Trong 10 năm qua, tổng kinh phía đầu tư xã hội hóa để xây dựng trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên ước tính trên 32.896 tỷ đồng, xây dựng khoảng 35.984 phòng học, 1.216 phòng công vụ.
Phòng học tạm tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Nhìn dãy nhà hai tầng khang trang với 6 phòng học rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi, cô Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đại Đồng (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) xúc động nói: “Đây là niềm mơ ước của cán bộ, giáo viên nhà trường và nhân dân trong xã.” Niềm mơ ước đó đã thành hiện thực vào năm 2020, khi trường được Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tài trợ 3,5 tỷ đồng để xây dựng.
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, chủ trương xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục của Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đúng đắng về xã hội hóa giáo dục và tạo điều kiện về hành lang pháp lý, các chế độ ưu đãi để ngành giáo dục có thêm nguồn lực từ xã hội thực hiện kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học.
Huy động gần 32.900 tỷ đồng xây trường, lớp
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, trong giai đoạn 2013-2023, có trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa để xây dựng trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí ước tính trên 32.896 tỷ đồng, xây dựng khoảng 35.984 phòng học, 1.216 phòng công vụ. Tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố hóa phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương khoảng 521,9 ha.
Hiệu quả huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, kiên cố hóa đặc biệt có ý nghĩa với các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư của địa phương có hạn.
Tại tỉnh Yên Bái, theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đào Tuấn Anh, với địa hình đồi núi cộng với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nên Yên Bái thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là sạt lở đất và lũ quét. Tỉnh Yên Bái có 2 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn (30a) là huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Mông. Năm 2013, cả tỉnh có 6.069 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; trong đó số phòng học kiên cố 4.115 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 68%. Bậc mầm non có tỷ lệ phòng học kiên cố hóa thấp nhất, chỉ đạt 50%; số phòng công vụ cho giáo viên là 360 phòng với tỷ lệ kiên cố hóa chỉ đạt 41,3%.
Học sinh Trường Mầm non Đại Đồng (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) được học trong phòng học được đầu tư bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Tuy nhiên, đến năm 2023, sau 10 năm, số phòng học đã tăng thêm hơn 800 phòng, lên 6.871 phòng học các cấp. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,7%, tăng gần 20%. Tỉnh Yên Bái đã huy động được 223,78 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa với 134 dự án được cấp phép và hoạt động. Từ đó, đã có thêm 455 phòng học và 36 phòng công vụ cho giáo viên của 79 trường được xây dựng. Diện tích đất đã bố trí cho các cơ sở giáo dục từ nguồn xã hội hoá là gần 24.000m2.
Là đơn vị trực tiếp thụ hưởng dự án xã hội hóa, cô Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đại Đồng (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho hay các phòng học mới đã giúp cho công tác chăm sóc trẻ bán trú được thuận lợi hơn, chất lượng hơn khi khang trang rộng rãi hơn, tách riêng phòng học và phòng ngủ, phòng vệ sinh rộng với trang thiết bị phù hợp với trẻ em.
Còn gần 78.000 phòng học, nhà công vụ cần kiên cố hóa
Dù đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và xã hội quan tâm đầu tư nhưng theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn chung các chương trình, dự án, đề án đầu tư trong thời gian vừa qua mới chỉ hỗ trợ một phần sự thiếu hụt cơ sở vật chất cho một số trường thuộc các vùng khó khăn, có điều kiện kinh tế kém phát triển mà chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng kiên cố hóa và chưa bảo đảm được điều kiện tối thiểu cho các hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong cả nước.
Dãy phòng học tạm chờ được đầu tư của Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông mới chỉ có các phòng học thông thường, các công trình thuộc khối phục vụ học tập còn thiếu rất nhiều (phòng học bộ môn, thư viện, nhà đa chức năng, hành chính quản trị, sân chơi bãi tập thể dục thể thao, khu hành chính, quản trị...).
Tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu các phòng chức năng; phòng học ở nhiều địa phương đặc biệt là vùng khó khăn thiếu diện tích; công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều địa phương còn rất thiếu thốn, hoặc bố trí chưa đúng quy cách, xuống cấp nghiêm trọng; diện tích sân chơi, bãi tập hạn chế.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông vẫn còn rất lớn. Số phòng cần kiên cố hóa khoảng 67.161 phòng (trong đó 24.228 phòng học cấp mầm non và 42.933 phòng học cấp tiểu học), phòng công vụ giáo viên cần bổ sung là 10.794 phòng.
Phòng học tạm của thầy Nguyễn Quang Trung và các học trò. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Việc dạy và học trong các phòng học chật chội và thiếu kiên cố đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm (xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) vẫn còn dãy nhà 4 phòng học tạm. Trong số đó, phòng học của thầy Nguyễn Quang Trung, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B các học trò vốn là khung phòng học bằng gỗ được chuyển về từ điểm lẻ sau khi thực hiện dồn ghép điểm lẻ về điểm chính. Từ trong phòng học có thể nhìn được ra ngoài trời qua khe gỗ, mùa đông gió lùa rét buốt.
“Với điều kiện như vậy cũng không thể lắp các thiết bị dạy học như màn hình tivi hay máy chiếu để học sinh có giúp mang lại cho học sinh những giờ học trực quan, sinh động hơn. Tôi rất mong mỏi trường sẽ được đầu tư xây dựng phòng học kiên cố để học sinh bớt thiệt thòi,” thầy Trung bùi ngùi nói.
Mong mỏi của thầy Trung cũng là nỗi niềm của các giáo viên đang đứng lớp ở hàng chục nghìn phòng học tạm trên khắp cả nước, là mong muốn và mục tiêu của lãnh đạo các nhà trường, các địa phương và toàn ngành giáo dục./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/