KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 05/05/2025 - Lượt xem: 10
Giải quyết ô nhiễm môi trường từ bãi rác thải tự phát

Từ ngày 1/1/2025, quy định xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn chính thức có hiệu lực, áp dụng trên cả nước. Tuy nhiên, thực tế tại các thành phố lớn, việc này vẫn chưa được thực hiện nghiêm; thậm chí rác thải còn được chất thành đống, ngổn ngang ven đường gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Rác dồn ứ tại kênh 19/5, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngổn ngang rác thải... trên phố

Nhiều năm qua, Hà Nội đã áp dụng, triển khai nhiều biện pháp, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xả rác thải không đúng quy định. Tuy nhiên, tình trạng này không giảm mà thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Tại các tuyến phố, không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát, chất thành đống ven đường. Thói quen bỏ rác không theo giờ quy định, tiện đâu bỏ đó vẫn xuất hiện ở nhiều điểm.

Chị Phạm Thị Hồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bức xúc: “Bãi rác tự phát đoạn ngã ba giao cắt đường Hoàng Minh Thảo-Phạm Văn Đồng này tồn tại từ rất lâu rồi. Đủ các loại rác thải bị mang vứt ở đây, từ phế liệu xây dựng, rác sinh hoạt cho đến xác động vật chết. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc gây ô nhiễm môi trường sống cho cư dân chung quanh. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương sớm xử lý tình trạng này”.

Hay như hai nhánh đường gom của Ðại lộ Thăng Long cũng xuất hiện rất nhiều phế thải gồm bùn đất, gạch đá xây dựng, kể cả vật liệu xây dựng là bê-tông tươi chất thành đống, nằm ngổn ngang trên vỉa hè. Ở các khu vực thuộc quận Nam Từ Liêm, huyện Hoài Ðức và Ðông Anh… nhiều đất thải, phế liệu đổ tràn xuống lòng đường. Ngoài ra, trên Ðại lộ Thăng Long hướng đi về trung tâm thành phố còn xuất hiện tình trạng đá sỏi rơi vãi, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Theo ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội Chi nhánh Cầu Diễn, tình trạng đổ trộm rác, phế thải, vật dụng cồng kềnh… liên tục xảy ra tại đoạn cao tốc đi qua địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức, công nhân của đơn vị phải tăng thời gian làm việc để xử lý nhưng vừa dọn sạch hôm trước thì hôm sau các đối tượng lại tiếp tục hành vi xả thải. Đơn vị đã nhiều lần báo cáo với các cơ quan chức năng, chính quyền xã phụ trách địa bàn, nhưng tình trạng vẫn chưa giảm.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng rác thải xâm lấn kênh mương, đường làng, ngõ xóm cũng diễn ra tại khu vực kênh 19/5, thuộc phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Bất kỳ người đi đường nào cũng dễ dàng nhận ra dòng kênh bị rác phủ kín đủ loại, từ bao ni-lông, thùng xốp cho đến phụ phẩm phát sinh từ chợ dân sinh nằm cạnh tuyến kênh này.

Theo phản ánh của các hộ dân sống chung quanh, tình trạng rác thải tồn đọng dưới kênh với khối lượng ngày càng lớn. Dù các đơn vị chức năng của phường Bình Hưng Hòa và quận Bình Tân đã tổ chức nhiều đợt vớt rác, nhưng chỉ sau thời gian ngắn tình trạng ô nhiễm lại tái diễn.

Điều đáng nói, dọc theo tuyến kênh, chính quyền địa phương đã cắm công khai 21 bảng thông báo nghiêm cấm vứt, đổ rác trên bờ kênh, kèm theo đó là các biện pháp giám sát, xử phạt hành vi vi phạm theo quy định nhưng không hiệu quả. Những bãi rác tự phát trên bờ kênh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Từ ngày 1/1/2025, quy định xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn chính thức có hiệu lực, áp dụng trên cả nước.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh trung bình khoảng 10.000 tấn rác thải. Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về xử lý tại các nhà máy trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, có quy mô tiếp nhận khoảng 5.700 tấn/ngày và Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước tiếp nhận khoảng từ 4.000- 4.200 tấn/ngày.

Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác bằng công nghệ đốt, compost (tạo thành phân hữu cơ cho cây trồng), tái chế... hiện mới chỉ chiếm khoảng 31%; còn lại 69% vẫn đang áp dụng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Dù thành phố luôn nỗ lực tìm giải pháp để xử lý khối lượng rác khổng lồ phát sinh mỗi ngày, nhưng một số khu vực vẫn tồn tại tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường.

Quyết liệt, đồng bộ giải pháp xử lý

Tính đến đầu năm 2025, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 56 điểm tồn đọng rác gây ô nhiễm. Trong đó, tập trung nhiều ở thành phố Thủ Đức và quận Bình Tân. Với 25 điểm còn tồn đọng rác thải ngoài môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ để xử lý triệt để thực trạng này.

Phó Trưởng phòng Giao thông công chính thành phố Thủ Đức Lê Thị Phương cho biết: “Thành phố đề nghị chủ đầu tư các dự án bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra, giám sát đối với dự án do mình làm chủ đầu tư, phối hợp chặt chẽ với UBND các phường trong việc phát hiện, tố giác các đối tượng có hành vi đổ rác thải không đúng nơi quy định”.

Bên cạnh đó, thành phố Thủ Đức sẽ tăng cường công tác kiểm tra tiến độ các dự án và đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét thu hồi các dự án chậm triển khai, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Hà Nội cũng đang thực hiện một bước tiến quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường; theo đó, từ ngày 1/3/2025, Ủy ban nhân dân thành phố đã triển khai thực hiện các biện pháp thí điểm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại bốn quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; bao gồm sử dụng phương tiện vệ sinh môi trường xanh, phương pháp thu gom phù hợp.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, các đơn vị chức năng cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm như đổ trộm rác thải, bỏ rác thải không đúng giờ, không đúng nơi quy định, chậm thu gom, vận chuyển rác theo hợp đồng...

Cần lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát tại các điểm nóng; tổ chức chiến dịch tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường. Người dân cũng cần được trang bị thêm kiến thức về việc phân loại rác, đồng thời khuyến khích tham gia vào hoạt động giám sát, tố giác các hành vi vi phạm thông qua đường dây nóng hoặc ứng dụng di động.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan