Nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của người dân về xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Kim Động đã triển khai mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh bản địa” (viết tắt là IMO) cho hội viên và nhân dân trong huyện. Đến nay, các hộ đã sử dụng hiệu quả men vi sinh bản địa để xử lý mùi hôi chất thải, xử lý rác hữu cơ đem lại hiệu quả thiết thực.
Các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN tỉnh và huyện Kim Động thăm mô hình phân loại xử lý rác thải sinh hoạt và chụp ảnh cùng nhân dân tại thôn Tiên Quán, xã Phạm Ngũ Lão
Triển khai thực hiện Đề án “Phụ nữ Hưng Yên thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023 - 2026”, Hội LHPN huyện Kim Động đã chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ các chi hội phân loại rác, làm men vi sinh IMO gốc, nhân vi sinh IMO, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Người dùng có thể tự chế tại nhà theo công thức, nguyên liệu có sẵn. Các nguyên liệu để tạo men vi sinh IMO đều là những nguyên liệu có chi phí thấp, dễ kiếm như: nước men giống, men rượu, cám gạo, sữa chua, chuối chín và nước sạch...
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 06 lớp tập huấn cho 800 hội viên phụ nữ huyện Kim Động tại 04 xã làm điểm Đề án của tỉnh. Hội LHPN huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường tổ chức 11 lớp tập huấn triển khai Đề án và hướng dẫn làm IMO xử lý rác thải cho 1.867 hội viên. Với những hộ gia đình không có thời gian tham gia các lớp tập huấn tại xã, thôn, Hội LHPN các xã, thị trấn tổ chức thành các nhóm nhỏ từ 5 - 10 người tập trung tại một hộ gia đình trong xóm để hướng dẫn chi tiết cho các hộ nắm được cách thức phân loại rác và làm men IMO.
Hội LHPN huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm văn hóa, truyền thanh huyện tuyên truyền về việc thực hiện Đề án trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn. Cấp phát 1.600 tờ rơi hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình cho hội viên. Chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động kỷ niệm dịp 8/3, 20/10 gắn với việc tuyên truyền Đề án, hướng dẫn cán bộ, hội viên làm IMO để xử lý rác hữu cơ. Các hoạt động tuyên truyền được các cấp Hội tập trung với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng địa phương như tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, hái hoa dân chủ, xây dựng các bộ câu hỏi về phân loại và xử lý rác bằng men IMO, giao lưu với hội viên bằng những phần quà nhỏ nhằm mục đích tuyên truyền để hội viên thực hiện tốt.
Trên địa bàn huyện, ngoài 04 xã thực hiện điểm Đề án của tỉnh, Hội LHPN huyện tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy hỗ trợ kinh phí để triển khai nhân rộng Đề án tại 13 xã, thị trấn còn lại. Hỗ trợ kinh phí làm men cho 1.000 hộ ở 10 xã; cấp thùng xử lý rác tập trung cho 65 nhóm (325 hộ, 5 hộ 1 nhóm) tại 3 xã. Kết quả bước đầu: Đối với 4 xã làm điểm, đã có 2.015/2.400 số hộ thực hiện tốt, đạt tỷ lệ 83.9%; đối với 13 xã, thị trấn còn lại được triển khai từ tháng 10/2023, đã có 940/1.325 hộ thực hiện tốt, đạt tỷ lệ 71%. Người dân đã có ý thức hơn trong việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, vì vậy, lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường giảm đi rất nhiều so với trước đây. Với cách làm này, trung bình lượng rác thải trong 01 ngày của một hộ gia đình giảm phát thải ra môi trường khoảng hơn 50%. Mô hình sử dụng men vi sinh bản địa IMO đã góp phần giảm được áp lực trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, giúp cho người dân có nguồn phân hữu cơ tại chỗ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Về phương diện môi trường, các phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng hoàn toàn, giảm thải ra môi trường đất, nước và không khí ở khu dân cư.
Từ những lợi ích thiết thực trên, thời gian tới Hội LHPN huyện tiếp tục tăng cường công tác truyên truyền, tập huấn về việc phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng vi sinh IMO đến các thôn trên địa bàn huyện nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, tự nguyện thực hiện phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; duy trì, phát huy các mô hình hoạt động hiệu quả; phấn đấu vận động nhân dân tại 100% các thôn trong huyện tham gia mô hình phân loại, tận dụng các vật dụng sẵn có trong gia đình để xử lý rác thải hữu cơ. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp; hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kim Động