Theo các chuyên gia, việc hoàn thiện thể chế pháp luật về doanh nghiệp dân tộc không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là động lực để phát triển kinh tế một cách bền vững.
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật
Sáng 9/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam". Hội thảo thu hút sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tư pháp, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật pháp, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam...
Đây là diễn đàn đầu tiên tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp dân tộc, góp phần phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đưa doanh nghiệp dân tộc trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy sự phát triển đất nước.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới công tác xây dựng pháp luật, việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật cần theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Việc xây dựng pháp luật phải phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát, giải quyết vấn đề thực tiễn; thể chế hóa kịp thời những chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế, trong đó đặt ra yêu cầu trong năm 2025 cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, coi đây là "đột phá của đột phá"; tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn"; đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới.
Thứ trưởng Tư pháp khẳng định, thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo này, Bộ Tư pháp đã tích cực rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan. Trong đó vấn đề về khuyến khích đổi mới, sáng tạo, huy động, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cần thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
TS Nguyễn Thanh Tịnh cũng chỉ rõ, hiện nay, khung pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân cơ bản đã tương đối đồng bộ. Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách gây cản trở cho sự phát triển. Qua đó đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển.
Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41-NQ/TW chưa được cụ thể hóa.
Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị cần nêu rõ khái niệm, tiêu chí xác định doanh nghiệp dân tộc, cũng như đặc trưng riêng có của mô hình này tại Việt Nam, cùng các đề xuất về cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc; nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp dân tộc đối với quốc gia.
Doanh nghiệp dân tộc - động lực cho phát triển bền vững
Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia, doanh nhân đã đưa ra những quan điểm về khái niệm "doanh nghiệp dân tộc", đồng thời thống nhất rằng việc hoàn thiện thể chế pháp luật về doanh nghiệp dân tộc không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là động lực để phát triển kinh tế bền vững.
Bày tỏ quan điểm về khái niệm doanh nghiệp dân tộc, doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AquaOne cho rằng, doanh nghiệp dân tộc không phải là xem xét đến quy mô lớn hay nhỏ, mà yếu tố then chốt là doanh nghiệp đó phải đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của mình.
Ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho biết, doanh nghiệp dân tộc phải có lý tưởng đồng hành với dân tộc, đồng hành với chủ trương của dân tộc. Tuy nhiên, theo ông Đức, doanh nghiệp dân tộc có sự hy sinh, cống hiến cho dân tộc, nhưng cũng mong muốn sự hy sinh này sẽ được đền đáp, thí dụ như động viên, tôn vinh, có những chính sách khích lệ phù hợp.
Bàn về các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc, chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, cần xác định những trọng điểm ưu tiên trong các chính sách hỗ trợ này. Theo đó, việc hỗ trợ không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, mà cần có biện pháp phù hợp để hỗ trợ cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (giữa) phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
"Nếu không phát triển được vai trò của kinh tế tư nhân, khó có thể tạo động lực cho nền kinh tế vươn mình", PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, nếu muốn đi vào giai đoạn doanh nghiệp dân tộc, điều đầu tiên các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện là tuân thủ pháp luật.
Ông cũng đề nghị cần xem lại các quy định liên quan hoạt động của doanh nghiệp để không có sự chồng chéo, đồng thời cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn.
Khẳng định tính đúng đắn của việc đưa ra các chính sách đặc thù ưu tiên cho doanh nghiệp dân tộc, tuy nhiên, PGS, TS Đinh Dũng Sỹ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cũng lưu ý nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề thông tin thị trường và xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp dân tộc trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, tranh chấp quốc tế.
TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh: "40 năm qua, chúng ta có 1 triệu doanh nghiệp tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động. Đây là cơ sở để chúng ta tự tin tiếp tục đổi mới và phát triển".
Từ thực tế nghiên cứu, ông đề nghị để doanh nghiệp dân tộc có môi trường phát triển, cần có hành động, kế hoạch cụ thể cho doanh nghiệp dân tộc, rà soát, lắng nghe trăn trở của các doanh nghiệp để khắc phục bất cập, đồng thời tạo không gian mở cho khu vực kinh tế tư nhân, lập “chỉ giới đỏ” cho những hành vi bị cấm, tránh rủi ro cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nhân…
Nguồn: https://nhandan.vn/