Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) đã khẳng định: lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững và chính từ đó, những thành quả của sự phát triển đất nước lại nhằm phục vụ con người Việt Nam và góp phần cho nhân loại.
Một trong những điểm mới của Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước viết gọn là Nghị quyết Trung ương 9 về văn hóa và con người)- là gắn nhiệm vụ phát triển văn hóa với xây dựng con người; nêu rõ mục tiêu, phương hướng và biện pháp xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập quốc tế. Đó là một bước phát triển nhận thức của Đảng ta về vấn đề con người và văn hóa trong điều kiện hiện nay.
Có thể khẳng định rằng, trong tất cả các giai đoạn cách mạng, đặc biệt từ sự nghiệp đổi mới đến nay, Đảng ta luôn đặt con người vào vị trí trung tâm với tư cách là nhân tố quyết định nhất.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta nêu lên mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với 06 đặc trưng, trong đó có đặc trưng về xây dựng con người Việt Nam được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) đã khẳng định: lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững và chính từ đó, những thành quả của sự phát triển đất nước lại nhằm phục vụ con người Việt Nam và góp phần cho nhân loại.
Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (1998) - Nghị quyết chuyên đề của Đảng về vấn đề văn hóa – Đảng ta đã nêu lên những quan điểm rất quan trọng về xây dựng, phát triển văn hóa, trong đó nêu rõ xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng văn minh, con người phát triển toàn diện; các mục tiêu, giải pháp kinh tế phải gắn với mục tiêu, giải pháp văn hóa, cho con người. Đồng thời, Nghị quyết cũng đã xác định những nhiệm vụ cụ thể về xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới với những đức tính, phẩm chất toàn diện: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, có ý chí vươn lên; có ý thức tập thể, đoàn kết, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần, kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường; lao động chăm chỉ, có kỹ thuật, có năng suất cao; thường xuyên học tập, nâng cao trình độ hiểu biết…
Đến Đại hội IX và Đại hội X, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng con người trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đã gắn việc phát huy nguồn lực con người với sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đại hội đã nêu chủ trương lớn: Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi lứa tuổi,…
Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, thông qua tại Đại hội XI của Đảng có sự phát triển về nhận thức vị trí, vai trò của con người: đã đặt yếu tố con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền lợi của nhân dân…
Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng về văn hóa và con người mới đây đã nêu rõ hơn mục tiêu con người, đặt mục tiêu xây dựng con người Việt Nam gắn kết chặt chẽ với mục tiêu văn hóa. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Đây là quan điểm mới của Đảng ta, thể hiện bước phát triển trong nhận thức của Đảng trong chiến lược con người đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng ta về xây dựng con người, Nghị quyết Trung ương về văn hóa và con người đã chỉ rõ: phải chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện mà trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào và tôn vinh lịch sử, văn hóa, dân tộc.
Điểm mới về vấn đề con người mà Nghị quyết chỉ rõ là: Gắn rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao năng lực, bồi dưỡng tri thức nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển lối sống tập thể; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đến bản thân, gia đình, xã hội; nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ của nhân dân, đặc biệt thanh niên, thiếu niên; đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, ảnh hưởng xấu đến nền văn hóa, làm tha hóa con người, có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam.
Đồng thời Nghị quyết Trung ương cũng đã nêu rõ để thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện cần chăm lo xây dựng môi trường lành mạnh; mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phải là một môi trường lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện về nhân cách, lối sống; phải chú trọng giáo dục con người từ gia đình, nhà trường và các phong trào xã hội…
Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của mọi người dân Việt Nam, mục tiêu văn hóa, con người mà nghị quyết của Đảng đã đề ra nhất định sẽ trở thành hiện thực, góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Đỗ Cảnh Hưng
(Trưởng phòng GDLLCT Ban Tuyên giáo TU)