KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/01/2024 - Lượt xem: 1580
Từ truyền thống văn hiến và anh hùng của quê hương Hưng Yên đến sự hình thành tư tưởng cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình

Hưng Yên là một vùng đất cổ, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, thuộc “đỉnh thứ ba” trong quá trình người Việt cổ tràn xuống chiếm lĩnh đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hưng Yên được bao bọc bởi sông Hồng và sông Luộc cùng nhiều tuyến giao thông thủy, bộ khác nên vùng đất này luôn đỏ nặng phù sa trở thành “kho của các đời” và “là một khu vực phòng ngự” của đất nước trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Trung tướng Nguyễn Bình (Ảnh tư liệu)
Không chỉ vậy, Hưng Yên còn nổi tiếng là vùng đất có bề dày văn hiến và anh hùng. Người dân Hưng Yên có truyền thống hiếu học và rất thông minh, cần cù lao động nhưng tiết kiệm, tạo nên bốn tập tục truyền thống đã được ghi nhận trong cuốn Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) là “Kẻ sĩ gắng học, nhà nông chăm cày, ưa tiết kiệm, tránh xa xỉ”.
Truyền thống văn hiến và anh hùng đã ảnh hướng rất lớn đến con đường cách mạng của nhiều người con ưu tú của quê hương Hưng Yên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, mà Trung tướng Nguyễn Bình là một trong những người con ưu tú ấy.
Cả cuộc đời sống, chiến đấu và công hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và bảo vệ dân tộc cho thấy truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương Hưng Yên có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thay đổi tư duy từ nhận thức con đường cách mạng đến khả năng lãnh đạo quân sự của Trung tướng Nguyễn Bình-Trung tướng đầu tiên của Quan đội nhân dân Việt Nam. Bằng tình yêu dân tộc chân chính, bản lĩnh kiên cường, bất khuất với tư duy nhạy cảm, sắc bén, truyền thống yêu nước của quê hương Hưng Yên càng được tô thắm hơn với tài quân sự thao lược, trí dũng song toàn, có đủ phẩm chất Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của người quân tử
Ảnh hưởng của truyền thống văn hiến khoa bảng đến tư tưởng từ chủ nghĩa yêu nước theo Quốc dân đảng đến với chủ nghĩa yêu nước Cộng sản
Lược lại 845 năm Hán học, từ khoa thi thứ nhất (1074) đến khoa thi cuối cùng (1919), Hưng Yên có tới 228 người đỗ đại khoa, trong đó nhiều bậc đại khoa vừa uyên thâm tài trí, vừa nhân văn, đức trọng giúp ích cho đất nước như Nguyễn Trung Ngạn (huyện Ân Thi), Đỗ Thế Diên, Lê Như Hổ (huyện Tiên Lữ), Đỗ Nhân (huyện Văn Giang), ngoài ra còn có đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (huyện Yên Mỹ)… Hưng Yên đã sinh thành và đào tạo cho đất nước, cho cách mạng nhiều cán bộ, ưu tú, nhiều tướng lĩnh như nhà cách mạng Tô Hiệu, các đồng chí Lê Văn Lương, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Nguyễn Quyết… đó là những tấm gương, những đầu tàu khích lệ Nhân dân Hưng Yên, nhất là thế hệ trẻ luôn học hỏi, cống hiến, góp phần mở mang dân trí, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Trung tướng Nguyễn Bình (tên khai sinh là Nguyễn Phương Thảo) sinh ngày 20/7/1908 tại xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ngay từ thủa nhỏ, Nguyễn Phương Thảo đã nổi tiếng trong vùng là người thông minh, ham học hỏi, có sở thích ham đá bóng, đọc sách, chơi thể thao và đặc biệt là luyện tập võ nghệ. Năm 1919, sau khi học xong chương trình tiểu học, Nguyễn Phương Thảo được anh trai là Nguyễn Thế Nức đưa xuống Hải Phòng học tiếp bậc trung học.
Sinh ra trong một gia đình yêu nước ở vùng quê văn hiến, với ảnh hưởng của người anh ruột là Nguyễn Thế Nức-một trí thức yêu nước làm ở Nhà Dây thép Hải Phòng, tham gia sáng lập “Hội Dục Anh”, “Hội Trí Tri” và là đảng viên Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo nên Nguyễn Phương Thảo đã sớm hình thành và tham gia hoạt động trong các phong trào yêu nước của học sinh, thanh niên như: đấu tranh bãi khóa ở trường kỹ nghệ Hải Phòng (năm 1925), tham gia Lễ truy điệu Phan Châu Trinh (năm 1926)... Do tham gia ẩu đả trong buổi đá bóng, Nguyễn Phương Thảo bị đuổi học. Sau khi bị đuổi học, Nguyễn Phương Thảo ở nhà làm nghề thợ giặt, rồi làm công nhân trên con tàu Đác-ta-nhăng chuyên chạy tuyến Hải Phòng - Mác-xây (Pháp).
