Một trong những di tích nổi tiếng của đất Hưng Yên phải kể tới là chùa Nôm - ngôi chùa cổ nằm giữa làng Việt cổ, nơi sở hữu những kỷ lục mà bất cứ ai đã từng một lần đặt chân tới đây đều không thể nào quên.
Ngôi chùa đi vào kỷ lục Việt Nam
Chùa Nôm, thuộc làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm vốn nổi danh là một ngôi chùa cổ có niên đại hàng trăm năm. Truyền thuyết kể rằng, chùa được xây dựng ngay giữa rừng thông cổ thụ, trên một cái am nhỏ, nên còn được gọi là “Linh Thông Cổ Tự”. Chùa Nôm được xây dựng lại vào thời Hậu Lê, đời Chính Hòa, năm Canh Thân 1680 và được trùng tu nhiều lần sau đó. Dù vậy, đến nay ngôi chùa vẫn giữ được nguyên vẹn nét kiến trúc cổ kính, trang nghiêm và huyền bí. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng vạn lượt du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về hành hương, chiêm bái.
Toàn cảnh chùa Nôm
Đến với chùa Nôm, được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ bí của những pho tượng cổ nơi đây mới thấy hết sự tài hoa của con người và sự linh thiêng của đất trời làng Nôm. Có tất cả 122 pho tượng Phật lớn, nhỏ làm bằng gỗ và đất luyện, nằm rải rác tại chùa Nôm với những kích thước lớn nhỏ khác nhau, mô tả một cách sinh động, biểu cảm con đường trưởng thành của Đức Phật. Các bức Tam Thánh, Tam Thế, A Di Đà, Bát bộ Kim cương, Thập bát La hán... mang khuôn mặt và hình dáng hết sức biểu cảm như những con người bình thường song lại thần bí, thoát tục. Theo nhận định của các nhà khoa học, tạo tác của những bức tượng tại chùa Nôm tiêu biểu cho nghệ thuật khắc tượng thế kỷ XVIII với sức sống bền bỉ qua thăng trầm của thời gian, chiến tranh và sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên. Những trận lụt lớn vào các năm 1945, 1971, 1986... đã nhấn chìm toàn miền Bắc, trong đó có làng Nôm trong biển nước. Những pho tượng làm bằng đất tại chùa Nôm bị ngâm nước ròng rã nhiều tháng trời, nhưng khi nước rút đi vẫn hiện ra nguyên vẹn, an toàn trước sự ngỡ ngàng của người dân trong làng. Lý giải cho sức sống lâu bền của các pho tượng ở đây, các nhà khoa học cho rằng, đó là nhờ kỹ thuật chế tác điêu luyện của các nghệ nhân thời xưa, từ sự chau chuốt, tỉ mỉ trong khâu dựng cốt, đắp đất, phủ sơn lên mỗi bức tượng... Chính bởi sức sống lâu bền đến khó tin của các pho tượng này mà chùa Nôm đã vinh dự được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Ngôi chùa có nhiều tượng đất cổ nhất nước”.
Ngoài hơn 100 pho tượng đất, chùa Nôm hiện còn lưu giữ một tòa tượng quý bằng chất liệu đồng, dát vàng có tên Cửu Long Phật đản. Trong không gian yên ả đượm mùi trầm hương thanh tịnh, giữa ánh chiều tà le lói phía đăng Tây, có lẽ hiếm có cảm giác nào yên ả hơn là được chiêm ngưỡng những pho tượng quý giá, đắm mình trong những thanh âm ngân vọng của tiếng chuông chùa, trong từng cơn gió hiu hiu, lòng người thêm phần tĩnh mịch, chan chứa niềm hoài niệm xa xăm...
