KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 09/01/2017 - Lượt xem: 143
Thông báo số 19-TB/TW ngày 29/12/2016 thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản

Vừa qua, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản (Tờ trình số 32-TTr/BTGTW, ngày 22-9-2016) và ý kiến của các cơ quan liên quan, Ban Bí thư kết luận như sau:

1- Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, giữ được định hướng chính trị, thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản có nhiều đổi mới, kịp thời khắc phục một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động xuất bản.

Tuy nhiên, hoạt động xuất bản còn bộc lộ nhiều khuyết điểm, yếu kém: Chưa đạt chỉ tiêu về số lượng bản sách/người/năm như Chỉ thị đề ra; số tác phẩm có giá trị chiếm tỷ lệ chưa cao, một số hạn chế chậm được khắc phục. Năng lực, quy mô, trình độ của các nhà xuất bản còn nhiều hạn chế, mô hình tổ chức chưa phù hợp. Công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về xuất bản trên một số mặt chưa hiệu quả, nhất là quản lý xuất bản điện tử. Nhiều cơ quan chủ quản chưa quản lý chặt chẽ, có hiệu lực, hiệu quả nhà xuất bản trực thuộc.

Nguyên nhân chủ yếu của khuyết điểm, hạn chế trên là: Một số cơ quan chỉ đạo, quản lý chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tính đặc thù của hoạt động xuất bản, chưa có giải pháp phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển. Nhiều vấn đề lý luận mới đặt ra trong công tác xuất bản chưa được nghiên cứu, làm rõ. Sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản nhà xuất bản còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản chưa được triển khai đồng bộ; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển. Năng lực, trình độ của một số cán bộ quản lý nhà xuất bản, biên tập viên, lao động ngành xuất bản chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.

2- Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 42, Ban Bí thư yêu cầu:

2.1- Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, xác định rõ  trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương để lĩnh vực xuất bản phát triển đúng định hướng, nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

2.2- Ban Tuyên giáo Trung ương

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành sơ kết thực hiện Quyết định số 281-QĐ/TW, Quyết định số 282-QĐ/TW, Quyết định số 283-QĐ/TW, ngày 26-01-2010 của Ban Bí thư khóa X ban hành các quy định về công tác xuất bản; đề xuất phương án bổ sung, hoàn thiện các quy định nêu trên.

- Phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giao ban xuất bản; định kỳ cung cấp thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình trong nước và quốc tế cho lãnh đạo, biên tập viên các nhà xuất bản.

2.3- Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo:

- Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản.

- Phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế, tiền thuê nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, đầu tư và bổ sung vốn cho các nhà xuất bản, sách đặt hàng hằng năm, sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, sách phục vụ thông tin đối ngoại, hỗ trợ mua bản thảo chất lượng cao, hỗ trợ hoạt động triển lãm, quảng bá sách trong và ngoài nước…

- Phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, sắp xếp lại hệ thống các nhà xuất bản bảo đảm phù hợp, hiệu quả; kiên quyết giải thể các nhà xuất bản hoạt động yếu kém, có nhiều sai phạm.

- Quy hoạch lại mạng lưới phát hành sách; xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư, phát triển mạng luới phát hành sách tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo các hình thức phù hợp, hiệu quả; khuyến khích doanh nghiệp phát hành sách phát triển mạng lưới phát hành.

- Xây dựng Đề án chương trình sách quốc gia, Đề án phát triển xuất bản điện tử, Đề án quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài; đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại.

- Phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo phát triển hệ thống thư viện công cộng, điểm bưu điện văn hóa xã, câu lạc bộ sách, tủ sách; tăng cường các hoạt động quảng bá tại các hội chợ sách trong nước và quốc tế; phát triển phong trào đọc sách trong quần chúng nhân dân, triển khai sâu rộng Ngày Sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm; hoàn thiện, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình xuất bản; tăng cường quản lý hoạt động xuất bản điện tử.

2.4- Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan liên quan, các học viện, nhà trường sắp xếp, kiện toàn lại cơ sở đào tạo xuất bản, in, phát hành theo hướng chính quy, hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực, tập trung ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

2.5- Các cơ quan chủ quản các nhà xuất bản

- Nghiên cứu chuyển đổi nhà xuất bản trực thuộc theo loại hình tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; nghiên cứu, thực hiện việc chuyển đổi các nhà xuất bản địa phương và các nhà xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin đối ngoại, đồng bào dân tộc thiểu số chuyển sang loại hình đơn vị sự nghiệp có thu.

- Bổ sung vốn, đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện cơ chế đặt hàng, bảo đảm điều kiện hoạt động cho nhà xuất bản.

-  Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ; chăm lo công tác phát triển đảng, công tác chính trị, tư tưởng đối với nhà xuất bản.

- Tăng cường phối hợp với cơ quan chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà xuất bản.

2.6- Hội Xuất bản Việt Nam

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên; chăm lo bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; phát huy vai trò tổ chức hội trong xây dựng văn hóa đọc.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, xây dựng cơ chế phù hợp để Hội Xuất bản Việt Nam hoạt động đúng với tính chất của hội đặc thù được hưởng chế độ của hội chính trị - xã hội – nghề nghiệp.

2.7- Các nhà xuất bản

- Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của lãnh đạo, biên tập viên nhà xuất bản; phát huy vai trò, chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội trong nhà xuất bản.

- Kiện toàn tổ chức, hoàn thiện quy chế hoạt động trong đơn vị, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng vị trí công tác, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường quản lý hoạt động liên kết, hoạt động của văn phòng đại diện; phát triển xuất bản điện tử.

3- Giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ban Bí thư.

T/M BAN BÍ THƯ

Đinh Thế Huynh

 

 

 

 

 

Tin liên quan