KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Lý luận Chính trị - Lịch sử Đảng
Đăng ngày: 04/05/2024 - Lượt xem: 188
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhớ người hùng của quê hương yêu dấu

Càng gần đến ngày toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta long trọng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tâm trạng tôi càng bồn chồn không yên. Nó như một mối nợ chưa trả được với một người anh hùng đã khuất của quê hương. Báo chí đã viết tương đối nhiều về Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Đăng Vinh, người trong tổ bắt sống tướng Đờ Cát cách đây đúng 70 năm về trước. Riêng tôi, đã một số lần nhìn thấy ông từ xa và giao tiếp, gặp gỡ với Đại tá Hoàng Đăng Vinh ở hội nghị hoặc cuộc gặp gỡ đông người. Chỉ một lần duy nhất, tôi với Đại tá gặp, trò chuyện thân tình, với tình nghĩa quê hương Phù Cừ vào mùa hè năm 2019 ở Khu tập thể Công binh, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Gặp ông, phỏng theo ý thơ Tố Hữu, tôi ngẫu hứng thốt lên câu thơ tặng người Anh hùng: "Vui sao một sáng tháng năm"/Đường về Kinh Bắc ghé thăm Anh hùng/Vào hầm quân Pháp cuối cùng/ Bắt sống Đờ Cát có anh hùng Đăng Vinh". 
Khi biết tôi là nhà báo, đồng hương huyện Phù Cừ đến thăm, Đại tá ra tận ngoài đường đón và ôm choàng lấy tôi vỗ vỗ vào lưng:
- Đồng hương! Đồng hương! Lên tận đây thăm anh em! Quý quá! Quý quá!
Vừa rót ấm trà Thái Nguyên xanh, thơm ra chén mời tôi, Đại tá, Anh hùng Hoàng Đăng Vinh vừa hỏi:
Thế cậu ở huyện Phù Cừ là xã nào? Khi biết tôi ở thôn An Cầu, xã Tống Trân, ông hào hứng hẳn lên: 
- Thế là từ thôn Hoàng Các, xã Tiên Tiến, quê tớ xuống thôn An Cầu, Tống Trân, quê cậu, rồi vòng xuống thôn La Tiến, xã Nguyên Hoà như một hình của tam giác đều. Hồi còn ở nhà, tớ đi mòn chân các xóm làng trong cái tam giác này.
- Nghe nói, bác có những kỷ niệm sâu sắc, không thể nào quên ở bốt La Tiến, nơi khét tiếng là tội ác của thực dân Pháp cũng như bọn tay sai ở đây phải không ạ?
Nghe đến đây, Đại tá ngồi lặng người, đầu hơi ngửa lên, mắt lim dim nhớ lại quá khứ khó khăn, khổ ải ở quê nhà và hồi tưởng lại: Cậu biết đấy, quê chúng ta là vùng chiêm trũng, "chiêm khê, mùa thối" thời trước, dân đói mòn, đói mỏi, cả tuần chả được bữa cơm, toàn rau cháo qua ngày, mò cua, bắt ốc, đơm cá... mà sống. Đúng là "miếng ngon nhớ lâu, đòn đâu nhớ đời". Hồi đó tớ chả được ăn ngon, nhưng đói quá cũng nhớ lâu và đòn đau thì cũng bị rồi nên nhớ lâu lắm. Kỷ niệm “ghi xương, khắc cốt” không bao giờ quên được là, khi mới 10 tuổi, mẹ tớ với cái áo vá đụp, vá chằng, quần ống cao ống thấp chạy hết làng trên, xóm dưới mới vay được vài hào mua được mấy đấu cám gạo về nấu cháo cho các con ăn trừ bữa. Cậu đã được "thưởng thức" cái món cám gạo này chưa? Bây giờ tớ vẫn nhớ mùi vị đăng đắng, chua chua, ngai ngái của món cám gạo nấu. Nó cứ nghèn nghẹn ở trong họng, không sao nuốt trôi xuống bụng. Cái cảm giác này cứ trồi lên không thể nuốt trôi cộng với cảnh thanh