KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 08/06/2017 - Lượt xem: 150
Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017)

Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017). Trân trọng giới thiệu toàn văn bản Hướng dẫn:

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn  số 3581-CV/VPTW ngày 23-3-2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc tổ chức kỷ niệm một số ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 2 năm 2017 - 2018, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền kỷ niệm   70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tuyên truyền sâu rộng, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Ngày Thương binh Liệt sỹ và công lao to lớn của các liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng; từ đó xác định trách nhiệm và có hành động thiết thực trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
2. Thông qua hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; cổ vũ, động viên, hỗ trợ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đóng góp tích cực cho gia đình, xã hội; đồng thời khơi dậy và phát huy tiềm năng to lớn trong xã hội để chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách.
3. Các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm cần thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm với quy mô và hình thức phù hợp; gắn với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày  25-01-2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng”.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Tuyên truyền khẳng định ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội và giá trị nhân văn của Ngày Thương binh Liệt sỹ, trong đó nhấn mạnh:
- Truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc; thể hiện lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với các thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.
- Tôn vinh và khẳng định sự cống hiến, hy sinh của các thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng là vô giá; việc chăm sóc các đối tượng này là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, của thế hệ hôm nay và mai sau.
- Đảng, Nhà nước ta luôn trân trọng và đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sỹ đối với Tổ quốc; đồng thời cũng luôn chú trọng giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn đối với các thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.
2. Tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng; những kết quả và hạn chế, bất cập trong các chủ trương, chính sách cần phải bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.
3. Tuyên truyền những thành tựu nổi bật trong công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng trong 70 năm qua, nhất là kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 14-12-2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; trong đó cần nhấn mạnh những kết quả nổi bật trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công; về kết quả thực hiện việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, về việc khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng,…; đấu tranh, phê phán những biểu hiện tiêu cực trong triển khai thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, liệt sỹ và người có công; đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.
4. Biểu dương những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng vượt khó vươn lên, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chung sức giúp đỡ các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống. 
5. Tuyên truyền phản ánh phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ diễn ra ở Trung ương và địa phương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng và ban hành hướng dẫn, đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ; chủ trì, phối hợp với  Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng tuyên truyền trên báo chí, tham gia chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm (thẩm định các bài diễn văn, phát biểu tại lễ kỷ niệm); phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổ chức họp báo, công bố các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ.
2. Ban cán sự đảng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí để cung cấp thông tin, văn bản, tài liệu tuyên truyền những thành tựu của công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng 70 năm qua; chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ; chỉ đạo công tác tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ trong ngành Lao động, Thương binh và Xã hội.
3. Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm, cầu truyền hình; đưa tin trước, trong và sau Lễ kỷ niệm; chỉ đạo các nhà xuất bản tổ chức biên soạn, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền về 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ; theo dõi, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc đăng tải, phổ biến thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử.
4. Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, thể thao, cổ động trực quan trên địa bàn các tỉnh, thành phố, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội.
5. Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao hướng dẫn phóng viên báo chí nước ngoài đưa tin Lễ kỷ niệm và các hoạt động kỷ niệm; chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hình thức tuyên truyền, kỷ niệm phù hợp, trong đó chú trọng thông tin tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị nhân văn của ngày 27-7 và những thành tựu 70 năm công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ,…
6. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho cán bộ, hội viên và đoàn viên; cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo, giúp đỡ các đối tượng chính sách và các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ.
7. Các cơ quan thông tấn, báo chí 
- Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: mở chuyên trang, chuyên mục, tổ chức giao lưu văn hóa - văn nghệ, gặp mặt, tôn vinh các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh,…
- Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức phát thanh và truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm, tổ chức phát sóng phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ vào dịp kỷ niệm, trong khung giờ phù hợp; Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh, thành phố tổ chức tiếp sóng.
- Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức cầu truyền hình giao lưu nghệ thuật tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng tại 5 điểm cầu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Điện Biên và Thái Nguyên vào lúc 20 giờ ngày 27-7-2017.
8. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội
- Tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm theo Hướng dẫn số 30-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Việc tổ chức kỷ niệm năm tròn một số ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong hai năm 2017 - 2018”; hướng dẫn và biên soạn tài liệu tuyên truyền; thường xuyên theo dõi, định hướng công tác tuyên truyền trên báo chí và cổ động trực quan để bảo đảm thông tin chính xác, có sức hấp dẫn và tính giáo dục.
- Chỉ đạo Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố tổ chức tiếp sóng trực tiếp Lễ kỷ niệm và phim tài liệu về 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ.
- Chỉ đạo Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội nhà báo tỉnh, thành phố tạo điều kiện để văn nghệ sỹ, đội ngũ phóng viên nắm bắt thực tiễn, sáng tác, tuyên truyền, phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần tri ân và tôn vinh công lao to lớn của các thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.
V. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
1. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ!
2. Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017)!
3. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng! 
4. Nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”!
5. Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng!
6. Góp sức nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng!
7. Làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ là trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, mỗi tổ chức và cá nhân!
 

Ban Tuyên giáo Trung ương

 

Tin liên quan