Đền Mẫu toạ lạc trên đường Bãi Sậy, Phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên. Đền được tạo dựng từ cuối thế kỷ XIII để thờ bà Quý Phi họ Dương, người đã tuẫn tiết để giữ lòng chung thuỷ với vua và trung thành với Tổ Quốc.
Sáng 9/4 (tức ngày 10/3 âm lịch), Ban tổ chức Lễ hội phường Quang Trung (thành phố Hưng Yên) tổ chức khai mạc lễ hội Đền Mẫu năm 2014. Dự lễ khai mạc có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Nguyễn Thị Kim Loan, Bí thư Thành uỷ Hưng Yên. Tham dự còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Đồng chí Nguyễn Thị Kim Loan, UVBTVTU, Bí thư Thành uỷ Hưng Yên cùng các đại biểu dâng hương tại Đền Mẫu
Đền Mẫu toạ lạc trên đường Bãi Sậy, Phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên. Đền được tạo dựng từ cuối thế kỷ XIII để thờ bà Quý Phi họ Dương, người đã tuẫn tiết để giữ lòng chung thuỷ với vua và trung thành với Tổ Quốc. Theo “Đại Nam nhất thống chí” và “Thần tích” thì bà là vợ vua Tống Đế Bính (Trung Quốc). Năm 1279, quân Nguyên Mông xâm lược nước Tống, trước sức mạnh của giặc, vua Tống cùng hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam tránh nạn. Tướng nhà Nguyên Mông là Trương Hoằng Phạm cho quân đuổi theo đến Nhai Sơn thì bắt được, vua Tống và một số phi tần không chịu khuất phục đã nhảy xuống biển tự tận. Dân chài cửa Càn Hải vùng Châu Hoan (Nghệ An) thấy bốn xác người phụ nữ, y phục như hậu phi, cung phi trôi trên mặt biển. Họ vớt được 3 xác đem chôn cất, còn xác thứ 4 trôi ngược dòng lên phía Bắc. Truyền rằng xác phụ nữ trôi ngược dòng đó ít ngày sau dạt vào cửa sông vùng Phố Hiến, được dân cư ở đây vớt lên mai táng chu đáo và lập miếu thờ. Về sau, quan thái giám họ Du đời Tống trong cơn loạn lạc đã lưu lạc tới vùng Xích Đằng - Phố Hiến, một đêm nằm mộng thấy Thái Hậu hiện về và nói: “Chị em ta sau khi nhảy xuống biển, thượng đế khen là trinh tiết, phong cho làm Hải Thần các cửa biển ở Châu Hoan, Sơn Nam đều thuộc chị em ta cai quản. Ông là tôi con của bản triều, nay lưu lạc đất khách quê người, nên đến cửa Càn ở Hoan Châu thăm hỏi 1 lần rồi đến thượng lưu Đằng Giang, hạ lưu Hoàng Giang huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng mà phụng thờ Quý phi”. Tỉnh mộng, quan thái giám tìm đến hai nơi quả nhiên như lời đã báo mộng. Ông đã cùng nhân dân tu sửa lại miếu, lập làng Hoa Dương để tưởng nhớ đến Quý Phi họ Dương. Khi thái giám mất, dân làng tôn xưng làm Thành Hoàng làng thờ ở đình Hiến. Ngày 30/3/1990, Đền Mẫu được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử- văn hoá.
Lễ hội Đền Mẫu diễn ra từ ngày 10-12/3(âm lịch). Ngoài phần lễ, phần hội còn có nhiều trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động văn hoá, văn nghệ đặc sắc.
Nguyễn Liên