niên, dân làng, cán bộ cách mạng bị cắt cổ, trôi sông ở bốt La Tiến, bên ngã ba sông Luộc, bên kia là bốt Nhâm Lang, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Riêng ở bốt La Tiến, bọn thực dân và tay sai đã dùng mọi cực hình tra tấn man rợ, đã giết hại 1145 chiến sỹ cách mạng, đồng chí và đồng bào yêu nước. Vào năm 1952, khi đó tớ đã 17 tuổi, nhưng vì nghèo đói cho nên người vẫn "thấp bé nhẹ cân" còm cõi. Tớ vẫn nhớ, trong một lần đi càn, địch tập trung dân hai làng Hoàng Các và Hoàng Xá, bất kể người đó bị nghi là Việt Minh, du kích hay dân thường, tận mắt chứng kiến cảnh bắt bớ, tra tấn của giặc. Chả có chứng cứ gì, nhưng sau mỗi một câu hỏi mà không được trả lời là chúng chém một ngón tay hoặc một bàn tay, có khi chúng xẻo một bên tai, xẻo cả hai tai người chúng nghi là du kích. Vào dịp càn này, tớ cùng nhiều người bị giặc nghi là Việt Minh và bị bắt nhốt vào bốt La Tiến. Một lần, vì quá thương con, mẹ tớ nấu một nồi canh, nhễ nhại mang từ nhà đến bốt La Tiến cho con. Mẹ tớ nài nỉ lính gác và "hối lộ" cho tên lính gác một hào Đông Dương đề được vào đưa canh cho con. Tớ chưa kịp ăn canh mẹ nấu, cũng chả nói với mẹ được câu nào thì tên Đội ập đến. Nó giơ chân đá tới tấp làm tung bát canh, bắn tung toé cả vào người và dùng roi da đánh tới tấp vào người tớ. Ức đến nỗi khóc không ra nước mắt. Cũng may là thời điểm đó, giặc Pháp bắt bớ quá nhiều người về giam kín bốt La Tiến, cho nên vì không chứa hết,  chúng buộc phải thả bớt tù nhân. Trong cái rủi có cái may, tớ 17 tuổi nhưng dáng người bé nhỏ như thiếu niên, cho nên tớ được kẻ địch coi là "trẻ con" cùng với một số người già cả và trẻ con vô hại nên được cho về. Đây là cơ hội để tớ đi theo Việt Minh làm cách mạng.
Khi tôi hỏi về ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời chinh chiến của ông, Đại tá bật người khỏi ghế: mỗi lần nhắc đến những kỷ niệm xưa, tớ như sống lại thời quá khứ. Tớ có 3 kỷ niệm sâu sắc. Thứ nhất, tất nhiên là sung sướng, tự hào đến tột cùng khi cùng đồng đội "vào hang bắt sống được con cọp đầu đàn". Tổ xung kích của đồng chí Tạ Quốc Luật, Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 cùng tớ - Hoàng Đăng Vinh - và Bùi Văn Nhỏ xông vào hang ổ cuối cùng của địch. Đồng chí Tạ Quốc Luật hạ lệnh cho địch bằng tiếng Pháp: “Giơ tay lên, hạ vũ khí xuống! Các ông đã bị bắt”. Toàn bộ sĩ quan Pháp giơ tay xin hàng, riêng Đờ Cát cố xé những tài liệu cuối cùng. Ngày 19/5/1954, tớ cùng các đại biểu là cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vinh dự được gặp Bác Hồ, chúc mừng sinh nhật Bác và báo cáo với Người về kết quả chiến dịch. Hôm sau, ngày 20/5/1954, theo đề nghị từ đoàn làm phim của đạo diễn người Nga Rô-man Các-Men, tớ lại có cuộc đối mặt với tướng Đờ-Cát lần thứ hai, trong một khu rừng thuộc tỉnh Thái Nguyên. Hai lần đối mặt, chúng tớ đều với tư cách những người chiến thắng. Cảm động nhất, bất ngờ nhất, kỷ niệm có một không hai là khi tớ và nhiều đại biểu được vinh dự gặp trực tiếp gặp Bác Hồ sáng 19/5/1954. Khi nhìn thấy Bác, tớ và các anh em mừng đến nỗi quên cả lễ nghi, phép tắc vội reo lên và chạy tắt theo lối gần nhất để đến bên Bác. Thấy cảnh này, Bác cười rất đôn hậu: “Các chú phải đi đúng đường để các nhà báo còn tác nghiệp chứ”. Khi các chiến sĩ ngồi quây quần xung quanh, Bác Hồ nói, Chính phủ và Bác rất vui vì các chú đã lập công trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng các chú phải khiêm tốn, không được chủ quan vì nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề. Cảm động hơn nữa là khi Bác Hồ trao Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cho các chiến sĩ, Người hỏi: “Ở đây chú nào trẻ nhất?”. Một chiến sĩ vội thưa: “Thưa Bác, chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh trẻ nhất, mới 19 tuổi ạ”. Bác cười: “Vậy để Bác gắn Huy hiệu Điện Biên cho chú Vinh trước tiên”. Vì quá sung sướng và xúc động, lúc Bác gắn huy hiệu, tớ cứ đứng ngay "như khúc gỗ" mà quên mất động tác chào của quân đội. Bác Hồ phải nhắc: "Chú Vinh chào đi chứ”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ hơn chục ngày, nhân kỷ niệm 64 năm ngày sinh nhật Bác, tớ lại được về An toàn khu để gặp Người. Bác Hồ đã hỏi thăm hoàn cảnh gia đình và trình độ văn hóa của từng chiến sĩ. Đến lượt mình, tớ thành thật thưa với Bác rằng  “Vì nhà nghèo, lại đông anh em nên cháu mới chỉ biết đọc, biết viết trước khi vào bộ đội”. Nghe vậy, Bác nói: “Hễ có điều kiện là chú phải học, như thế mới tiến bộ được”. Tớ ghi nhớ câu dặn dò của Bác suốt mấy chục năm qua và cố gắng làm theo lời Bác. Đây là cảm xúc để tớ sáng tác bài thơ “Dâng hoa lên Người” trong đó có những câu  "Lời của Bác năm ấy/Rung động trái tim con/Bảo cho con chân lý/Dạy con biết làm người/Nay đã ngoài tám mươi/Vượt biết bao gian khó/Con hoàn thành nhiệm vụ…”.
Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ là nhắc đến tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tớ có một kỷ niệm sâu sắc nữa trong đời không bao giờ quên. Đó là cuộc gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.  Tại cuộc gặp gỡ với Bác Hồ thì cũng là lần đầu tớ được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuộc gặp, Đại tướng hỏi “Làm thế nào để chỉ huy được tiểu đội?”. Tớ thành thật trả lời: “Em bắt chước những tiểu đội trưởng đi trước và trong mọi trận đánh em đều lao lên trước”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe xong rồi khen: “Đồng chí Vinh như thế là dũng cảm. Nhưng nhớ vừa học tập những người đi trước, cũng cần phải biết sáng tạo để chiến đấu có hiệu quả”. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tớ có vinh dự được gặp Đại tướng lần nữa và cũng là lần cuối. Trong cuộc gặp gỡ này, Đại tướng xúc động nói: “Sau 50 năm còn gặp lại nhau thế này là hạnh phúc lắm rồi”. 
Năm nay vừa tròn 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Càng đến ngày 7/5, càng nhớ người anh hùng của quê hương yêu dấu.      
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan