Di sản thế giới là gì? Di sản thế giới là những di chỉ hay di tích, danh thắng của một quốc gia như rừng, dãy núi, hồ, sa mạc, quần thể kiến trúc, công trình nghệ thuật... do các nước tham gia vào Công ước di sản thế giới đề cử cho Ủy ban di sản thế giới, được xét duyệt, công nhận và quản lý bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Những đề cử di sản của các quốc gia sẽ được UNESCO lập danh mục, đặt tên và bảo tồn. Những đề cử được đưa vào danh sách di sản thế giới có thể được nhận tiền từ Quỹ Di sản thế giới theo một số điều kiện nhất định.
Có bao nhiêu di sản thế giới?
Theo Tạp chí The World Heritage Commitee tính đến năm 2016, có tất cả 1.052 di sản được liệt kê, trong đó có 814 di sản về văn hóa, 203 di sản về thiên nhiên và 35 di sản thuộc cả hai loại. Các di sản đó hiện diện tại 165 quốc gia. Italia là quốc gia có số lượng di sản thế giới được công nhận nhiều nhất với 50 di sản, tiếp theo là Trung Quốc với 47 di sản và Tây Ban Nha với 44 di sản.
Công ước Di sản thế giới ra đời như thế nào?
Công ước di sản thế giới là tên gọi tắt của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Ngày 16-11-1972, tại kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), UNESCO đã thông qua Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đây là Công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo vệ thiên nhiên với bảo vệ di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, bảo đảm mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với nhiên nhiên, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Công ước giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương; bảo vệ bền vững không chỉ di sản thế giới mà còn bảo vệ các di sản văn hóa của mỗi quốc gia. Công ước gồm 8 chương, 38 điều, đề cập những vấn đề hết sức quan trọng về di sản văn hóa thiên nhiên trên thế giới; trong đó có định nghĩa về di sản văn hóa và di sản thiên nhiên; Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Ủy ban Di sản thế giới).
Có mấy loại di sản thế giới?
Theo Công ước di sản thế giới 1972, di sản thế giới được phân thành ba loại: di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và di sản hỗn hợp.
Thế nào là Di sản văn hóa thế giới?
Di sản văn hóa gồm:
1) Di tích kiến trúc (monuments): các công trình kiến trúc, các công trình điêu khắc và hội họa kiến trúc, các bộ phận hoặc kết cấu có tính chất khảo cổ học, các bi ký, các hang động cư trú và những bộ phận kết hợp, mà xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu;
2) Nhóm công trình xây dựng (groups of buildings): các nhóm công trình riêng lẻ hoặc liên kết mà, do tính chất kiến trúc, tính chất đồng nhất hoặc vị thế của chúng trong cảnh quan, xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu;
3) Các di chỉ (sites): các công trình của con người hoặc công trình kết hợp giữa con người và thiên nhiên, cũng như các khu vực có các di chỉ khảo cổ học mà xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu.
Thế nào là Di sản thiên nhiên thế giới?
Di sản thiên nhiên gồm:
1) Các cấu tạo tự nhiên (natural features) bao gồm các thành tạo vật lý hoặc sinh học hoặc các nhóm có thành tạo thuộc loại đó mà, xét theo quan điểm thẩm mỹ hoặc khoa học, có giá trị nổi tiếng toàn cầu;
2) Các thành tạo địa chất và địa văn (geological and phystographical formations) và các khu vực được khoanh vùng chính xác làm nơi cư trú cho các loài động vật và thảo mộc bị đe dọa mà, xét theo quan điểm khoa học hoặc bảo tồn, có giá trị nổi tiếng toàn cầu;
3) Các di chỉ tự nhiên (natural sites) hoặc các khu vực tự nhiên đã được khoanh vùng cụ thể mà, xét theo quan điểm khoa học, bảo tồn hoặc vẻ đẹp thiên nhiên, có giá trị nổi tiếng toàn cầu.
Thế nào là Di sản hỗn hợp thế giới?
Đến năm 1992, Ủy ban Di sản thế giới mới đưa ra khái niệm di sản hỗn hợp hay còn gọi là di sản kép hay cảnh quan văn hóa thế giới để miêu tả các mối quan hệ tương hỗ nổi bật giữa văn hóa và thiên nhiên của một số khu di sản.
Thế nào là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới?
Theo Điều 2, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể do UNESCO thông qua ngày 17-11- 2003 đã quy định: “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Di sản văn hóa phi vật thể được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. Vì những mục đích của Công ước này, chỉ xét đến những di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với các văn kiện quốc tế hiện hành về quyền con người, cũng như những yêu cầu về sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân, và về sự phát triển bền vững.
Di sản văn hóa phi vật thể thế giới còn có tên gọi khác là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Mỗi di sản văn hóa phi vật thể muốn có tên trong Danh mục Di sản văn hóa thế giới phải được một hoặc nhiều quốc gia đề cử cho UNESCO trước khi được một ủy ban của tổ chức này xem xét đưa vào danh mục.
Tháng 11-2008, để nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, Ủy ban Liên chính phủ về bảo tồn di sản phi vật thể đã đưa ra hai danh mục: Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; và Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Các kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã được công bố trước đây nay được chuyển vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các hình thức thể hiện của di sản văn hóa phi vật thể? Di sản văn hóa phi vật thể thường được thể hiện ở những hình thức sau:
- Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể;
- Nghệ thuật trình diễn;
- Tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội;
- Tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ;
- Nghề thủ công truyền thống.
(Phòng VHVN tổng hợp)