Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch bảo đảm hoạt động của hệ thống an toàn, thông suốt và hiệu quả. Đồng thời, ngành Ngân hàng tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid–19.
Giao dịch tại BIDV CHi nhánh Hưng Yên
Đồng chí Đặng Sỹ Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh cho biết: “Ngay từ đầu tháng 2.2020, NHNN Chi nhánh tỉnh đã có văn bản triển khai đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN và của tỉnh về công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, ngành Ngân hàng đã có văn bản đề nghị các ban, sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp hỗ trợ các TCTD triển khai thực hiện các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định”. Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của NHNN; Chỉ thị số 08/CT-CTUBND ngày 27.3.2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid–19 trước tình hình diễn biến mới của bệnh dịch ở Việt Nam, các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, TCTD trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Toàn ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” với quyết tâm và sự đồng bộ thống nhất cao từ NHNN Chi nhánh tỉnh đến các chi nhánh, phòng giao dịch, các TCTD. Thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13.3.2020 của NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Các TCTD trong tỉnh chủ động rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng trong quá trình xử lý, tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn. Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm bảo đảm thực hiện đúng chính sách, không để xảy ra việc lợi dụng chính sách để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. Tính đến ngày 31.3.2020, các TCTD trong tỉnh tổng hợp có khoảng 16.000 tỷ đồng dư nợ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tập trung nhiều ở các lĩnh vực như: Nông nghiệp, thủy sản; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; hoạt động kinh doanh bất động sản… Theo đó, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoảng 60 tỷ đồng dư nợ của 41 khách hàng; miễn, giảm lãi suất đối với khoảng 2.300 tỷ đồng dư nợ của gần 1.500 khách hàng, với số tiền lãi được miễn, giảm khoảng 8 tỷ đồng. Một số TCTD tiêu biểu thực hiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19 là: Agribank Chi nhánh tỉnh Hưng Yên, BIDV Chi nhánh Hưng Yên, Vietinbank Chi nhánh Hưng Yên, Vietcombank Chi nhánh Hưng Yên, ACB Chi nhánh Hưng Yên…
Cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, toàn ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đến hết quý I, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 60,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt trên 41,6 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay trung, dài hạn ước đạt gần 18,6 nghìn tỷ đồng.
Thời gian tới, ngành Ngân hàng Hưng Yên tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN, của tỉnh để chung tay cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Các TCTD phấn đấu đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là để khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, xem xét miễn, giảm lãi vay, giảm phí phù hợp với điều kiện tài chính để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các TCTD để bảo đảm có sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là giải pháp giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất... Chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời về các giải pháp, chính sách, chương trình, gói sản phẩm hỗ trợ để khách hàng vay vốn biết và phối hợp thực hiện. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng khách hàng, ngành kinh tế.
Nguồn: baohungyen.vn