Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng không bao giờ giấu giếm khuyết điểm, sai lầm của mình, mà thẳng thắn và công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, nhận trách nhiệm của người lãnh đạo, đề ra các giải pháp và quyết tâm sửa chữa. Đó là biểu hiện một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính như Bác Hồ đã nhận định.
Quan điểm của Đại hội XIII của Đảng, Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Kết hợp chặt chẽ xây dựng Đảng với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống suy thoái, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Trên thực tế, trách nhiệm người đứng đầu đã được thực hiện trong lịch sử và có ảnh hưởng rất sâu sắc cả trong Đảng và trong nhân dân.
Trách nhiệm đó được ghi rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”. Vừa qua, ở địa phương đã có cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt cấp Trung ương có một số đồng chí lãnh đạo cấp cao qua tự phê bình, thấy rõ trách nhiệm cá nhân của mình đã xin thôi các chức vụ đang đảm trách. Đó là biểu hiện tích cực trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ thực tiễn lãnh đạo và yêu cầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cho thấy cần thiết phải cụ thể hóa, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu với những nội dung căn bản.
Trách nhiệm trước hết của người đứng đầu là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam, nghiêm chỉnh thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng sáng tạo để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao theo chức vụ, quyền hạn tương ứng. Đường lối của Đảng kết tinh lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân.
Chính sách, pháp luật của Nhà nước là sự cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối của Đảng. Tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu phải có trách nhiệm thực hiện. Để hoàn thành tốt nhất trọng trách được phân công, người đứng đầu cần không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận, nắm vững đường lối pháp luật, có hiểu biết sâu thực tiễn và có năng lực tổ chức. Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không suy thoái về tư tưởng chính trị.
Thực hành dân chủ rộng rãi trong tổ chức, cơ quan, phát huy trí tuệ tập thể, không dân chủ hình thức, không độc đoán, chuyên quyền. Ngược lại, cơ quan, tổ chức lãnh đạo có quy chế làm việc khoa học, kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. Phân định rõ trách nhiệm của tập thể, tổ chức đảng, chính quyền và trách nhiệm người đứng đầu.
Yêu cầu rất quan trọng của người đứng đầu là trách nhiệm nêu gương về mọi mặt. Nêu gương trong thực hiện công việc, đặt việc công lên trên hết, trước hết “Dĩ công vi thượng”, toàn tâm, toàn ý cho nhiệm vụ. Tỏ rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, dám hành động vì lợi ích chung. Nêu gương về đạo đức, lối sống, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, không lợi dụng chức quyền để mưu lợi riêng, nói không với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nêu gương về lòng trung thành, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Nêu gương về phong cách lãnh đạo dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả, tránh bệnh hình thức và bệnh thành tích. Nêu gương về ý thức tổ chức, kỷ luật, chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ, những nguyên tắc tổ chức của Đảng, các quy định của Đảng về công tác cán bộ, về những điều đảng viên không được làm, quy định về từ chức, miễn nhiệm, về lấy phiếu tín nhiệm. Nêu gương về thực hành tự phê bình và phê bình, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, dũng cảm nhận lỗi, không tranh công, đổ lỗi. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận.
Trách nhiệm người đứng đầu đối với nhân dân. Người đứng đầu các ngành, lĩnh vực ở Trung ương cần nhận thức rõ trách nhiệm với dân. Mỗi ngành, lĩnh vực đều ảnh hưởng đến nhân dân. Khi có một chủ trương, quyết định nào đó thuộc lĩnh vực, ngành mình phụ trách, cần có một nguyên tắc là xem xét quyết định đó có lợi cho dân hay hại đến dân như Bác Hồ luôn nhắc nhở. Người đứng đầu địa phương, cơ sở càng cần thấu hiểu nguyện vọng, lợi ích của người dân để có quyết định phù hợp.
Thực hiện tốt kế hoạch và quy chế tiếp dân, lắng nghe ý kiến, bàn bạc, giải thích để có được sự đồng tình, ủng hộ của dân trên cơ sở chấp hành đường lối, chính sách và pháp luật. Người đứng đầu có trách nhiệm nêu gương về phong cách lãnh đạo sát với thực tiễn và gần dân; thực hiện có hiệu quả phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị. Trách nhiệm với dân cũng hàm chứa trách nhiệm với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, chống sự hàm ơn, chống cơ chế xin-cho hay sự móc ngoặc, quan hệ tiêu cực.
Người đứng đầu có trách nhiệm đoàn kết, tổ chức, hướng dẫn cán bộ dưới quyền, cấp dưới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong phạm vi địa bàn mình phụ trách; gương mẫu đối với người dưới quyền, cấp dưới. Lãnh đạo, quản lý đòi hỏi sự thấu hiểu và thấu đáo mọi việc, đồng thời phải nắm chắc trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức của những cán bộ cộng sự trực tiếp, gồm cả trợ lý, thư ký tham mưu.
Người đứng đầu chú trọng quản lý cán bộ gắn liền với quản lý công việc, lấy kết quả công việc làm thước đo trình độ, năng lực, bản lĩnh, phẩm chất của những cộng sự của mình. Lựa chọn đúng cán bộ, giao việc đúng người, thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ. Nếu để cán bộ dưới quyền trực tiếp sai phạm nghiêm trọng, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Không thể không nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu là giữ gìn uy tín, thanh danh của người cộng sản, người lãnh đạo gắn liền với bảo vệ uy tín, danh dự của Đảng. Người đứng đầu phải có trách nhiệm tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ trong địa phương, lĩnh vực mình phụ trách; không để cho lĩnh vực, địa phương mình quản lý mãi ở trong tình trạng kém phát triển, dân vẫn còn người đói nghèo, thất học, hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội.
Bác Hồ từng nói: để dân đói, dân dốt, dân bệnh là mình có lỗi. Lương tâm, uy tín, hình ảnh người cán bộ lãnh đạo không cho phép tự biến mình thành “quan cách mạng”. Không để cho vợ con, chồng con, anh em trong gia đình, họ tộc lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi, coi thường kỷ cương, pháp luật. Cần phải xóa bỏ nhận thức “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Gia đình, họ tộc có người được Đảng, Nhà nước, nhân dân bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng cần lấy đó là vinh dự, tự hào để phấn đấu, học tập, noi theo.
Bài học không chỉ từ lịch sử mà từ chính thực tiễn sôi động trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay là nghiêm túc tự phê bình và phê bình để từ đó nhận thức đúng đắn trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Trách nhiệm đó được thực hiện tốt sẽ làm cho Đảng mạnh lên; tham nhũng, tiêu cực, suy thoái bị đẩy lùi; uy tín của Đảng vững chắc trong lòng dân. Hãy giữ gìn uy tín, hình ảnh, danh dự của người cộng sản như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắn nhủ, danh dự là điều thiêng liêng nhất.