KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 29/06/2020 - Lượt xem: 70
Quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về việc đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, Bộ GD và ÐT cho rằng, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh và gia đình. Tuy nhiên, quản lý việc dạy thêm, học thêm như thế nào lâu nay vẫn là "bài toán khó" của ngành giáo dục.  

Thực tế lâu nay, hoạt động dạy thêm hầu hết đều mang tính tự phát, nên dễ phát sinh tiêu cực và khó quản lý. Nhiều trung tâm mọc lên không bảo đảm các yêu cầu về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, sĩ số học sinh… ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng, hiệu quả học tập. Và do chưa được cấp phép cho nên nhiều nơi, việc thầy giáo, cô giáo dạy thêm bị coi là bất hợp pháp. Hình ảnh và vị thế người thầy vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn nữa, do không có quy định chung nên mỗi địa phương quản lý một kiểu cũng khiến hoạt động dạy thêm, học thêm nảy sinh nhiều phức tạp, gây ra những ý kiến trái chiều. Do vậy, minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, học thêm bằng các quy định của pháp luật là việc làm cần thiết, để trên cơ sở đó sẽ có chế tài xử phạt đối với việc thực hiện dạy thêm, học thêm trái quy định. Từ đó, xử lý mạnh tay, minh bạch các sai phạm, góp phần hạn chế những biến tướng từ hoạt động dạy thêm, học thêm, đồng thời, đưa dạy thêm, học thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện buộc các trung tâm phải bảo đảm đúng và đủ các tiêu chí cần thiết như: bảo đảm an toàn cho học sinh, số phòng học, số tiết, số giờ được dạy, trình độ giáo viên… Như vậy sẽ góp phần hạn chế được các trung tâm tự phát mọc lên và việc dạy thêm, học thêm cũng sẽ có chất lượng hơn.
Đây là lần thứ hai Bộ GD và ÐT đề xuất đưa dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích của việc luật hóa hoạt động dạy thêm, học thêm là để tăng cường quản lý hoạt động này. Tuy nhiên, thiết nghĩ bên cạnh luật hóa, cần nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa từ nhiều phía để giải quyết triệt để những tiêu cực từ hoạt động dạy thêm tràn lan như hiện nay. Cụ thể, Bộ GD và ÐT cần rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải các môn văn hóa, tăng thêm giờ học thể dục và hoạt động giáo dục thể chất nhằm giảm phần nào áp lực học tập, thi cử của học sinh. Ðồng thời, các trường cần thực hiện mạnh mẽ vấn đề đổi mới nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh; tăng cường quản lý giáo viên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt xén chương trình đưa vào dạy thêm, hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Cùng với những nỗ lực từ các cơ quan có thẩm quyền, bản thân mỗi giáo viên cũng cần tự nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình để hoạt động dạy học, dù là trong nhà trường hay dạy thêm đều thật sự là hoạt động nghề nghiệp đúng nghĩa và từng bước xây dựng hình ảnh người thầy mẫu mực, yêu thương, tận tâm vì học sinh. Từ phía gia đình, các bậc phụ huynh không tạo áp lực học tập, thi cử quá lớn cho con em mình, đánh giá đúng năng lực của con, giúp con định hướng đúng đắn, từ đó, hạn chế học thêm tràn lan để có thành tích. Xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, hiệu quả cũng là tạo điều kiện giúp trẻ phát triển toàn diện.
Tin liên quan