KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Biển và Hải đảo Việt Nam
Đăng ngày: 24/07/2020 - Lượt xem: 192
Một số ấn phẩm tiêu biểu về văn hóa, biển đảo mới phát hành

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa công bố một số ấn phẩm nghiên cứu có giá trị về lý luận, chính trị, lịch sử, kinh tế và văn hóa được xuất bản, phát hành trong 6 tháng đầu năm 2020. Nhân Dân điện tử trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ấn phẩm nổi bật về chủ đề văn hóa và biển đảo mới phát hành.

Trưng bày một số ấn phẩm nghiên cứu tiêu biểu.
1. Bộ sách “Các dân tộc ở Việt Nam” (gồm bốn tập)
Tác giả: Viện Dân tộc học, PGS.TS. Vương Xuân Tình (Chủ biên)
Bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam của Viện Dân tộc học do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, là công trình nghiên cứu của Viện Dân tộc học triển khai từ năm 2012 đến nay, dựa trên kết quả của hệ đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, của Hội nghị Thông báo Dân tộc học trong ba năm (2012-2014) và kế thừa thành tựu nghiên cứu của chính các tác giả.
Bộ sách do PGS.TS.Vương Xuân Tình chủ biên.
Bộ sách gồm 4 tập:
- Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường;
- Tập 2: Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái Kadai;
- Tập 3: Nhóm ngôn ngữu Môn - Khơ-me (quyển 1, 2);
- Tập 4: Nhóm ngôn ngữ HMông - Dao, Hán, Tạng - Miến và Mã Lai - Đa Đảo, gồm:
+ Quyển 1: Nhóm ngôn ngữ HMông - Dao và Tạng - Miến;
+ Quyển 2: Nhóm ngôn ngữ Hán và Mã Lai - Đa Đảo
Đặc biệt, các tác giả dành riêng chuyên luận “Về vấn đề tộc người với cộng đồng quốc gia - dân tộc ở Việt Nam” để thay cho Kết luận của bộ sách, được trình bày ở tập 4, quyển 2.
Bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam không chỉ ghi dấu một sự kiện khoa học quan trọng của Viện Dân tộc học, mà còn của ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam nói chung. Đây là bộ sách thuộc loại hình nghiên cứu cơ bản, phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc.
Có thể nói, bộ sách có ba giá trị chủ yếu, đó là giá trị thông tin, giá trị tổng hợp và giá trị tổng kết; là nguồn tư liệu quý giúp cho các nhà lãnh đạo, quản lý hiểu biết sâu sắc hơn về đặc điểm của mỗi dân tộc, từ đó hoạch định những chính sách dân tộc phù hợp, tiếp tục góp phần củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
2. Bộ sách “Văn hóa biển đảo Việt Nam” (gồm chín tập)
Tác giả: GS.TS. Nguyễn Chí Bền (Tổng chủ biên)
Bộ sách gồm 9 tập, do GS.TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, làm Tổng chủ biên.
Trong số chín tập sách, tập đầu tiên và tập cuối cùng (tập 1 - Tổng quan văn hóa biển đảo Việt Nam và tập 9 - Quản lý văn hóa biển đảo Việt Nam) cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quan, chung nhất về văn hóa biển đảo Việt Nam và vấn đề quản lý văn hóa biển đảo Việt Nam.
Các tập sách còn lại (từ tập 2 đến tập 8), là những nội dung nghiên cứu chuyên sâu chia theo vùng văn hóa, trải từ Bắc Bộ qua Trung Bộ, tới Nam Bộ.
Cụ thể, tập 2 - Văn hóa biển đảo vùng Đông Bắc Bộ, tập 3 - Văn hóa biển đảo vùng Bắc Trung Bộ, tập 4 - Văn hóa ven biển vùng Nam Trung Bộ, tập 5 - Văn hóa đảo và quần đảo vùng Nam Trung Bộ, tập 6 - Văn hóa biển đảo vùng Đông Nam Bộ, tập 7 - Văn hóa biển đảo vùng Tây Nam Bộ, tập 8 - Văn hóa biển đảo Phú Quốc.
Mỗi tập sách, các tác giả đều lựa chọn một số địa bàn tiêu biểu để khảo sát, nghiên cứu, từ đó tìm ra, khái quát nên những đặc điểm chung nhất, nổi bật nhất của văn hóa biển đảo vùng.
Trưng bày, giới thiệu bộ sách Văn hóa biển đảo Việt Nam. 
Từ nghiên cứu hiện trạng thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của cư dân các vùng biển đảo, đánh giá giá trị văn hóa của các vùng biển đảo thông qua khảo sát di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như nghiên cứu từ nhiều phương diện: lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, phong tục tập quán, tri thức dân gian, tín ngưỡng, hoạt động sinh kế, lễ hội, văn học… bộ sách đề cập một số vấn đề cần được đặt ra hiện nay là: xu hướng xa rời các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác biển thiếu định hướng và hủy hoại môi trường, yếu tố văn hóa mới xâm nhập, nguy cơ biến mất của nhiều làng nghề, sự xuống cấp của các di tích, ô nhiễm môi trường, nghề đánh bắt trên biển gặp khó khăn, du lịch văn hóa nghèo nàn...
Trên cơ sở đó, tác giả các tập sách đề xuất những giải pháp/nhóm giải pháp cụ thể mang tính cấp bách và lâu dài đối với mỗi vùng, mỗi địa bàn, cung cấp cơ sở dữ liệu và luận điểm khoa học cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị, xây dựng chính sách và quản lý, quy hoạch và khai thác tài nguyên văn hóa biển đảo.
Bộ sách “Văn hóa biển đảo Việt Nam” là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên và đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa biển đảo Việt Nam.
3. Sách “Tài nguyên, môi trường và chủ quyền biển đảo Việt Nam”
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi
Là quốc gia ven biển, nằm trên phía tây của Biển Đông, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hơn 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích lãnh thổ), với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hơn 3.000 đảo và quần đảo khác. Diện tích biển của Việt Nam chiếm 29% diện tích Biển Đông.
Chính vì vậy, bảo đảm an ninh biển, đảo nhằm khai thác những tiềm năng to lớn của biển là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách trong thế kỷ 21 khi mà tình hình Biển Đông đang ngày càng nóng lên cùng với các tranh chấp chủ quyền kéo dài, phức tạp, có yếu tố khó lường.
Nhận rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh và phát triển kinh tế biển, trong những năm qua Đảng ta đã có những quyết sách mang tầm chiến lược. Ngày 9-2-2007, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết số 09/2007/NQ-TW về ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu chung: Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Ngày 7-10-2008, Ban Bí thư đã ban hành Thông báo số 188-TB/TW về đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X, trong đó yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, có hệ thống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo.
Đến Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đã bổ sung và làm rõ mục tiêu chung là: Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.
Để góp phần quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW, giúp bạn đọc có thêm những kiến thức về tiềm năng, lợi thế chiến lược của biển, đảo Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi.
Với kết cấu bốn chương, nội dung cuốn sách cung cấp các thông tin cơ bản về bối cảnh thế giới và khu vực Biển Đông; các thông tin về tiềm năng, thế mạnh, các cơ hội và thách thức đối với phát triển bền vững kinh tế biển nước ta dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh; bảo vệ các quyền và lợi ích của nước ta trên Biển Đông; chủ trương, quan điểm chiến lược và các giải pháp cơ bản của Đảng và Nhà nước ta trong lãnh đạo phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Tin liên quan