NHIỀU DI TÍCH KHẢO CỔ CHỈ CÒN TRÊN GIẤY
Năm 1993, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học đã thống kê, toàn quốc có khoảng trên dưới 100 di tích khảo cổ học thuộc thời kỳ kim khí. Chưa đầy 10 năm sau, con số này đã nhảy vọt lên tới 917, phân bố ở 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tuy nhiên, chỉ hơn 10 năm tiếp theo, các nhà khảo cổ học điều tra và ước đoán, có đến 90% số lượng di tích khảo cổ thời kỳ kim khí được thống kê đã bị xâm phạm nghiêm trọng, nhiều di tích chỉ còn trên giấy, nhất là các di tích khảo cổ học về thời đại Hùng Vương.
Trong đó, có thể kể tới di tích Phùng Nguyên (Phú Thọ) nổi tiếng thế giới được sử dụng để đặt tên cho văn hóa Phùng Nguyên, giai đoạn đầu tiên của thời đại kim khí, nay đã bị xóa sổ hoàn toàn, hiện đã biến thành một loạt lò gạch hằng ngày nhả khói lên trời. Di tích Hồng Đà (Phú Thọ) nổi tiếng vì là một trong những công xưởng lớn chế tác vòng trang sức đá lớn và tinh xảo, nay đã biến thành bãi rác. Di tích Tràng Kênh, Thủy Sơn, các khu mộ táng ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã bị xoá sổ hoàn toàn. Ở phía Nam, một loạt di tích vùng rừng ngập mặn thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, như: Cái Vạn, Cái Lăng, Rạch Lá... nay đã bị đào thành các ao hồ nuôi tôm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn trên, song có thể quy vào một nguyên nhân cơ bản là các cấp quản lý có thẩm quyền, cán bộ và người dân không thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp quy của Nhà nước đối với công tác khảo cổ học. Thêm nữa, việc xây dựng kế hoạch bảo vệ các di tích khảo cổ học hiện nay tại Việt Nam hoàn toàn chưa có. Nếu không thực hiện nghiêm luật pháp và có những biện pháp kịp thời thì chỉ trong một vài thập kỷ tới nhiều di sản khảo cổ học tiếp tục biến mất và riêng các di tích khảo cổ học thuộc thời kỳ Hùng Vương dựng nước sẽ bị biến mất hoàn toàn.
NHIỀU BẤT CẬP CHƯA THỂ THÁO GỠ
Trong quá trình thực hiện công tác khảo cổ học, nhiều bất cập liên quan khác cũng phát sinh như việc bảo vệ, bảo tồn di tích và di vật sau khai quật. Đầu tiên, lấp hố bảo tồn đang là biện pháp được sử dụng phổ biến do hầu như tất cả các di tích khảo cổ học không có điều kiện bảo tồn tại chỗ, lâu dài nên các hố khai quật đều được đóng lại. Hạn chế lớn của việc lấp hố bảo tồn là không có điều kiện trưng bày, quảng bá giá trị di tích, nhưng ưu điểm là sẽ bảo tồn nguyên vẹn được di tích dưới lòng đất để nó không bị hư hại, biến dạng bởi tác động của môi trường và con người.
Thứ hai là trường hợp bảo tồn di tích sau khai quật bằng nhà mái che nhằm hướng tới phát huy giá trị lâu dài của khu di tích. Tiêu biểu là trường hợp bảo tồn các di tích cung điện Lý-Trần-Lê ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ở đây, do tính chất và tầm quan trọng đặc biệt của khu di tích nên nhà mái che đã được đầu tư xây dựng từ năm 2005 để bảo vệ quần thể di tích đang lộ thiên dưới lòng đất. Hiện nay di tích này được đầu tư và xây dựng nhà mái che quy mô xứng tầm di sản thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhà mái che khác do điều kiện thực tế cho nên che xong rồi để đấy khiến cho di tích bị hoang phế, rêu mốc, nước ngập.
Thứ ba, trường hợp xây dựng công trình mới bên cạnh di tích vừa khai quật, điển hình là Di tích đền Thái (Quảng Ninh), chùa Dạm (Bắc Ninh), Tòa Cửu phẩm Liên hoa ở Côn Sơn (Hải Dương). Việc xây dựng công trình kiến trúc mới bên cạnh di tích vừa bảo vệ được nguyên vẹn di tích cũ, vừa có di tích mới để phát huy. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý là cách làm này đã phá vỡ cảnh quan của di tích cũ, nhất là phá vỡ các yếu tố phong thủy phương Đông mà các kiến trúc xưa thường chú ý hàng đầu.
Thứ tư, trường hợp xây dựng công trình mới chồng lên di tích, di tích nằm dưới tầng hầm của kiến trúc mới. Đó là trường hợp xây dựng mới ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Trường hợp này vừa có công trình xây dựng mới vừa có thể phát huy được di tích cổ dưới lòng đất. Tuy nhiên, nếu không thiết kế đẹp và không có các giải pháp bảo tồn cấp thiết thì di tích dưới tầng hầm cũng bị xuống cấp và không phát huy được giá trị, đồng thời ẩm mốc sẽ xuất hiện.
Thứ năm, trường hợp xây dựng mới hoàn toàn trùm lên trên di tích khảo cổ. Điển hình là chùa Ngọa Vân (Quảng Ninh) đã được Viện Khảo cổ học khai quật làm xuất lộ toàn bộ nền móng còn nguyên vẹn, xác định rõ hình thái cấu trúc có niên đại thuộc thời Lê Trung hưng. Quá trình chuẩn bị xây dựng lại chùa Ngọa Vân đã được giới khoa học góp ý theo phong cách thời Lê Trung hưng. Nhưng sau đó một thời gian, khi các nhà khoa học quay trở lại thì một ngôi chùa mới tinh, giá trị một tuổi được dựng lên không còn một chút nào dấu tích của ngôi chùa nổi tiếng 400 năm tuổi của Thiền phái Trúc Lâm. Trong khi đó, các di tích bên dưới được xử lý thế nào, các nhà quản lý, các nhà khoa học đều không biết.
Từ dẫn dụ trên, tôi xin kiến nghị các cấp quản lý có thẩm quyền nên xem xét chỉ đạo rà soát tổng thể vấn đề bảo vệ, bảo tồn các di tích khảo cổ học, thực trạng việc trùng tu, xây dựng mới các di tích sau khai quật, phân tích các ưu điểm và nhược điểm, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các điều luật, các giải pháp, các quy chế nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, xây dựng, cải tạo đối với các di tích khảo cổ sau khi khai quật. Nên thiết lập một đường dây nóng để các nhà khoa học và người dân thông báo các trường hợp khẩn cấp về tình trạng vi phạm Luật Di sản văn hóa đối với các di tích khảo cổ học nói riêng, các di tích lịch sử - văn hóa nói chung./.