Có thể nói Lễ hội Chử Đồng Tử là một trong những lễ hội dân gian lớn của tỉnh Hưng Yên thu hút đông đảo khách thập phương đến tham dự. Lễ hội Chử Đồng Tử đã làm giàu thêm kho tàng văn hóa phi vật thể của dân tộc, tạo một không gian tâm linh huyền ảo, nuôi dưỡng thêm khát vọng sống tự do hạnh phúc của con người.
Lễ hội của người Việt cũng như của nhiều dân tộc anh em là một bộ phận của Văn hóa Việt Nam. Khác các thể loại, loại hình còn lại của Văn hóa dân gian, lễ hội Văn hóa Dân gian là một hình thức sinh hoạt văn hóa tổng hợp. Nó chứa đựng tất cả những khát vọng, những ước muốn tâm linh vừa trần tục, vừa thiêng liêng, vừa thiết tha, vừa mãnh liệt của mọi người dân, mọi thời đại.
Trong dòng chảy của thời gian, với sự bồi đắp của nền văn hóa đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi đó đã có một lễ hội in dấu đặc sắc trong lòng người dân đất Việt kể về một thiên tình sử lãng mạn của chàng trai Chử Đồng Tử nghèo khổ nên duyên kỳ ngộ với một công chúa quyền qúy Tiên Dung. Lễ hội nơi đây phản ánh ước vọng lớn lao của con người, hàm chứa một chiều sâu triết lý, quan niệm lành mạnh của nhân dân về hạnh phúc lứa đôi: hôn nhân không phân biệt sang hèn, sự sung túc giầu sang của cuộc đời phải được tự tạo dựng bằng bàn tay khối óc của con người. Trong tâm thức, nhân dân coi Chử Đồng Tử như một anh hùng văn hoá, một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” của Việt Nam, có công khai phá đầm lầy, xây dựng xóm làng.
Chính vì những lý do ấy, đã hình thành nên tục thờ Chử Đồng Tử của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trong năm, các đình, đền, miếu của các làng thuộc một vùng rộng lớn thuộc các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Đông (Hưng Yên), Gia Lâm, Thường Tín (Hà Nội) đã diễn hàng chục lễ tiết thờ cúng Đức thánh Chử và Nhị vị phu nhân. Nghi lễ ấy được thực hiện vào các ngày (âm lịch): 4/Giêng (ngày sinh công chúa Tiên Dung), 10/2 (ngày sinh nàng Nguyễn (Công chúa Tây Sa), 1/4 (ngày công chúa Tiên Dung về tắm ở bãi Tự Nhiên, 12/6 (ngày giỗ thân mẫu Chử Đồng Tử), 12/8 (ngày sinh Chử Đồng Tử), 10/10 (ngày giỗ thân phụ Chử Đồng Tử), 17/11 (ngày Tam vị đồng hóa)… Ngoài ra, ở các làng, còn có ngày giỗ thành hoàng bản thổ, được đưa vào phối thờ với đức thánh trong đình, đền làng.
Tuy nhiên, cho đến bây giờ, nghi lễ lớn nhất của tục thờ Đức thánh Chử vẫn được thực hiện bằng lễ hội mùa xuân. Hàng năm, cứ vào dịp 10/2 âm lịch (ở một số làng diễn ra sớm hoặc muộn hơn khoảng 3 ngày), ngày sinh của Công chúa Tây Sa, người dân tổ chức Lễ hội tại đình làng mình. Lớn nhất, là lễ hội ở hai ngôi đền Đa Hòa và Dạ Trạch với nhiều nghi lễ truyền thống, biểu thị tấm lòng thành kính với Đức thánh. Không chỉ ở Đa Hòa, nơi được cho là diễn ra cuộc hội ngộ kỳ lạ giữa chàng trai nghèo Chử Đồng Tử với Công chúa Tiên Dung, mà đã thành thói quen, một danh xưng văn hóa mới, lễ hội thờ Đức thánh Chử trong các ngày này đều được gọi là “lễ hội tình yêu”. Tuy nhiên, người ta không phải đến lễ hội, chỉ để cầu mong cho hạnh phúc đôi lứa, mà còn ước nguyện nhiều điều khác. Và trên hết thảy, ai ai cũng mang trong mình tấm lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn của người được cho là đã tạo dựng, dạy bảo nghề trồng lúa, nghề đánh cá, nghề thuốc, nghề đi buôn cho nhân dân để biến bãi bồi hoang hoải thành miền quê trù phú.
Nếu như ở “đền thờ tình yêu” Đa Hòa, nổi trội hơn cả là nghi lễ rước kiệu về chầu của 9 làng Tổng Mễ, thì ở đền hóa Dạ Trạnh, lễ rước nước nổi trội hơn cả. Đúng 7h30’, đoàn rước của xã Dạ Trạch và xã Hàm Tử (thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) được cử hành từ đền Dạ Trạch tiến ra phía sông Hồng lấy nước.
Rước Kiệu đức thánh Chử Đồng Tử
Đi đầu đoàn rước là hai con rồng dài trên 20m của hai xã do hơn bốn chục thanh niên khỏe mạnh thay nhau múa dưới tiếng trống thúc liên hồi. Đây là biểu tượng của một mối tình gắn kết giữa hai xã. Rồng còn thể hiện cho nền kinh tế phát triển cho ước mở khát vọng muốn được bay cao, bay xa của thần dân Dạ Trạch. Tiếp theo là đoàn rước cờ do các bà, các chị, áo quần rực rỡ, đội trống chiêng, đội nhạc lễ, gươm trường bát bửu, đội múa sinh tiền… vừa đi vừa múa hát theo nhịp góp phần cho ngày hội thêm tươi vui, rộn ràng. Rồi đến kiệu rước choé đựng nước, kiệu rước “Bế ngư thần quan” (biểu tượng là cá chép), kiệu Đức thánh Chử Đồng Tử cùng Nhị vị phu nhân và các đội tế lễ của hai xã đi theo hầu kiệu. Đoàn rước gồm hàng nghìn người, chưa kể dân chúng, du thuyền ra sông để lấy nước về tế Thánh. Hai bờ sông Hồng, dân chúng náo nức, chen nhau ngắm xem chiếc thuyền lớn, cờ hội tung bay đang lướt đi trên mặt nước còn mờ hơi sương. Không khí này gợi nhớ đến mấy nghìn năm hồng hoang thuở trước, khi công chúa Tiên Dung cờ quạt rộn ràng, du thuyền để vãn cảnh sông Hồng và đã ngẫu hợp Chử Đồng Tử tại bãi cát tự nhiên, bắt đầu cuộc tình duyên đầy ý trời này. Hàng nghìn con mắt đang dõi theo đoàn thuyền, nhìn ai cũng đang mơ màng như sống trong truyền thuyết xưa.
Sau khi nước được lấy đầy vào bình, đoàn rước tiến về phía đến Dạ Trạch để làm lễ khai mạc lễ hội. Màn hòa âm của 25 chiếc trống to nhỏ như một lời hiệu triệu đầy khí thế, báo hiệu một mùa lễ hội thành công, một năm mới với nhiều thắng lợi. Tám cô gái, tượng trưng cho tám nữ tì, bước qua cầu tiên rước nước vào đền. Hai cụ bô lão thay mặt dân chúng khiêng nước vào tế Thánh cầu mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng thắng lợi, xóm làng yên vui, gia đình hạnh phúc. Sau các nghi lễ tế rước, đại diện các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Khoái Châu, đến thắp hương và cầu mong mọi điều tốt lành sẽ đến.
Trong 03 ngày, từ mồng 10-13/02(âm lịch) diễn ra lễ hội Chử Đồng Tử, người dân và du khách không chỉ được sống trong không khí linh thiêng, huyền ảo mà còn được tham dự các trò chơi dân gian: Leo cầu kiều, đập niêu đất, bịt bắt bắt dê, đánh đu, chọi gà, cờ người và các màn múa rồng, múa lân đặc sắc. Xưa kia, trong những ngày hội, những nghệ nhân thường hát trống quân để tưởng nhớ công ơn của các vị thánh. Ngày nay, điệu hát này đang dần bị mai một, nhưng với người dân Dạ Trạch, đặc biệt là các nghệ nhân già việc lưu giữ và phát triển làn điệu dân ca cổ là điều nên làm, nó sẽ góp phần làm đẹp thêm truyền thống văn hóa quê hương.
Có thể nói Lễ hội Chử Đồng Tử là một trong những lễ hội dân gian lớn của tỉnh Hưng Yên thu hút đông đảo khách thập phương đến tham dự. Lễ hội Chử Đồng Tử đã làm giàu thêm kho tàng văn hóa phi vật thể của dân tộc, tạo một không gian tâm linh huyền ảo, nuôi dưỡng thêm khát vọng sống tự do hạnh phúc của con người. Tuy nhiên, với tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường, tại lễ hội này đã xuất hiện một số hành vi trục lợi, thương mại hoá các dịch vụ: xóc thẻ, xem quẻ, bói toán, cờ bạc trá hình… Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng và ban tổ chức lễ hội cần quan tâm, có các biện pháp quản lý để lễ hội thực sự là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của toàn dân, là nơi gửi gắm những triết lý nhân sinh và lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Xuân Trường