Từ tháng 1/1950, sau trận càn lớn về huyện Ân Thi, xã Thổ Hoàng (thị trấn Ân Thi bây giờ) chìm trong tăm tối bởi sự đàn áp dã man của thực dân Pháp và bọn tay sai. Hơn 1 năm sau, chúng đàn áp Nhân dân và cơ sở cách mạng, lập các làng tề và bộ máy ngụy quân, ngụy quyền tay sai ở tất cả các thôn trong xã, xây dựng 1 bốt tổng dũng, 6 bốt hương dũng. Chúng bắt nhiều người đi lính, vào tổ chức phản động, bắt nhiều gia đình phải vào các tổ chức tôn giáo của chúng. Phong trào chiến đấu bám đất giữ làng ở Thổ Hoàng sôi sục. Vừa chiến đấu giữ làng, nhiều người con quê hương Thổ Hoàng lên đường vào các chiến trường chiến đấu chống thực dân Pháp.
Ông Nguyễn Văn Giang năm nay tròn 90 tuổi, ở thôn Bình Trì, nhớ lại: Ngày ấy, làng, xã bị thực dân Pháp chiếm đóng, bố tôi bị chúng bắt đi đày ở nhà tù Hỏa Lò. Với suy nghĩ, nếu mình ở nhà sẽ bị chúng bắt đi lính nên tôi xung phong đi bộ đội. Tháng 5/1953, 19 tuổi, ông Giang trở thành chiến sĩ thuộc Sư đoàn 308. Sau khi huấn luyện tại tỉnh Phú Thọ, đơn vị ông hành quân bộ 1 tháng lên đến Điện Biên Phủ. Trong hồi ức của ông Giang, trong trận đánh đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ vào cụm cứ điểm Him Lam, ông đã gặp và cùng chiến đấu với người chú ruột của mình. Các trận đánh rất ác liệt, trong đó, trận đánh ở đồi A1, ta và địch giằng co từng chút một, trong 1 ngày chúng phản kích hàng chục lần. Nhìn đồng đội cáng các chiến sĩ hy sinh, bị thương, bộ đội ta càng quyết tâm xông lên. Phút giây sung sướng nhất với ông trong những ngày tham gia chiến dịch là chứng kiến Tướng De Castries bị bắt sống đi từ dưới hầm chỉ huy lên. Khi đó, quân ta hò reo không ngớt. Cũng sau chiến dịch này, với những thành tích cá nhân, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Trong những ngày cả nước hướng về chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gợi lại trong ông về những ngày cùng đồng đội và Nhân dân cả nước không tiếc máu xương để làm nên chiến thắng vĩ đại, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc.
Ông Vũ Huy Lãng (người thứ 3 bên phải)
Cùng lứa tuổi với ông Giang, năm 1948, 18 tuổi, ông Vũ Huy Lảng, ở thôn Hoàng Cả trở thành chiến sĩ của Sư đoàn 316, hành quân lên Việt Bắc tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những ngày tháng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc chiến đấu, lúc tải thương, khi giải tù binh, quản lý tù binh, vận tải lương thực, thực phẩm phục vụ chiến đấu, nhiệm vụ nào ông và đồng đội cũng không hề nao núng, quyết tâm cho chiến dịch lịch sử nhằm kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ông kể lại, những tên lính Pháp rất cao to, khi bị dẫn giải, chúng đi nhanh nên chúng tôi phải bắt chúng cởi giày ra đi chân đất. Chúng nói bằng tiếng Việt, các anh cứ bình tĩnh, chúng tôi không làm gì cả.
Ông Lảng nhớ lại, có lần làm nhiệm vụ ở Bản Kéo, điểm thả dù tập trung chi viện lực lượng, phương tiện, thực phẩm, thuốc men cho cứ điểm đồi Độc Lập của địch, tôi thấy trước khi thả cầu hàng không, chúng bắn pháo sáng để kiểm tra, dọn bãi, sau khoảng 1 giờ lực lượng đổ bộ mới đến. Ông Lảng cùng đồng đội có nhiệm vụ phục kích đón lõng đánh lực lượng đó. Tuổi cao, người chiến sĩ Điện Biên năm nào nay đã 94 tuổi nên không còn nhớ được nhiều nhưng ánh mắt ông vẫn ngời sáng khi nhắc đến chiến thắng, cảm thấy một thời thanh xuân đẹp đẽ, ý nghĩa trong cuộc đời ùa về.
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân Thổ Hoàng (1930-1995), trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhân dân xã Thổ Hoàng đã có 227 thanh niên tình nguyện nhập ngũ, trong đó có 27 đồng chí trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, 2 chiến sĩ vĩnh viễn an nghỉ trên mảnh đất oanh liệt ấy. Trong số 227 thanh niên lên đường chiến đấu có 65 đồng chí hy sinh anh dũng được Nhà nước phong tặng, truy tặng liệt sĩ. Tấm gương gia đình cụ Lâm Quang Vượng có 3 người con, cả 3 đều nhập ngũ và hy sinh anh dũng; cụ Nguyễn Thị Đạm chỉ có một người con độc nhất cũng nhập ngũ và hy sinh cho Tổ quốc, lịch sử mãi còn ghi.
Cùng với toàn dân kháng chiến, xã Thổ Hoàng có 245 cán bộ, đảng viên, du kích và quần chúng trung kiên trực tiếp tham gia chiến đấu tại địa phương, có 5 đồng chí đã hy sinh và được suy tôn liệt sĩ. Nhân dân đã tham gia hàng chục trận chiến đấu chống càn và phục kích đánh địch, tham gia bao vây, phá đồn bốt địch, cùng toàn dân san bằng các bốt tổng dũng, hương dũng, đập tan bộ máy nguỵ quân, nguỵ quyền… Nhân dân xã Thổ Hoàng tham gia hàng nghìn công đắp ụ, phá đường, đào hào để ngăn cản cuộc hành quân càn quét của địch; đóng góp gần 200 tấn thóc và 22 vạn đồng tiền thuế cho Nhà nước; may 100 bộ quần áo tặng chiến sĩ; nhiều gia đình nuôi giấu cán bộ, bộ đội cùng nhiều việc làm khác ủng hộ kháng chiến. Ghi nhận những đóng góp đó, thị trấn Ân Thi có 4 gia đình được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, huy chương Kháng chiến các loại; 2 gia đình được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; 5 gia đình được tặng Bằng khen của Chính phủ; 250 gia đình được tặng bằng Bảng vàng danh dự và gia đình vẻ vang; 56 cán bộ, du kích được tặng thưởng huân, huy chương Kháng chiến các loại…
Thị trấn Ân Thi ngày nay, xã Thổ Hoàng xưa kia nay đã đổi thay muôn màu. Những ngày tháng cả nước hướng về Điện Biên Phủ, nơi diễn ra chiến dịch lịch sử cách đây 70 năm kết thúc sự có mặt của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam, ôn lại lịch sử để thế hệ trẻ hôm nay thêm trân trọng sự hy sinh anh dũng của quân và dân quê hương mình, tự hào về thế hệ cha anh góp phần viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc để phấn đấu rèn luyện, học tập, lao động, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn