KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 28/06/2018 - Lượt xem: 665
Những vấn đề chung về lễ hội: Một số khái niệm liên quan đến lễ hội

Yếu tố thiêng là hạt nhân cốt lõi của mỗi lễ hội. Nhân dân tin tưởng những người/vật/đồ vật đó đã trở thành Thần thánh, không chỉ có thể phù hộ cho họ trong những khía cạnh mà sinh thời người/vật/đồ vật đó đã thực hành: chữa bệnh, làm nghề sản xuất, đánh giặc... mà còn có thể giúp họ vượt qua những khó khăn đa dạng hơn, phức tạp hơn của đời sống. Chính tính "thiêng" ấy đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trong những thời điểm khó khăn, cũng như tạo cho họ những hy vọng vào điều tốt đẹp sẽ đến.

Màn múa lân tại lễ hội Đền Phù Ủng (Hưng Yên)

Tính thiêng

Ở các làng xã, việc thờ cúng thần linh được coi là quan trọng và linh thiêng, luôn gắn với lễ hội một cách chặt chẽ, nó được hòa quyện vào các hành động của lễ hội, nhằm củng cố tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng, là sợi dây liên kết giữa thần linh và con người ở làng xã.

Theo Từ điển tiếng Việt, thì thiêng: “Có phép lạ làm được những điều khiến người ta phải kính sợ theo mê tín” và thiêng liêng: “Được coi là cao quý đáng trân trọng hơn hết”.

Yếu tố thiêng là hạt nhân cốt lõi của mỗi lễ hội. Nhân dân tin tưởng những người/vật/đồ vật đó đã trở thành Thần thánh, không chỉ có thể phù hộ cho họ trong những khía cạnh mà sinh thời người/vật/đồ vật đó đã thực hành: chữa bệnh, làm nghề sản xuất, đánh giặc... mà còn có thể giúp họ vượt qua những khó khăn đa dạng hơn, phức tạp hơn của đời sống. Chính tính "thiêng" ấy đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trong những thời điểm khó khăn, cũng như tạo cho họ những hy vọng vào điều tốt đẹp sẽ đến.

Ở mỗi một di tích, lễ hội, người dân bao giờ cũng phải tìm ra được một lý do mang tính "thiêng" nào đó của vị “Thần thánh”. Đó là người anh hùng đánh giặc bị tử thương, ngã xuống mảnh đất ấy, lập tức được mối đùn lên thành mộ. Đó là nơi một người anh hùng bỗng dưng hiển thánh, bay về trời. Cũng có khi đó chỉ là một bờ sông, nơi có một xác người chết đuối, đang trôi bỗng nhiên dừng lại, không trôi nữa; dân vớt lên, chôn cất, hiển linh, được dân thờ phụng... Cũng có khi lễ hội chỉ hình thành nhằm ngày sinh, ngày mất của một người có công với làng, với nước, ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác (có người chữa bệnh, có người dạy nghề, có người đào mương, có người trị thủy, có người đánh giặc...).

Kiêng, kỵ, hèm

Để tính thiêng trong lễ hội luôn được giữ gìn, củng cố, người xưa đã nhận ra hạt nhân quan trọng này luôn luôn cần có chế độ bảo vệ lâu dài. Một trong những phương cách bảo vệ hữu hiệu được sự chấp thuận của cộng đồng trong lịch sử tới ngày nay chính là những kiêng, kỵ, hèm.

Chính người dầân với quan niệm có thờ có thiêng, có kiêng có lành đã góp phần tồn lưu những kiêng, kỵ, hèm tục trong đời sống của họ.Họ bị những điều kiêng kỵ của thế hệ trước quy định và điều chỉnh trong mọi hoạt động thường ngày và cũng chính họ là lực lượng tiếp tục duy trì và phổ biến những điều kiêng kỵ đó cho thế hệ nối tiếp. Hành trình này lâu dần trở thành tập quán.

Kiêng là sự dè chừng, cảnh giác của mọi người trong cộng đồng đối với những sự vật, hiện tượng diễn ra trong cuộc sống. Kiêng giúp người ta sống an toàn hơn nhờ những lời cảnh báo, khuyên nhủ của thế hệ tiền nhân.

- Kỵ

Kỵ cũng là sự tránh né, dè chừng nhưng được diễn ra có ý thức cao hơn kiêng. Như vậy trong sự kỵ đã bao hàm cả những yếu tố kiêng. Kỵ còn được hiểu là cấm kỵ - nghiêm cấm không được vi phạm. Nếu cố làm trái đi, người đó sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu. Thông thường, những điều cần kiêng trong cuộc sống diễn ra nhiều và phổ biến hơn những điều cần kỵ. Người ta thường kiêng một số vật và đồ vật nhất định, ví dụ như kiêng mang đồ vật sắc nhọn, vũ khí theo mình. Bên cạnh đó, một số đối tượng là người và vật cũng thuộc loại phải kiêng như người mới có tang, phụ nữ trong thời gian mang thai, những người làm nghề giết mổ. Một số hành động trong ăn uống, sinh hoạt, lao động sản xuất, vui chơi, tế tự cùng bị kiêng né khá cụ thể. Việc kiêng gọi tên húy của vị thần, vua chúa, tổ tiên, người cao tuổi trong dòng họ... cũng được thực hành với thái độ nghiêm cẩn và đề phòng rất thận trọng.

