Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915 - 01/7/2015), tuyengiaohungyen.vn xin trân trọng giới thiệu bài viết: “Nguyễn Văn Linh – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng, người con ưu tú của Hưng Yên” của đồng chí Nguyễn Duy Hy, nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hưng Yên.
Hưng Yên là vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Nơi đây đã sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều nhà văn hóa, làm rạng danh cho quê hương, đất nước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà Lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 01 tháng 7 năm 1915 trong một gia đình công chức nghèo tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Đồng chí giác ngộ lý tưởng cách mạng từ rất sớm và đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng, đấu tranh chống thực dân, đế quốc vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trải qua quá trình hoạt động gây dựng phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trưởng thành và thể hiện đậm nét sự vững vàng về ý chí chiến đấu và bản lĩnh, phẩm chất cách mạng, tinh thần trung kiên bất khuất vì lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Quê ở Hưng Yên nhưng hai phần ba cuộc đời gắn bó, sát cánh cùng đồng bào miền Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam và đã có những công lao to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, đồng chí tiếp tục được Đảng và nhân dân tín nhiệm giao nhiều trọng trách. Bất kỳ ở cương vị nào, đồng chí cũng đem hết sức lực cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích của cá nhân mình. Đồng chí luôn luôn trăn trở tìm cách tháo gỡ những khó khăn, bế tắc trong sản xuất và đời sống xã hội; lắng nghe ý kiến của đồng bào, đồng chí; chú ý nghiên cứu, tìm tòi những nhân tố mới, sáng tạo, tích cực từ các cơ sở sản xuất để đúc kết, xây dựng những điển hình về cơ chế và phong cách quản lý mới, góp phần làm sáng tỏ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đồng chí đó có những đóng góp quan trọng và có hiệu quả vào việc hoạch định đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiệm kỳ đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo chủ động, sáng tạo, vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động lớn trên thế giới, khi mà chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Đồng chí kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Những bài viết của động chí trên Báo Nhân Dân vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới dưới nhan đề "Những việc cần làm ngay" mang bút danh NVL đó tạo luồng sinh khí mới trong xã hội dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng và Nhà nước.
Trong cuộc sống thường ngày, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn giản dị, khiêm tốn, liêm khiết, thẳng thắn, trung thực nhưng thắm đượm tình người; đồng chí kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí và những biểu hiện xa hoa, phô trương, hình thức. Tác phong luôn sâu sát thực tế, cụ thể, gần gũi quần chúng, biết lắng nghe ý kiến mọi người của đồng chí Nguyễn Văn Linh được nhân dân, bạn bè, đồng chí tin yêu, kính phục...
Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác. Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng đồng chí Huân chương Vàng quốc gia. Nhà nước Cuba tặng thưởng đồng chí Huân chương Hôxê Mácti. Nhà nước Campuchia tặng thưởng đồng chí Huân chương Ăngco.
Đối với tỉnh ta, dù bận lo công việc chung của đất nước, song đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vẫn thường xuyên quan tâm theo dõi từng bước tiến của quê hương. Trong những năm tháng xa quê, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã sáu lần về thăm và làm việc tại quê hương. Lần thứ nhất là vào năm 1967, đồng chí về thăm xã Giai Phạm và họ hàng; Lần thứ hai là vào năm 1977, đồng chí về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Yên; Lần thứ ba là vào năm 1987, đồng chí về thăm xã Giai Phạm; Lần thứ tư là vào năm 1993, đồng chí về thăm thị xã Hưng Yên (nay là thành phố Hưng Yên); Lần thứ năm là vào năm 1994, đồng chí về thăm tỉnh Hải Hưng, thăm huyện Mỹ Văn, thăm xã Giai Phạm và dự Lễ khởi công xây dựng Trường tiểu học mang tên Nguyễn Văn Linh, đồng chí đã tặng quà cho Trường. Trong lần về thăm này, đồng chí đã đồng ý cho trường trung học cơ sở của xã được mang tên Nguyễn Văn Linh. Lần thứ sáu là vào năm 1996, sau khi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí về thăm xã Giai Phạm, thăm họ hàng, làng xóm. Đây là lần cuối cùng đồng chí về thăm quê hương.
Năm 1995, do bận công việc, đồng chí không về thăm quê, đồng chí đã gửi thư về xã Giai Phạm, động viên, nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân xã Giai Phạm đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Ngày 14/3/1997, đồng chí gửi thư cho xã Giai Phạm, động viên Đảng bộ và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng. Đồng chí khen ngợi Trường tiểu học và Trường Trung học cơ sở mang tên đồng chí đã giữ vững danh hiệu tiên tiến nhiều năm liền. Tháng 11 năm 1997, do tuổi cao sức yếu, đồng chí không về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV được, đồng chí đã gửi điện về chúc mừng Đại hội. Nội dung bức điện vừa thể hiện lòng mong muốn, vừa là lời căn dặn của đồng chí đối với Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên, mong muốn Hưng Yên phấn đấu hơn nữa để trở thành tỉnh kiểu mẫu của toàn quốc Việt Nam, một tỉnh giàu mạnh và văn minh...
Tự hào là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong gần 30 năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh (01/01/1997) đến nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và các nghị quyết Đại hội của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ cùng với sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành ở Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu giành được những thành tựu về kinh tế - xã hội rất đáng phấn khởi. Hầu hết các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014, tổng sán GDP tăng 7,25%, trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng 1, 82 %; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,45%; Giá trị thương mại, dịch vụ tăng 9,43%. GDP bình quân đầu người đạt 35,62 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá: Nông nghiệp, thủy sản 14, 86% - Công nghiệp, xây dựng 47,89% - Dịch vụ 37,25%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.098 USD, tăng 22,94%. Thu ngân sách năm 2014 đạt trên 7000 tỷ đồng, tăng 10, 2%, trong đó: Thu nội địa 4842 tỷ đồng; thu thuế xuất, nhập khẩu 2050 tỷ đồng; thu xổ số kiến thiết 8 tỷ đồng. Bình quân toàn tỉnh đạt 13 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó có khoảng 20 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hoạt động thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, nhất là thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2014, toàn tỉnh thu hút thêm 86 dự án, nâng tổng số dự án đầu tư trên địa bàn lên 1.172 dự án. Các lĩnh vực tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, giao thông vận tải... được tăng cường. Lĩnh vực Văn hoá - Xã hội như: Giáo dục, Y tế, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động, chăm sóc người có công với nước... ngày càng tiến bộ. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quốc phòng được tăng cường. Đời sống về vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao.
"Uống nước, nhớ nguồn" và để tỏ lòng biết ơn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã xây dựng xong tượng đài đồng chí đặt tại thành phố Hưng Yên và hoàn chỉnh khu Nhà tưởng niệm đồng chí tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ. Đây là những địa chỉ đỏ có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về lòng yêu nước, về truyền thống cách mạng và để cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong cả nước đến thăm viếng, tri ân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Năm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915- 01/7/2015), Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, Người con ưu tú của miền quê văn hiến và cách mạng Hưng Yên, Người mà tên tuổi mãi mãi gắn liền với sự nghiệp đổi mới của Đảng, trong năm 2015 và thời gian tới, trước bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi song cũng không ít khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đoàn kết nhất trí, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế khuyết điểm, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi những mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVII đã đề ra, xây dựng tỉnh ta trở thành tỉnh kiểu mẫu, tỉnh mạnh của toàn quốc Việt Nam như lòng mong muốn và căn dặn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với quê hương Hưng Yên.
N.D.H