KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 26/07/2024 - Lượt xem: 150
Hành trình tri ân thầm lặng đưa các liệt sỹ về với đất mẹ

Việc đưa các liệt sỹ về với đất mẹ quê hương gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ song hành trình ấy vẫn được Đảng, Nhà nước, các cán bộ chiến sỹ và người dân thực hiện với quyết tâm cao nhất.

Cán bộ, chiến sỹ Đội K93 đưa hài cốt liệt sỹ về cải táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Dốc Bà Đắc (thị xã Tịnh Biên). (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng với nhiều gia đình liệt sỹ, nỗi đau chưa thể nguôi khi hài cốt của người thân vẫn còn nằm đâu đó trên khắp các nẻo đường Tổ quốc và cả ở nước bạn.

Việc đưa các liệt sỹ về với đất mẹ quê hương gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ song hành trình ấy vẫn được Đảng, Nhà nước, các cán bộ chiến sỹ và người dân thực hiện với quyết tâm cao nhất.

Hành trình vạn dặm

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ (Ban Chỉ đạo quốc gia 515), từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được hơn 21.200 hài cốt liệt sỹ (trong nước hơn 10.200 hài cốt, ở Lào là hơn 3.300 hài cốt và ở Campuchia gần 7.600 hài cốt).

Nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đạt hiệu quả.

Đặc biệt, có những cá nhân bền bì dành nhiều thời gian, tâm huyết để kết nối, đưa các liệt sỹ về với người thân.

Suốt hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Thọ (90 tuổi, ở Tiền Giang) vẫn cùng con trai là Nguyễn Thanh Hà (48 tuổi) tự bỏ tiền túi để làm công việc thầm lặng bằng cả tấm lòng, mang lại niềm vui cho nhiều thân nhân liệt sỹ.

Ông Nguyễn Văn Thọ (phải) và con trai Nguyễn Thanh Hà đọc thông tin ở mục tìm thân nhân liệt sỹ trên báo. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Hơn 10 năm trước, trong một lần về thăm quê, ông gặp người cháu là Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Loan ở xã Bình Thanh Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có chồng và 3 con hy sinh (một người chưa tìm được hài cốt).

Nhìn gương mặt hằn sâu nỗi nhớ thương, ông thấu hiểu mong mỏi của Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Loan là phải tìm được nơi an nghỉ của người con. Trở về nhà, ông bàn với con trai về tâm nguyện muốn góp sức tìm kiếm thân nhân liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Không ngại tuổi cao, sức yếu, ông Thọ cùng anh Hà đã đến một số nghĩa trang ở huyện để ghi chép thông tin của liệt sỹ chưa có thân nhân đến nhận. Vào ngày nghỉ anh Hà đi tìm kiếm, xác minh, đối chiếu thông tin liệt sỹ hy sinh ở các nghĩa trang trong và ngoài tỉnh.

Từ những thông tin thu thập được, cha con ông Thọ tìm cách tra cứu trên hệ thống cơ sở dữ liệu liệt sỹ, phương tiện thông tin đại chúng, sau đó liên hệ với người thân liệt sỹ. Nhờ những thông tin cha con ông Thọ cung cấp, nhiều thân nhân liệt sỹ đã liên hệ và tìm được đến nơi an táng các liệt sỹ.

Ông Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: “Dù gặp không ít khó khăn nhưng mỗi lần giúp người thân tìm được nơi yên nghỉ của các liệt sỹ, tôi và con trai cảm thấy rất vui vì đã phần nào xoa dịu nỗi mất mát của những gia đình có người thân hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.”

Ở trong nước đã khó khăn, việc quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế bên đất Campuchia lại càng khó hơn. Bởi thời tiết ở Xứ sở Chùa tháp mùa mưa kéo dài nhiều ngày, khiến việc tìm kiếm bị ngưng trệ. Mùa khô thì nắng nóng gay gắt, thời tiết khắc nghiệt.

Trong 8 năm gắn bó với nhiệm vụ của Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia (K51), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, Thiếu tá Vũ Hồng Hiến, Phân đội trưởng Đội K51 đã quen với cảnh "ăn lán, ngủ rừng."

Đoàn công tác Quân khu thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ Đội K51 trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Thiếu tá Vũ Hồng Hiến cho biết địa bàn Đội K51 tiến hành quy tập, hài cốt liệt sỹ trên đất bạn Campuchia thường là đồi núi hiểm trở, phức tạp, chủ yếu là hành quân bộ, có nơi chỉ đi được bằng đường sông. Cùng với các công cụ cầm tay, mỗi chiến sỹ trong Đội thường mang theo lương thực đủ cho 7-10 ngày.

Trong hành trình vạn dặm tìm liệt sỹ, có rất nhiều chuyến đi không mang lại kết quả nhưng cũng có những lần may mắn, tìm kiếm được mộ đồng đội và nhiều kỷ vật chiến trường.

"Tìm thấy được các bác, các chú, trong lòng chúng tôi rất vui, phấn khởi. Đây là nguồn động lực vững tin để cả Đội tiếp tục tìm kiếm, đưa các liệt sỹ hồi hương nhanh nhất," Thiếu tá Vũ Hồng Hiến chia sẻ.

Theo Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm, Đội trưởng Đội K51, việc tìm kiếm ngày càng khó khăn hơn bởi thông tin liệt sỹ hiếm hoi, những người cùng tham gia chiến đấu ngày trước đã cao tuổi, nhiều người đã qua đời.

Nhiều khu mộ tập trung hầu như đã phát hiện hết, đa phần còn lại mộ lẻ nằm rải rác ở núi cao, ven sông suối.

Để công tác tìm kiếm đạt kết quả cao, trước mỗi chuyến đi, Đội chia làm nhiều tổ khảo sát, tìm đến những cựu chiến binh chiến trường Campuchia để nhờ cung cấp thêm thông tin.

“Thời tiết khí hậu năm nay rất khắc nghiệt, thay đổi thất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ cũng như nguồn nước, lương thực, thực phẩm… Với tinh thần ở đâu có thông tin, ở đó có mặt, chúng tôi xác định bằng mọi cách phải vượt qua khó khăn gian khổ, để xác minh, tìm kiếm, quy tập và xử lý các thông tin. Khi cảm thấy, đào thấy, tìm được dấu tích của các liệt sỹ thì mọi mệt mỏi, những khó khăn gian khổ được bù đắp lại,” Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm nói.

Mở ra hy vọng xác định danh tính liệt sỹ

Đất nước đã kết thúc chiến tranh gần 50 năm, có 1,2 triệu liệt sỹ đã ngã xuống nhưng vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sỹ chưa quy tập được hoặc chưa xác định danh tính; trong đó có hơn 23.000 hài cốt liệt sỹ còn nằm lại rừng sâu, khe lạnh.

Bom, đạn chiến tranh đã khiến thân thể các liệt sỹ không còn nguyên vẹn và thời gian cũng làm di cốt chỉ còn ít ỏi. Có thể một thời gian ngắn nữa, nhiều hài cốt của liệt sỹ sẽ hòa cùng vào đất, cát, cây cỏ giữa núi rừng lạnh lẽo.

Do vậy, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đang là hành trình chạy đua với thời gian.

Hài cốt 27 liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên trong thời kỳ chiến tranh trên chiến trường tỉnh Mondulkiri, Campuchia được quy tập trong mùa khô 2023-2024. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Từ nhiều năm qua, công tác quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ưu tiên triển khai thực hiện.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ gồm: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng.

Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sỹ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ. Qua đó, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính để báo tin về cho thân nhân liệt sỹ.

Dù tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức nhưng công tác giám định gen để xác định danh tính các liệt sỹ đã mang lại niềm hy vọng cho nhiều gia đình trong việc tìm lại người thân đã hy sinh.

Đặc biệt, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 515/QĐ-TTg về Kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ (Ban Chỉ đạo quốc gia) trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt (Ban Chỉ đạo 1237) và Ban Chỉ đạo cấp nhà nước về xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin (Ban Chỉ đạo 150), giúp việc chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án 1237 và Đề án 150 hiệu quả hơn.

Ngày 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành ấn nút kích hoạt, ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sỹ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sỹ để tục hỗ trợ công tác giám định gene xác định danh tính các liệt sỹ.

Ngân hàng này sẽ đảm nhận việc lấy mẫu, giám định gen cho thân nhân các liệt sỹ chưa xác định được hài cốt và toàn bộ hài cốt các liệt sỹ hiện có trong các nghĩa trang.

Việc thực hiện lấy mẫu ADN để giám định, lưu trữ trong ngân hàng sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất, giải pháp căn cơ cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính, trả lại tên cho gần 300.000 liệt sỹ chưa xác định được thông tin.

Các dữ liệu từ ngân hàng gene được công bố rộng rãi sẽ tăng cơ hội cho các gia đình liệt sỹ tìm thấy thân nhân sớm nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sỹ chưa xác định được thông tin. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính việc ra mắt ngân hàng gene nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sỹ bằng phương pháp giám định ADN cho khoảng 20.000 mẫu, phấn đấu xác minh 60% mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng.

Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa việc chăm sóc; thực hiện tốt chính sách dành cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng...

Dẫu biết hành trình tìm kiếm để đưa các liệt sỹ về với đất mẹ còn nhiều gian nan, vất vả nhưng Đảng, Nhà nước, các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước luôn khắc phục, không quản khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sỹ, đưa về quê hương, góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát của thân nhân gia đình liệt sỹ./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan