Những năm qua, công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa nghệ thuật của Việt Nam diễn ra trong và ngoài nước đã góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình cảm yêu mến của nhân dân thế giới đối với Việt Nam, qua đó thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị và thúc đẩy sự hợp tác trên các lĩnh vực khác như chính trị - kinh tế - giáo dục - du lịch, khẳng định uy tín, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới còn chưa thật đầy đủ, nguyên nhân chủ yếu là do sự hạn chế của các phương tiện truyền tải các sản phẩm văn hóa của Việt Nam chưa nhiều, còn nghèo nàn về nội dung, đơn điệu về hình thức, chưa linh hoạt áp dụng những phương pháp, hình thức quảng bá theo chuẩn thị hiếu và nhu cầu của quốc tế.
Để nâng cao hiệu quả triển khai các hoạt động giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, trong thời gian tới chúng ta cần phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa - nghệ thuật và truyền thống phù hợp với từng địa bàn. Ví dụ như Ngày Văn hóa, Tuần Văn hóa Việt Nam, các Lễ hội Văn hóa - Du lịch...
Hai là, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia.
Ba là, tiến hành xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, xây dựng thị phần cho công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bốn là, thành lập một số trung tâm văn hóa ở một số địa bàn trọng điểm trên thế giới và xây dựng trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Năm là, thiết lập đội ngũ tham tán văn hóa, tùy viên văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và hệ thống trung tâm văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài.
Sáu là, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước. Có các chính sách nhằm gắn kết cộng đồng, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác văn hóa đối ngoại. Hợp tác với các nước để đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn hóa, nghệ thuật; đào tạo cán bộ chuyên môn trình độ cao.
Bảy là, xây dựng và phát triển một số liên hoan nghệ thuật quốc tế có thương hiệu tại Việt Nam, tạo điều kiện cho công chúng được tiếp cận với các nền văn hóa nghệ thuật đa dạng của thế giới; khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế của Việt Nam nhằm nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Tám là, tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, du lịch tại Việt Nam. Phối hợp triển khai các Tuần văn hóa, những sự kiện văn hóa lớn của các nước tại Việt Nam.
Chín là, thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển văn hóa nghệ thuật, góp phần thực hiện chính sách xã hội hóa. Tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại theo hình thức xã hội hóa với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Mười là, tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân đặc biệt là giao lưu khu vực biên giới.
Việc triển khai các hoạt động đối ngoại quy mô quốc gia về văn hóa - thể thao - du lịch luôn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai các hoạt động giới thiệu, quảng bá hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
(Theo tài liệu Công tác thông tin đối ngoại, những điều cần biết - Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương)
Thanh Giang