Từ thực tế cuộc sống, những kiêng kỵ thường gặp được người dân xử lý uyển chuyển bằng cách nói lái, nói chệch hoặc tìm từ đồng nghĩa thay thế cho những từ cần phải tránh là điều rất phổ biến.

Ví dụ: Con cháu kiêng không nói tên ông bà, cha mẹ. Nếu trong cuộc sống thường ngày có những tiếng trùng với tên của các bậc này, con cháu sẽ gọi tránh đi, hoặc tìm một tiếng đồng nghĩa để thay vào. Chẳng hạn Thanh Đàm được gọi là Thanh Trì, thịt đông gọi là thịt đặc, hoàng gọi là huỳnh, hoa gọi là huê, xuân gọi là xoan, quả bưởi gọi là quả bòng, ...

Đối với tổ tiên là các vị đã khuất, sự kiêng tên càng được giữ gìn hơn. Khi con cháu làm một điều gì không phải, bị người khác gọi tên ông bà, cha mẹ đã khuất ra mà réo chửi thì bị coi là một điều tủi hổ, sỉ nhục cho gia đình và dòng họ, có thể gây nên thù oán sâu đậm. Để tránh cho người khác khỏi xúc phạm đến tổ tiên mình, mọi người đều giữ gìn trong điều ăn nếp ở, cố làm sao không gây bất cứ sự đụng chạm nào.

Trong lúc cúng giỗ phải khấn đến tên tổ tiên, người ta cũng lâm râm khấn rất khẽ, e khấn to có người nghe tiếng là phạm tội bất kính.

Các con cháu nhỏ không được biết tên tổ tiên sợ chúng nhắc bậy bạ phạm tội đến các người, gây điều bất hiếu cho cha mẹ. Trước khi đặt tên, các con, bố mẹ phải kiêng không được đặt tên của tổ tiên.

Đối với thành hoàng làng, người ta cũng kiêng không gọi thẳng tên ra hoặc tránh đặt tên trùng với tên thành hoàng (ví dụ Thánh Tam Quang được gọi chệch là đức Thánh Tơm Cuông). Sự kỵ về cách đặt tên, gọi tên còn đúng cả trong trường hợp tên vua hay hoàng tộc. Trong những giai đoạn lịch sử nhất định, việc phạm húy tên của vua và hoàng tộc còn bị coi là tội, phải chịu quở trách hoặc nặng hơn thì phạt theo luật.

Kiêng kỵ trong những ngày đầu năm, đầu tháng; kiêng trong ma chay, cưới xin, cúng giỗ; kiêng kỵ trong học hành, chữa bệnh; kiêng kỵ trong xuất hành, buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt, ăn uống, làm nhà dựng cửa; những kiêng kỵ dành riêng cho đàn bà, con gái; những kiêng kỵ đối với tên gọi cơ thể người và các con vật; những kiêng kỵ đối với thiên nhiên, đối với các vật dụng trong gia đình; những kiêng kỵ gắn với tôn giáo tín ngưỡng; những kiêng kỵ trong truyền nghề, dạy nghề...

Có thể nói kiêng kỵ đã chứa đựng trong nó rất nhiêu tri thức dân gian về mọi lĩnh vực trong cuộc sống và lao động của con người nhằm mục đích bảo vệ - khuyến cáo con người tránh khỏi những bất trắc và tạo ra nét văn hóa trong cộng đồng.

- Hèm

Hèm được coi là biểu hiện cao nhất của khái niệm kiêng, kỵ. Hèm thường đi kèm với những hoạt động mang tính cộng đồng cao như việc cúng tế thành hoàng làng và thể hiện tập trung qua lễ hội. Thông thường, hèm của mỗi làng là những hành động, nghi lễ mang tính bí mật, riêng tư gắn với lai lịch vị thần làng đang được thờ phụng. Những hèm đó có chung đặc điểm là bí mật riêng, phải giấu giếm đối với người ngoài cuộc (cộng đồng khác) và giấu giếm với chính quyền trung ương (dưới thời phong kiến). Chính các nghi lễ hèm đã tạo ra dấu ấn riêng cho cộng đồng sở hữu nó và trở thành niềm tin linh thiêng khi oai linh của các vị thần có hèm phù trợ cho cộng đồng an lành, thịnh vượng.

Nếu như kiêng có tính khá phổ biến trong xã hội, kỵ có tính ít phổ biến hơn thì hèm là một đặc sản riêng. Có lẽ đến nay, chưa có một tổng kết nào trong nghi lễ thờ phụng mà lại có hèm trùng nhau, cho dù cùng chung một đối tượng thờ phụng. Đã có một thời, hèm bị coi là sản phẩm điển hình của mê tín dị đoan, song thực chất, chính hèm lại là nơi chứa đựng nhiều nghi lễ, phong tục cổ, những lớp văn hóa sớm hơn, thô sơ, mộc mạc, khi xã hội loài người còn non thơ trước cuộc sống đầy bất trắc.

Kiêng kỵ là hiện tượng phổ biến trong đời sống nông thôn Bắc Bộ. Đặc biệt, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, việc kiêng kỵ được người dân tuân thủ khá nghiêm với tinh thần tự giác. Cộng đồng mỗi làng xã khép kín sau lũy tre xanh dường như đều có những bí mật kiêng kỵ rất riêng tư. Do vậy, những lực lượng ngoài cộng đồng không dễ gì thâm nhập vào thế giới kiêng kỵ riêng tư đó. Tuy nhiên, một hiện tượng trái ngược cũng thường xảy ra. Có khi, việc kiêng kỵ tại cộng đồng này lại không có ý nghĩa hay giá trị gì với cộng đồng khác, dù cho hai cộng đồng này liền kề nhau về lãnh địa. Như vậy, vấn đề kiêng, kỵ, hèm cũng có những nét phổ quát và dị biệt khi đặt chúng trong bối cảnh làng xã cụ thể.

Mê tín dị đoan

Trong thực hành văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng, người ta còn thấy xuất hiện nhiều lần cụm từ mê tín dị đoan. Theo cách hiểu phổ biến của người dân cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, cụm từ này mang hàm nghĩa tiêu cực trong đời sống xã hội. Theo Từ điển tiếng Việt: “Mê tín: tin một cách mù quáng vào cái thần bí, vào những chuyện thần thánh, ma quỷ, số mệnh. Dị đoan: điều quái lạ, huyễn hoặc do tin nhảm nhí mà có”.

Mê tín dị đoan dường như gắn kết với loài người xuyên suốt chiều dài lịch sử và xuất hiện trong tất cả truyền thống văn hóa khác nhau trên thế giới. Ngay trong thời hiện đại, mê tín dị đoan vẫn tồn tại phổ biến trong ý thức người dân khắp các châu lục. Khi con người cảm thấy bất an, vượt quá sự kiểm soát của bản thân thì tâm lý chung là họ sẽ tìm đến một điểm tựa tinh thần nào đó nhằm bù đắp phần thiếu khuyết - mà bản chất là khoảng trống sợ hãi trong tâm trí họ - bằng cách tin tưởng vào những điều huyền hoặc linh thiêng. Xuất phát từ trải nghiệm cá nhân và trải nghiệm tập thể, người ta sẽ cùng tìm đến một niềm tin mà thường được cụ thể hóa một cách dễ dãi bằng cụm từ mê tín dị đoan. Người ta có thể có những hành động mang tính mê tín dị đoan như đeo bùa, thực hiện một số hành động không bình thường, kiêng không sử dụng một số đồ vật ở những thời điểm nhất định...

Mê tín dị đoan được đánh giá là tác động ảnh hưởng đến những đối tượng khác nhau ở những mức độ không giống nhau. Phụ nữ có xu hướng mê tín dị đoan hơn so với nam giới. Dân gian gọi nhóm người này là yếu bóng vía hoặc nhẹ vía. Những người thường xuyên lo lắng, trầm cảm hoặc cảm thấy mình không làm chủ số phận khả năng mê tín nhiều hơn. Thậm chí, những người có đầu óc lý trí cứng nhắc cũng có thể rơi vào mê tín dị đoan trong một số trường hợp. Yếu tố môi trường xã hội cũng góp phần quan trọng nhất định, nếu ở trong một gia đình mê tín dị đoan, chúng ta sẽ có nhiều khả năng trở thành một phần trong niềm tin đó.

Mặc dù có cơ sở bất hợp lý, bản thân cụm từ mê tín dị đoan không chứa đựng nhiều nét nghĩa xấu/tiêu cực như cách hiểu thông thường. Mê tín dị đoan vẫn hữu ích trong một số hoàn cảnh. Chẳng hạn, có những niềm tin tâm linh mãnh liệt đã giúp con người vượt qua khó khăn, vượt qua mặc cảm về tâm lý trước những thử thách cam go trong quá trình mưu sinh, giúp bệnh nhân chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo... Mê tín có thể có lợi cũng như gây hại tùy vào mục đích sử dụng và mức độ tin tưởng của con người. Đặc biệt, những hiện tượng được quy về mê tín dị đoan gắn với lễ hội được coi là phần phái sinh trong lễ hội, lợi dụng thời điểm địa phương tổ chức lễ hội để hành nghề đều bị nghiêm cấm, bao gồm: hành nghề mê tín dị đoan như xem số, xem bói, gọi hồn, cầu cơ, sấm truyền, yểm bùa, trừ tà, phù phép chữa bệnh; tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã.

Tệ mê tín dị đoan vẫn tiếp diễn phức tạp trong đời sống xã hội. Cuộc đấu tranh bài trừ tệ nạn này cần sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và ý thức tự giác của mỗi người dân.

Nguồn: Hướng dẫn quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống ở cơ sở, Phạm Lan Oanh - Nguyễn Hoàng, NXB CTQG - ST, Hà Nội, 2015

(Phòng VHVN sưu tầm)

 

Tin liên quan