KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 24/05/2017 - Lượt xem: 215
Nội dung cơ bản của luật đấu giá tài sản

Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các sở, ngành trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân năm 2017. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đăng nội dung phối hợp tuyên truyền với Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên

Ngày 17/11/2016 tại kỳ họp thức hai Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Đấu giá tài sản gồm 8 chương 81 điều. Đối tượng áp dụng của Luật đó là Đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản; tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá và cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.

So với quy định hiện hành của pháp luật về bán đấu giá tài sản, Luật Đấu giá tài sản có nhiều điểm mới, quy định rõ ràng, cụ thể hơn, chi tiết, đầy đủ hơn về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; các loại tài sản bán đấu giá; đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Đồng thời Luật cũng đã quy định việc thực hiện chuyển tiếp trong thời gian từ nay đến ngày Luật có hiệu lực thi hành là ngày 01/7/2017.

Theo Luật Đấu giá tài sản thì tài sản phải bán thông qua đấu giá bao gồm: Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật; Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia; Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện; Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; Các tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.

Cũng như quy định hiện hành, Luật Đấu giá tài sản quy định các tổ chức Đấu giá tài sản bao gồm: Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và Doanh nghiệp đấu giá tài sản. Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản là đấu giá viên. Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản được Luật quy định rõ. Doanh nghiệp đáp ứng quy định gửi một bộ hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động đấu giá tài sản đến Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để đăng ký hoạt động. Doanh nghiệp đấu giá tài sản được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Luật cũng đã quy định các trường hợp Doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp và công bố thông tin về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp; thông báo bằng văn bản đến cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động và báo cáo Bộ Tư pháp.

Về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Luật quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC). Quy định này nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của VAMC trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế. Đồng thời, yêu cầu đặt ra là Luật phải quy định một cách chặt chẽ, minh bạch, khách quan, tránh thất thoát tài sản Nhà nước; tăng cường trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu của tổ chức này. Về nghĩa vụ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam ngoài các nghĩa vụ như yêu cầu cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành nhằm đề cao trách nhiệm cá nhân còn phải thực hiện việc đấu giá tài sản theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá và chịu trách nhiệm về kết quả đấu giá; ban hành Quy chế cuộc đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá và quy định khác của pháp luật có liên quan; mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên...

           Về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, trước đây phí đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh về phí và lệ phí và Pháp lệnh này đã được thay thế bằng Luật Phí và lệ phí có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, trong đó đã bỏ quy định về phí dịch vụ đấu giá tài sản và loại phí này cũng không nằm trong danh mục chuyển qua giá. Mặt khác, Luật Giá được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 nên không quy định về giá dịch vụ đấu giá tài sản. Tuy nhiên, trong đấu giá tài sản nhà nước và tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá (tài sản thi hành án, tang vật...) thì thù lao dịch vụ đấu giá do Nhà nước và người có tài sản thanh toán, do vậy, không thể để các tổ chức dịch vụ được thỏa thuận theo cơ chế thị trường như đấu giá tài sản tự nguyện của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, Luật Đấu giá tài sản được xây dựng theo hướng quy định thay thế phí dịch vụ đấu giá tài sản thành thù lao dịch vụ đấu giá, theo đó, khoản 1 Điều 66 quy định trường hợp đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo khung do Bộ Tài chính quy định, cơ chế giá dịch vụ khung không áp dụng đối với tài sản tự nguyện bán đấu giá của cá nhân, tổ chức.

Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2017 đến ngày 01/7/2017 sẽ không có văn bản pháp luật điều chỉnh việc thu phí dịch vụ đấu giá tài sản. Để tránh khoảng trống về mặt pháp lý, đảm bảo xử lý tài sản kịp thời, đặc biệt tài sản nhà nước và tài sản thi hành án, Luật đã quy định các vấn đề chuyển tiếp, trong đó quy định tại khoản 4 Điều 80 việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản; chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí dịch vụ đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản, chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản cho đến ngày 01 tháng 7 năm 2017. Chi phí đấu giá tài sản bao gồm chi phí niêm yết, thông báo công khai, chi phí thực tế hợp lý khác cho việc đấu giá tài sản do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận.

Theo quy định của Luật, Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đấu giá tài sản tại địa phương, bao gồm các nội dung sau: Tổ chức thi hành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đấu giá tài sản, chính sách phát triển nghề đấu giá tài sản; Tổ chức đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản; Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; Bảo đảm biên chế, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp có thu; hỗ trợ việc đảm bảo an ninh, trật tự cho cuộc đấu giá theo đề nghị của tổ chức đấu giá tài sản; Xem xét, phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ đối với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, đề án chuyển đổi Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành doanh nghiệp trong trường hợp không cần thiết duy trì Trung tâm, đề án giải thể Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp không có khả năng chuyển đổi Trung tâm thành doanh nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp; Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về tổ chức, hoạt động đấu giá tài sản trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền; Hàng năm báo cáo Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương và giúp UBND thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Tin liên quan