Bảo tồn di tích quý
Chùa Nôm cuốn hút du khách bởi lẽ ngôi chùa sở hữu cảnh quan thiên nhiên trù phú, tươi đẹp, lại nằm gọn trong một quần thể bao gồm nhiều di tích như đình, chợ, cầu đá, từ đường dòng họ... của làng Nôm, tạo nên một không gian văn hóa, kiến trúc đậm đà bản sắc làng cổ Việt. Từ trung tâm làng đến chùa, du khách sẽ đi qua cây cầu Nôm bằng đá chín nhịp đầu rồng, có niên đại khoảng 200 năm, bắc qua dòng sông Nguyệt Đức. Cầu rộng gần 2m, được tạo nên từ những phiến đá xanh lớn với nhiều nét chạm đục cầu kỳ và công phu.
Đi qua cầu Nôm, chùa Nôm hiện ra trong một không gian xanh mướt và ngát hương hoa thanh tịnh. Tam quan chùa Nôm bề thế, được xếp vào hạng lớn nhất nhì Đông Nam Á với chiều cao 25m, được làm hoàn toàn bằng gỗ lim với hai tầng kiến trúc truyền thống, chạm khắc những hoa văn họa tiết hết sức tinh xảo. Bước qua Tam quan là tháp Chuông và lầu Trống nằm đối xứng hai bên, bố cục theo nguyên tắc tả chung - hữu cổ (bên trái là chuông, bên phải là trống).
Tượng đất chùa Nôm
Theo Đại đức Thích Đồng Huệ, Trụ trì chùa, tháp Chuông và lầu Trống trưng bày quả chuông nặng gần 3 tấn và chiếc trống có đường kính gần 2,9m, đều là những tác phẩm lớn vào loại nhất nhì trong số các chùa ở nước ta.
Trung tâm của ngôi chùa, tòa Tam bảo được thiết kế theo kiểu “nội đinh ngoại quốc”, với Tiền đường, Thượng điện, nhà Mẫu và hai dãy hành lang đăng đối hai bên. Đây là những thành phần kiến trúc bảo lưu gần như nguyên vẹn quy mô ban đầu của chùa. Nơi đây lưu giữ gần như nguyên vẹn các pho tượng bằng gỗ và đất; cùng hệ thống bia đá, hương án được tạo từ thế kỷ XVII. Sau Thượng điện là điện Mẫu, gồm hai nếp nhà mới được dựng lại năm Khải Định Canh Thân (1920) với bộ mái vì vỏ cua độc đáo, bởi lẽ đây là kiểu vì thường gặp trong kiến trúc truyền thống vùng Trung bộ nhưng rất ít gặp ở miền Bắc. Giữa điện Mẫu và hành lang hai bên có hai cổng phụ, là một thành phần kiến trúc khá đặc biệt của ngôi chùa. Vào dịp đầu xuân năm mới, nam nữ trong làng đi theo hai cổng sau để lên Tiền đường. Nam đi cửa bên trái, nữ đi cửa bên phải, vừa đi vừa đếm các pho tượng cho đến số tuổi của mình năm đó thì dừng lại và nhờ sư thầy xem ý nghĩa của pho tượng để dự báo về năm mới.
Rảo bước qua con đường nhỏ bên hiên chùa, vườn Tháp mộ sư có niên đại hàng trăm năm tuổi ánh lên những sắc màu lấp lánh trong nắng vàng. Khu Tháp mộ hiện còn khoảng 10 ngôi với kích thước, kiểu dáng kiến trúc khác nhau, được xây bằng đá, gạch và đá ong với các mốc niên đại trải dài từ năm 1701 cho đến nay...
Đại đức Thích Đồng Huệ cho biết: “Chùa Nôm từ lâu đã trở thành nhân chứng lịch sử của làng Nôm. Sự linh thiêng của chùa đã thấm đẫm vào từng viên gạch, từng thớ gỗ, từng pho tượng... Vì thế, nhà chùa coi việc trùng tu, phát triển ngôi chùa luôn phải gắn liền với việc bảo tồn những giá trị truyền thống vốn có…”