Ngày 4/5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tọa đàm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị, nghiệp vụ tại Trung tâm Chính trị cấp huyện. Dự tọa đàm có các đồng chí: Đào Hồng Vận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Báo cáo đề dẫn tại tọa đàm do đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày khẳng định: Thời gian qua, công tác giáo dục lý luận chính trị (LLCT) được cấp ủy các cấp quan tâm, triển khai thực hiện. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã được Trung tâm Chính trị cấp huyện thực hiện, bảo đảm nội dung, mục đích, yêu cầu, cập nhật kịp thời những quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, gắn lý luận với thực tiễn. Chất lượng các chương trình giáo dục chính trị được nâng cao, thiết thực, gắn với yêu cầu của tình hình thực tế. Đội ngũ giảng viên của các Trung tâm Chính trị không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp…
Theo báo cáo tình hình hoạt động của trung tâm chính trị huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 883-QĐ/BTGTW, ngày 24/11/2021 của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm Chính trị cấp huyện (viết tắt là Quyết định số 883) cho thấy: Thời gian qua, Trung tâm Chính trị cấp huyện được tăng cường đầu tư sửa chữa, xây mới về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Trong 3 năm (2021-2023), Trung tâm Chính trị cấp huyện, Ban Tuyên giáo các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã mở được 967 lớp với 89.306 lượt học viên, trong đó, mở 23 lớp sơ cấp LLCT với 1.667 học viên, 944 lớp bồi dưỡng với 87.639 lượt học viên. Trung tâm chính trị cấp huyện triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đúng quy chế, hướng dẫn, kế hoạch…
Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị, nghiệp vụ tại Trung tâm Chính trị cấp huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn, bất cập.
Các đại biểu dự buổi tọa đàm
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ những kết quả, thuận lợi, cũng như khó khăn, bất cập trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng LLCT; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò của Trung tâm Chính trị cấp huyện; nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Trung tâm Chính trị với các phòng, ngành, đoàn thể cấp huyện và cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công đào tạo, bồi dưỡng LLCT; nâng cao chất lượng bài giảng… Đồng thời, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các khó khăn, bất cập về: Chế độ đối với cán bộ, giảng viên, học viên; tài liệu, giáo trình giảng dạy tại Trung tâm Chính trị cấp huyện; tình hình chiêu sinh mở lớp và đánh giá học viên…
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy các cấp, Ban Tuyên giáo các cấp, Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Công tác giáo dục LLCT đã góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; tạo niềm tin, sự phấn khởi cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, đề nghị thời gian tới, Trung tâm Chính trị cấp huyện cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục các chương trình LLCT, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, xây dựng nội dung bài giảng ngắn gọn, có tính thực tiễn cao; tiếp tục thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm… Những khó khăn, bất cập trong thực hiện Quyết định số 883 và kiến nghị, đề xuất của Trung tâm Chính trị cấp huyện, Vụ Lý luận Chính trị sẽ tổng hợp, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét…
Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Đào Hồng Vận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị: Thời gian tới, Trung tâm Chính trị cấp huyện phối hợp Ban Tuyên giáo cấp ủy cùng cấp và các đơn vị liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo về công tác LLCT nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở nói riêng; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác GDLLCT, công tác học tập, nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trung tâm Chính trị cấp huyện thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; chủ động bổ sung, cập nhật kiến thức theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nội dung các Hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa XIII và các tác phẩm, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…; xây dựng, bổ sung các chuyên đề bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn địa phương đặt ra; chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp xây dựng chương trình, nội dung, tổ chức bồi dưỡng phương pháp giảng dạy đối với giảng viên Trung tâm Chính trị cấp huyện…
Sau tọa đàm, phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hoàn thiện báo cáo đánh giá hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện; tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của đại biểu, tham mưu lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy văn bản chỉ đạo về nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện...
Nguồn: https://baohungyen.vn