KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Biển và Hải đảo Việt Nam
Đăng ngày: 30/05/2024 - Lượt xem: 143
Gần lắm Trường Sa

Trường Sa, Hoàng Sa là tình yêu luôn nằm sâu thẳm trong trái tim của mỗi người dân đất Việt, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bởi đó là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Mỗi tảng san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao giọt mồ hôi, xương máu của các thế hệ người con đất Việt. Với những kiều bào xa Tổ quốc, Trường Sa, Hoàng Sa luôn là nỗi nhớ khắc khoải, được trở về Tổ quốc và trực tiếp đến thăm Trường Sa, Hoàng Sa là giấc mơ cháy bỏng khôn nguôi.

Kiều bào tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao (Ảnh: Bùi Minh Hải)
Tiếp nối thành công của các chuyến thăm Trường Sa cho kiều bào Việt Nam kể từ năm 2012 tới nay, nhân dịp kỷ niệm 49 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 – 7/5/2024), từ ngày 24-30/4/2024, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) - Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân đã tổ chức Đoàn công tác số 11 với 65 đại biểu kiều bào từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho cộng đồng hơn 6 triệu kiều bào ở nước ngoài cùng đại diện của một số đơn vị, địa phương tham gia chương trình thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2024.
Trong hải trình năm nay, các đại biểu đến thăm 5 điểm đảo gồm Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông, Đá Tây, thị trấn Trường Sa và Nhà giàn DK-I/14 Phúc Tần. Đặc biệt, các đại biểu kiều bào đã tham dự Lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng để bảo vệ biển đảo quê hương, tham dự Lễ mít-tinh và diễu hành kỷ niệm 49 năm giải phóng Quần đảo Trường Sa tại thị trấn Trường Sa; tham dự lễ chào cờ, lễ dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo.
Tại các buổi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân tại các điểm đảo và nhà giàn DK1, các đại biểu bày tỏ niềm vinh dự, tự hào được đến thăm phần lãnh thổ máu thịt của đất nước; cảm phục tinh thần dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, vất vả, gian nan của quân và dân trên các điểm đảo và nhà giàn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trực tiếp được chứng kiến đời sống trên các đảo, nhà giàn; giao lưu văn nghệ và thăm trường học, hộ dân và các chùa trên đảo, các đại biểu bày tỏ vui mừng vì đảo và nhà giàn ngày càng xanh, khang trang, đời sống ngày càng được cải thiện do sự chăm lo đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của đồng bào cả nước, trong đó có bà con kiều bào.
Nhà giàn DK1- 14 sừng sững giữa biển trời quê hương (Ảnh: Bùi Minh Hải)
Lần thứ hai được may mắn ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, chị Cao Hồng Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Hội người Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, thành viên Ban Liên lạc người Việt Nam tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam vẫn không khỏi xúc động rưng rưng. Chị vui mừng chứng kiến sự phát triển về mọi mặt ở nơi đây. Chị chia sẻ, sau những chuyến đi thăm Trường Sa từ năm 2012 đến nay, kiều bào trên khắp thế giới đã có những hoạt động thiết thực như: Thành lập các Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa, Câu lạc bộ yêu biển đảo Việt Nam, các Quỹ vì Trường Sa, tổ chức nhiều hội thảo khoa học và triển lãm biển đảo Việt Nam nhằm ủng hộ, lan tỏa tình yêu biển đảo đến cộng đồng người Việt trên toàn cầu và bạn bè quốc tế. Chị Vinh khẳng định mỗi kiều bào, sau khi trở về, sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong những hoạt động hướng về Trường Sa thân yêu.
Anh Trần Thắng, kiều bào tại Mỹ, chia sẻ câu chuyện được truyền cảm hứng từ biển đảo quê hương, năm 2013-2014, anh đã sưu tập được 150 bản đồ cổ Hoàng Sa - Trường Sa và Trung Quốc, và trưng bày tại triển lãm đầu tiên tại Đà Nẵng vào tháng 1/2014. Sau sự kiện này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp tài liệu của anh và Viện Hán Nôm để xây dựng chương trình Biển đảo Việt Nam và tổ chức 100 cuộc triển lãm trong phạm vi cả nước trong 2 năm 2014-2015 nhằm lan toả hào khí biển đảo quê hương trong Nhân dân.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Minh Hải, Chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Hưng Yên, người vinh dự được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam giới thiệu tham gia chương trình công tác chia sẻ: với niềm đam mê nhiếp ảnh, anh có thể vượt qua rất nhiều khó khăn để đến các bản làng xa xôi, nơi địa đầu Tổ quốc ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ, hùng vĩ của mảnh đất hình chữ S thân thương, nhưng được tham gia chương trình hải trình thăm Trường Sa cùng đoàn kiều bào và cán bộ, chiến sĩ năm nay, đối với anh đó là một cơ hội quý báu và quá đỗi hạnh phúc. Trong chuyến đi này, bản thân anh cũng như các đại biểu kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới được gặp gỡ, giao lưu, gắn kết với nhau, được trực tiếp cảm nhận sâu sắc hơn, chân thực hơn giá trị thiêng liêng của đất nước, vẻ đẹp tuyệt mỹ của biển đảo Việt Nam. Cũng ở nơi đây, anh thấm thía hơn tình đoàn kết quân dân qua những cái xiết tay thật chặt của kiều bào với bà con, chiến sĩ Trường Sa; thấm thía hơn giá trị của hòa bình, tự do, hạnh phúc qua từng tiếng chuông chùa, từng nụ cười em nhỏ... Và trên hết, cùng cả đoàn, anh đã tận mắt thấy được ý chí kiên cường, nghị lực vượt phong ba, bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương của các chiến sĩ hải quân giữa cái nắng nóng bỏng gắt và sóng gió mặn mòi Trường Sa. Đối với anh, việc say mê, tận lực ghi lại từng khung hình trời biển, nhà giàn, từng khoảnh khắc bình dị, thân thương của nhân dân và chiến sĩ ở Trường Sa không còn là nhiệm vụ mà là nhu cầu, mệnh lệnh của trái tim.
Chuyến đi đã kết thúc, nhưng đối với 65 đại biểu Đoàn công tác số 11 nói riêng, gần 600 đại biểu kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tới thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ năm 2012 tới nay nói chung, những tình cảm tốt đẹp sẽ còn lưu giữ, lan tỏa mãi. Gần 850 triệu đồng tiền mặt ủng hộ chương trình "Cả nước vì Trường Sa" và 750 triệu đồng nhu yếu phẩm được Đoàn công tác trao trực tiếp cho các điểm đảo và Nhà giàn DK-I/14 trong chuyến đi lần này là hoạt động cụ thể, thiết thực, đóng góp về cả vật chất và tinh thần xây dựng Trường Sa, để “Trường Sa mãi không xa”. Không dừng lại ở đó, chắc chắn sẽ còn rất nhiều các hoạt động tiếp theo để hướng về biển đảo quê hương nhằm lan tỏa niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo của đồng bào trong và ngoài nước; củng cố niềm tin, quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan