Trước đây với bán lẻ thuốc (nhà thuốc) không có khái niệm kê khai giá bán lẻ nhưng trong dự luật mới sẽ phải kê khai giá bán lẻ với cơ quan quản lý trên địa bàn và niêm yết giá trên sản phẩm.
Ông Chu Đăng Trung - Trưởng phòng pháp chế-hội nhập, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Một trong những điểm nhấn của Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Dược lần này đó là quản lý chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và đảm bảo tính đặc thù của Luật Dược.
Ông Chu Đăng Trung - Trưởng phòng pháp chế-hội nhập, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã thông tin về những điểm chính trong Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Dược 2016 tại Hội thảo Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số, do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 19/10, tại Hà Nội.
Theo đó, nguyên tắc quản lý giá thuốc phải đảm bảo theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định pháp luật; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và Nhà nước.
Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi vẫn sẽ giữ nguyên quy định về "kê khai giá thuốc trước khi lưu hành," đổi thuật ngữ "kê khai giá" thành "công bố giá."
Theo ông Trung việc công bố giá dự kiến đối tượng là thuốc kê đơn, áp dụng với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu; còn kê khai giá theo Luật Giá là thuốc thiết yếu, áp dụng với cơ sở bán buôn, bán lẻ. Cơ quan tiếp nhận công bố giá là Bộ Y tế, còn kê khai giá là Sở Y tế.
Mục tiêu công bố giá là công khai giá trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, việc công khai giá dự kiến làm cơ sở cho các cơ sở kinh doanh không được vượt quá giá mà cơ sở sản xuất, nhập khẩu công bố giá dự kiến.
"Các biện pháp quản lý giá thuốc là niêm yết giá bán buôn, giá bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật về giá. Bình ổn giá thuốc theo quy định của pháp luật về giá. Hiệp thương giá thuốc theo quy định của pháp luật về giá. Đàm phán giá thuốc đối với các gói thầu mua thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Quy định số lượng bán lẻ tối đa đối với thuốc bán tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập," ông Trung thông tin.
Về vấn đề quản lý giá thuốc, bà Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay đây là vấn đề cực kỳ khó khăn và nội dung rất lớn của dự luật đồng thời cũng là vấn đề được người dân, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất rất quan tâm. Bởi thuốc là mặt hàng rất đặc biệt, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân.
Các đại biểu tham gia trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bà Hà nêu rõ việc công bố giá và công bố giá dự kiến là rất chính xác. Khi đó, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sẽ công bố giá với thuốc kê đơn. Các doanh nghiệp không được bán cao hơn doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu công bố.
"Đây là biện pháp quản lý giá nhưng với lĩnh vực cạnh tranh thị trường sẽ có doanh nghiệp nêu ý kiến tại sao không được bán cao hơn giá của ông. Bởi cùng là doanh nghiệp, sự bình đẳng về cạnh tranh thị trường. Tuy nhiên, đây là biện pháp Bộ Y tế đưa ra được luật hóa và là biện pháp kế thừa quy định trước đây, thay bằng kê khai giá thì thực hiện công bố giá," bà Hà nhấn mạnh.
Bà Hà cũng chỉ rõ trước đây với bán lẻ thuốc (nhà thuốc) không có khái niệm kê khai giá bán lẻ nhưng trong dự luật mới sẽ phải kê khai giá bán lẻ với cơ quan quản lý trên địa bàn và niêm yết giá trên sản phẩm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận xung quanh nhiều nội dung về thương mại điện tử trong kinh doanh dược phẩm, nhà thuốc, công bố giá bán buôn, kê khai giá, niêm yết giá, các biện pháp quản lý giá, kê đơn thuốc điện tử, khám, chữa bệnh từ xa…
Đặc biệt, hội thảo có nhiều nội dung cùng các tham luận xoay quanh chủ đề về sửa đổi bổ sung Luật Dược, ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, đơn thuốc điện tử, bình ổn giá thuốc, bán thuốc trên nền tảng trực tuyến…/.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/