Cục Văn hóa cơ sở thống kê các loại lễ hội trên địa bàn cả nước và chia thành các loại như sau: lễ hội dân gian; lễ hội tôn giáo; lễ hội lịch sử cách mạng; lễ hội du nhập từ nước ngoài và một số lễ hội khác...
Nghi lễ rước kiệu Thánh, rước Ngựa của Thánh tại lễ hội truyền thống xã Cửu Cao (Văn Giang, Hưng Yên)
Phân loại lễ hội
Lễ hội được các nhà khoa học phân thành nhiều loại khác nhau. Có thể phân loại lễ hội theo niên đại, gần gũi với phân kỳ lịch sử dân tộc Việt Nam, hoặc phân loại lễ hội theo từng thành tố riêng biệt, hay theo cấu trúc và các thành tố khác nhau. Tuy nhiên, dù phân loại theo tiêu chí lựa chọn nào, cũng đều có những yếu tố hợp lý và hạn chế nhất định. Trong tư cách là đối tượng quản lý, các lễ hội hiện nay đang chưa có sự thống nhất về tên gọi trong các văn bản pháp lý.
Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 gọi đối tượng là lễ hội truyền thống. Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo gọi đối tượng là lễ hội tín ngưỡng. Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/1/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng gọi đối tượng là lễ hội dân gian.
Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) là cơ quan quản lý nhà nước về lễ hội, thống kê các loại lễ hội trên địa bàn cả nước và chia thành các loại như sau:
Lễ hội dân gian gồm có 7.039 lễ hội, chiếm 88, 36%.
Lễ hội tôn giáo gồm có 5.449 lễ hội, chiếm 6,82%.
Lễ hội lịch sử cách mạng gồm có 332 lễ hội, chiếm 4,16%.
Lễ hội du nhập từ nước ngoài gồm có 10 lễ hội, chiếm 0,12%.
Lễ hội khác có 40 lễ hội, chiếm 0,50%.
Tổng cộng cả nước có 327 lễ hội do cấp tỉnh quản lý. Cấp bộ quản lý 8 lễ hội.
Theo cách gọi đã nêu trên, có thể hiểu lễ hội dân gian đồng nhất với khái niệm lễ hội truyền thống vì đây là những lễ hội gắn bó mật thiết nhất đối với đời sống văn hóa tinh thần của đại đa số người dân ở khắp các vùng miền Việt Nam.
Giá trị lễ hội
Giá trị của lễ hội truyền thống được khẳng định trên nhiều phương diện cuộc sống, cuốn hút và hấp dẫn, được xã hội thừa nhận và trở thành một nhu cầu chính đáng của người dân. Những yếu tố tích cực, sống động của lễ hội góp phần bảo vệ sự đậm đà của bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhà nước Việt Nam khuyến khích các tổ chức cộng đồng, cá nhân tham gia tổ chức lễ hội nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Những giá trị tiêu biểu của lễ hội truyền thống được biết đến đó là tính cộng đồng và sự cố kết cộng đồng. Giá trị này thể hiện ở tính chất toàn bộ, toàn thể các hoạt động diễn ra trong suốt quá trình tổ chức và điều hành, quản lý lễ hội. Sức mạnh cộng đồng gắn với những cộng đồng cụ thể dù lớn hay nhỏ vẫn thể hiện vốn liếng văn hóa, sức mạnh văn hóa để tạo sự cố kết to lớn, để các cá thể trong cộng đồng có thể cộng mệnh, cộng cảm với nhau (chữ dùng của GS.TS. Ngô Đức Thịnh). Trong xã hội ngày nay, giá trị này càng có ý nghĩa lớn lao và vị thế quan trọng.
Giá trị khác của lễ hội truyền thống là tính tự quản, tinh thần dân chủ trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa cũng hết sức được đề cao. Lễ hội truyền thống của dân, do dân mà có và quay trở lại phục vụ nhu cầu thiết thực cho đời sống văn hóa, tín ngưỡng... của người dân. Dân tự tổ chức, tự điều hành, tự dàn xếp để lễ hội tại địa phương diễn ra êm xuôi, tốt đẹp, hoan hỉ cho nhiều đối tượng trong cộng đồng của họ.
Bằng những cách vận động quy ước cụ thể, bằng những tác động lên lòng tự hào, tự tôn của từng người dân, từng gia đình – dòng họ, xóm ngõ mà lễ hội trở thành một trong những nơi chốn, thời điểm để con người làng xã tham gia sáng tạo, tái hiện và hưởng thụ các nhu cầu văn hóa tinh thần chính đáng, thể hiện mối quan hệ giữa người với người, người với thần thánh, người với thiên nhiên (đại tự nhiên) và dĩ nhiên không thể thiếu mối quan hệ của con người với chính bản thân mình. Những giá trị đó thể hiện tinh thần dân chủ, tính tự quản một cách có ý thức nhưng tự nhiên, không gượng ép.
Giá trị cân bằng đời sống tâm linh được chú trọng trong lễ hội. Thông qua các dịp tổ chức lễ hội, con người sống trong cộng đồng được thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh, gắn với khái niệm thiêng liêng và phần nào giúp họ có được cảm giác thăng hoa trong cuộc sống. Không gian thiêng, thời gian thiêng của dịp lễ hội được coi là thời điểm mạnh góp phần tạo ra sự đối lập cân bằng cho con người vốn gắn nhiều với nhu cầu thực dụng của đời sống trần tục.
Một giá trị khác của lễ hội truyền thống không thể không nhắc đến, đó là tinh thần hứớng về cội nguồn. Ngày nay, khi xã hội có nhiều biến đổi quan trọng thì giá trị này càng có ý nghĩa to lớn. Thông qua hoạt động lễ hội, con người có xu hướng hướng về nơi chôn rau cắt rốn trong tâm thế “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”… Người dân tham dự lễ hội cũng có nghĩa là trở về nguồn gốc quê hương bản quán hoặc gắn với các cuộc hành hương - du lịch. Trở về nguồn cội thông qua lễ hội còn là cách con người trở về với Bà Mẹ Tự Nhiên vĩ đại, hòa nhập phần nào với môi trường tự nhiên và truyền thống lịch sử xa xưa của dân tộc. Hướng về cội nguồn góp phần tạo nên tính nhân bản cho các lễ hội truyền thống.
Lễ hội truyền thống góp phần quan trọng trong công cuộc bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Giữ được bản chất đích thực của lễ hội truyền thống tức là giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc không bị hòa nhập, hòa tan trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa, kinh tế thế giới.
Lễ hội truyền thống đang phục hồi mạnh mẽ và được cả xã hội quan tâm từ nhiều góc độ. Trong mối quan hệ đa chiều với các lĩnh vực khác của đời sống hiện nay, việc giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống đòi hỏi việc tìm hiểu, nghiên cứu, quản lý, tổ chức... để công cuộc chọn lọc và bảo tồn, phát huy những giá trị tích cực của lễ hội truyền thống phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng hiện nay là một việc cần thiết.
Nguồn: Hướng dẫn quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống ở cơ sở, Phạm Lan Oanh - Nguyễn Hoàng, NXB CTQG - ST, Hà Nội, 2015
(Phòng VHVN sưu tầm)