1. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương về văn hoá
Cần phân biệt rõ công tác văn hoá của Đảng với công tác văn hoá của các cơ quan Nhà nước. Công tác văn hoá của Đảng phải nắm chắc các nội dung cơ bản thể hiện trong các văn kiện của Đảng về văn hoá, xem xét việc triển khai các chủ trương, quan điểm, giải pháp của Đảng về văn hoá được hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đón nhận và thực hiện như thế nào, hiệu lực và hiệu quả của việc đưa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng vào cuộc sống.
2. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc
Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá đã khẳng định: ''Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá”. Trong bối cảnh nước ta đang tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, một số nơi đã buông lỏng việc củng cố và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Nhà nước đã ban hành luật Di sản văn hoá năm 2001, bổ sung, sửa đổi năm 2009. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá nhằm làm đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc ở các vùng miền trước tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá và toàn cầu hoá.
Quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hoá cũng đã xuất hiện những lệch lạc cần phải được uốn nắn kịp thời, như: trùng tu di tích làm mất các yếu tố gốc, các dự án kinh tế xâm hại di tích, biến dạng các trò diễn trong lễ hội.
Vận dụng lý thuyết bảo tồn di sản: Bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn có kế thừa, bảo tồn có phát triển. Vấn đề khai thác di sản: chưa khai thác, khai thác có kế hoạch, khai thác triệt để.
3. Việc xây dựng môi trường văn hoá; thực hiện cuộc vận động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; nắm bắt đời sống văn hoá của các giai tầng trong xã hội
Hoạt động văn hoá không thể tách rời môi trường làm việc thông qua cơ quan hệ xã hội và môi trường sinh thái.
Để tạo lập môi trường văn hoá lành mạnh, Đảng đã có chủ trương mở cuộc vận động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Cuộc vận động này là giải pháp đầu tiên trong 04 nhóm giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá. Đây là cuộc vận động có tính toàn dân, toàn diện, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, lâu dài, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong xây dựng đời sống văn hoá. Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động ở 4 cấp. Quá trình thực hiện có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt cần phải tăng cường chỉ đạo để nâng cao chất lượng cuộc vận động.
Năm 2011, Ban chỉ đạo Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm (2000-2010) phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, đánh giá nghiêm túc nhữmg việc làm được và những thiếu sót, khuyết điểm để tiếp tục đề ra các giải pháp đưa phong trào phát triển sâu rộng trong cả nước.
Hoạt động văn hoá là một bộ phận của công tác tư tưởng có liên quan đến diễn biến tư tưởng của các giai tầng trong xã hội, do vậy, Ban Tuyên giáo ở các địa phương cần theo sát nằm bắt đời sống văn hoá các các giai tầng trong xã hội.
Gồm:
- Đời sống văn hoá nông dân, nhất là vùng nông dân bị mất đất phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá.
- Đời sống văn hoá công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, liên doanh với nước ngoài.
- Đời sống văn hoá học sinh, sinh viên trong các trường học.
- Đời sống văn hoá của công chức, viên chức Nhà nước đang công tác và nghỉ hưu.
- Đời sống văn hoá của trí thức, văn nghệ sĩ.
- Đời sống văn hoá của thương gia, tiểu thương
- Đời sống văn hoá của thanh niên, thiếu niên.
4. Phân tích các khuynh hướng hoạt động văn hoá
Bám sát hoạt động thực tiễn để phát hiện, đánh giá các khuynh hướng hoạt động văn hoá, uốn nắn các lệch lạc.
Khuynh hướng tích cực:
- Khuynh hướng đề cao chủ nghĩa yêu nước, cách mạng, nhân văn, dân chủ;
- Khuynh hướng xã hội hoá;
- Khuynh hướng trở về văn hoá cội nguồn.
Khuynh hướng tiêu cực:
- Khuynh hướng phủ nhận quá khứ;
- Khuynh hướng thương mại hoá;
- Khuynh hướng duy tâm thần bí;
- Khuynh hướng vọng ngoại, tây hoá.
5. Đạo đức, lối sống, các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng của các sản phẩm độc hại
Phân tích, đánh giá các tệ nạn xã hội gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống: Tệ nạn mê tín dị đoan, mãi dâm, cờ bạc, ma túy...
Sự xuống cấp đạo đức, đề cao chủ nghĩa cá nhân cực đoan.
Lối sống vì tiền, thực dụng, đồi trụy.
Các sản phẩm độc hại tác động đến đạo đức, lối sống.
6. Công tác lãnh đạo và quản lý văn hoá
Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về văn hoá, mặt được, mặt chưa được.
Đánh giá công tác quản lý nhà nước về văn hoá của các cấp chính quyền, mặt được, mặt chưa được, đã đúng theo quan điểm, chủ trương, đường lối văn hoá của Đảng chưa.
Đánh giá mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ văn hoá theo tinh thần các văn kiện của Đảng.
Nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương