vòng tròn đồng tâm chấm giữa. Hệ thống hình vẽ cầu kỳ hơn cả trên tang trống được tập trung ở vành thứ tư. Đó là hình vẽ sáu chiếc thuyền, bốn chiếc to, hai chiếc nhỏ, trên có người. Những hình người này được nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ miêu tả khá kỹ: “Hình vẽ đoàn người phụ nữ mặc áo dài tứ thân cổ tròn, mặc váy lộ cả bắp chân, khuôn mặt đẹp, mũi cao, đeo vòng khuyên tai lớn, tóc quấn trần búi gọn phía sau, buộc theo dải lụa tỏa xuống thêm duyên dáng. Ngồi trên thuyền hai phụ nữ cùng thư thái chèo thuyền tiến lên, đang kéo mái chèo, thắt lưng gọn gàng. Hình vẽ tiếp theo cũng diễn tả hai phụ nữ mặc trang phục áo dài tứ thân, nhìn nghiêng, đeo khuyên tai to, đội mũ ống cao, phía sau có dải lụa che bao sau mũ, tỏa dài xuống. Người nữ phía trước khăn lụa sau mũ bay lên cao. Hình vẽ hai người phụ nữ đang cúi xuống, mạn thuyền che nửa người, tuy vậy vẫn lộ rõ hai vạt áo buộc dải dính nhau. Hai đầu mũi thuyền độc mộc cong vênh lên cao, được trang trí bằng 4 vòng tròn đồng tâm. Một hình phụ nữ nối tiếp đoàn thuyền độc mộc, ngồi chèo một mình cũng trong trang phục áo tứ thân, bộ dạng ngồi ngay ngắn, đầu tóc quấn áp sát thân. Những hình ảnh diễn tả đoàn người phụ nữ trong trang phục chèo thuyền, vòng quanh tang trống, áo tứ thân trên trống Động Xá là những hình ảnh mỹ thuật rõ nét nhất, cụ thể nhất và rất đặc sắc, hiếm hoi mà ta biết đến hôm nay”.
Phần lưng của trống đồng Động Xá cũng có những hình vẽ đáng chú ý và độc đáo. Ngoài các hoa văn hình tròn, chấm dải và răng cưa, lưng trống đồng Động Xá có đồ án trang trí hình trâu tinh xảo. Có con trâu đang gặm cỏ, hai sừng cong vênh rất lớn, trên vai trâu một con chim đang đậu, xòe cánh, mỏ dài. Rồi đồ án trang trí đôi trâu đang giao cấu, trâu cái hai chân trước choãi ra, đầu gục xuống, trâu đực tư thế dũng mãnh, chồm nhẩy lên lưng trâu cái, đuôi cong vút, vai gồ, một chân trước giơ lên, chân trước còn lại ấn trâu cái xuống để làm nhiệm vụ truyền lại giống nòi. Hình vẽ rất mỹ thuật, diễn tả sinh động và đặc sắc.
2- Trống đồng Giảo Tất
Trong cuốn “Mỹ thuật của người Việt”[3], các tác giả Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng giới thiệu về trống đồng Giảo Tất để minh họa về các bước phát triển trong trình độ thẩm mỹ của người việt thời Sơ sử. Theo hai tác giả, trống đồng Giảo Tất được tìm thấy ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên).
Thế thì, lẽ ra, các tài liệu của Hưng Yên phải nhắc đến trống đồng Giảo Tất chứ. Đem chuyện này đi hỏi một số nhà viết sử, một số người nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh, tôi đều nhận được cái lắc đầu, thậm chí, có người còn chưa nghe tới cái tên trống đồng Giảo Tất.
Phải đến khi hỏi đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tôi mới có được lời giải đáp xác đáng. Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hoan, Trưởng Phòng Giáo dục, Công chúng thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia thật tận tình khi hướng dẫn tôi tìm tài liệu về chiếc trống đồng này...
Số là, vào một ngày, ông Phạm Nhượng, một nông dân của thôn Lê Xá (Như Quỳnh, Văn Lâm), đào ao, tìm thấy một vật như chiếc nồi đồng đã bị sứt mẻ, có nhiều nét khắc trang trí ở “phần đáy” và xung quanh. Không dùng được, ông đã quyết định bán. Lúc bấy giờ, khu vực Thuận Thành vẫn là khu vực có đông làng nghề đúc đồng nhất với các làng Đại Bái (Thuận Thành, Bắc Ninh), Lộng Thượng (xã Đại Đồng, Văn Lâm ngày nay)... Do đó, việc buôn đồng nát diễn ra phổ biến ở các chợ trong vùng. Ngày 20/11/1918, ông Nhượng đem đến chợ Giảo Tất định bán chiếc “nồi” theo giá đồng nát. Rất may lúc ấy có một người Pháp, là nhân viên của Trường Viễn Đông bác cổ Hà Nội đã nhìn thấy liền mua với giá sáu đồng Đông Dương. Với một người nông dân, sáu đồng Đông Dương là một món tiền to, chứ thực ra, với Viễn Đông bác cổ thì đó là giá rất hời, bởi vào năm 1902, Viễn Đông bác cổ đã phải mua trống đồng Ngọc Lũ với giá 550 đồng Đông Dương. Trống đồng Giảo Tất là một trong những chiếc trống đầu tiên được Viễn Đông bác cổ mua và nghiên cứu.
| |
Một số hoa văn trên mặt trống đồng Cửu Cao | |
Trống trống đồng Giảo Tất thuộc loại trống đồng minh khí, nhỏ. Đường kính mặt trống là 21,3cm, cao 17,5cm. Tang phình, phần giữa co lại đột ngột rồi phình to ra ở phần chân làm cho phần giữa thân có hình nón cụt. Chính giữa mặt trống có hình ngôi sao 10 cánh đúc nổi. Phía ngoài là vành trang trí chim có mỏ và đuôi dài bay ngược chiều kim đồng hồ. Ngoài cùng là vành hoa văn răng cưa. Tang trống cũng có 2 dải hoa văn răng cưa như trên mặt trống. Tang cũng có những văn hoa văn này bố trí theo chiều thẳng đứng và nằm ngang vuông góc với nhau tạo thành các ô. Trống có bốn quai đơn không trang trí, bố trí cách xa nhau. Nằm trong quá trình bé dần về kích cỡ, đơn giản hóa triệt để và súc tích về trang trí, trống Giảo Tất phần nào đó báo hiệu sự thay đổi phức tạp về tư duy trang trí của mỹ thuật thời Sơ sử. Hiện nay, trống đồng Giảo Tất đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số đăng ký là: LSb.5730.
Như vậy, có thể khẳng định được rằng, chiếc trống đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là trống đồng Giảo Tất.
Văn Công
----------------
[1] Nguyễn Du Chi, “Hoa văn Việt Nam”, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội- Viện Mỹ thuật xuất bản năm 2003, tr.55
[2] Các nhà nghiên cứu vẫn gọi hình chim này là “chim lạc”.
[3] Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, “Mỹ thuật của người Việt”, Nxb Mỹ thuật, H.1989