Năm 1927, bị thực dân truy lùng ráo riết, Nguyễn Phương Thảo đã tạm lánh vào Sài Gòn. Trong thời gian này, ông đã làm quen với nhà văn, tướng cướp Sơn Vương, một hiệp khách chuyên cướp của lực lượng chủ Pháp chia cho dân nghèo. Được Trần Huy Liệu vận động, bị thuyết phục bởi tiêu chí đấu tranh vì mục đích “độc lập dân tộc-dân quyền tự do-dân sinh hạnh phúc”. Năm 1928, khi vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Phương Thảo gia nhập Quốc dân Đảng. Năm 1929, Nguyễn Phương Thảo bị thực dân Pháp bắt, kết án 5 năm tù giam và đày ra đảo Hòn Cau. Cùng thời điểm đó, Trần Huy Liệu cũng bị mật thám bắt và đày ra đảo Hòn Cau. Cuối năm 1932, tại đảo Hòn Cau có 7 tù Quốc dân Đảng trong đó có Nguyễn Phương Thảo, Trần Huy Liệu và Phạm Tuấn Tài cùng một đội lính khố đỏ đã bí mật chặt cây, đóng bè vượt ngục. Cuộc vượt ngục không thành công, Nguyễn Phương Thảo, Trần Huy Liệu bị bắt và chuyển sang nhà tù Côn Đảo, biệt giam 3 tháng trong hầm “xay lúa”, sau đó được chuyển về Banh 2.
 Tại Banh 2, Nguyễn Phương Thảo được tiếp xúc với một số tù nhân Cộng sản là Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt. Qua những lần trao đổi, Nguyễn Phương Thảo rất thán phục những người Cộng sản này, ông nghĩ chỉ họ mới có thể thành công trong việc lãnh đạo quần chúng đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc. Rồi từng bước trong suy nghĩ của Nguyễn Phương Thảo đã hình thành hệ tư tưởng quốc tế vô sản, thay thế ý thức hệ quốc gia “tam dân chủ nghĩa”. Cũng do tiếp xúc, học hỏi những người tù cộng sản mà những tù nhân Quốc dân Đảng bị phân hóa sâu sắc. Được sự giác ngộ của những người tù cộng sản, một nhóm gồm 4 người là Nguyễn Phương Thảo, Trần Huy Liệu, Trần Xuân Độ và Tưởng Dân Quốc đã chống đối quyết liệt nhóm tù Quốc dân Đảng cực đoan.
Trần Huy Liệu là một cây bút tài năng, từ thủa thiếu thời sớm được tiếp xúc và thấu hiểu cuộc sống khốn khó của người dân nên Trần Huy Liệu đã khao khát tìm cho mình một con đường đi riêng. Sau khi tiếp xúc với nền văn học mới đang được các sỹ phu yêu nước Đông Kinh Nghĩa thục truyền bá, được đọc những thơ ca yêu nước thì ông đã xác định được con đường mình phải đi. Trần Huy Liệu biến báo chí thành phương tiện tuyên truyền đả phá các chính sách của thực dân. Các tác phẩm của ông đều đánh vào bọn thực dân, phong kiến, cho người dân thấy được tội ác của chúng, đồng thời khơi dậy tinh thần đấu tranh đòi tự do, dân chủ ở Nam Kỳ. Vì yêu mến tài năng, cảm kích trước ngòi bút đấu tranh đanh thép của Trần Huy Liệu, Nguyễn Phương Thảo đã nhanh chóng kết bạn và chính Trần Huy Liệu là người giới thiệu Nguyễn Phương Thảo trở thành đảng viên Quốc dân Đảng. Vì thế, trong lao tù Nguyễn Phương Thảo cùng với Trần Huy Liệu nhanh chóng thấy được sự tiến bộ của hệ tư tưởng quốc tế vô sản và thấy rằng “Cộng sản là một phong trào quốc tế, còn Quốc dân Đảng chỉ nằm trong phạm vi một quốc gia” mà đi theo.
Dù được tôi luyện trong lò lửa cách mạng, nhưng chính Trần Huy Liệu là người hăng hái trong hoạt động chuyển hướng, có tác động lớn tới Nguyễn Phương Thảo và một bộ phận đảng viên Quốc dân Đảng chuyển từ chủ nghĩa Tam dân sang Quốc tế vô sản. Chính vì điều này, Nguyễn Phương Thảo, Trần Huy Liệu và Tưởng Dân Quốc bị Quốc dân đảng thanh trừng. Nguyễn Phương Thảo bị người Quốc dân đảng khoét một mắt, tuy không ảnh hưởng đến tính mạng song mắt trái của Nguyễn Phương Thảo bị tàn phế vĩnh viễn.
Chỉ còn một mắt, nhưng Nguyễn Phương Thảo lại thấy “mắt mình như sáng hơn”, sáng ở thuật đối nhân xử thế, sáng ở thuật gạn đục khơi trong, đó là con mắt thần, giúp Nguyễn Phương Thảo nhìn nhận thời cuộc, sự việc và con người rất sáng suốt, chuẩn mực hơn khi còn hai con mắt và việc sáng suốt nhất của Nguyễn Phương Thảo là đã trở thành người Cộng sản vào tháng 6-1946. Từ chủ nghĩa yêu nước theo Quốc dân đảng chuyển sang lập trường chủ nghĩa yêu nước Cộng sản, tin tưởng vào đường lối của Đảng Cộng sản đã khiến Nguyễn Phương Thảo thể hiện ước mơ làm cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc; thể hiện tinh thần yêu nước, yêu dân tộc và kiên định đi theo con đường Quốc tế vô sản của người con ưu tú quê hương Hưng Yên-Nguyễn Phương Thảo.
Truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của quê hương Hưng Yên đã ảnh hưởng đến tư tưởng quân sự của Trung tướng Nguyễn Bình
Truyền thống nổi bật của ngươi Hưng Yên đó là tinh thần thượng võ, lòng yêu nước và tinh thần cách mạng. Bất cứ thời kỳ nào, hễ có ngoại xâm đô hộ là Nhân dân Hưng Yên không tiếc xương máu, sẵn sàng cùng cả nước đánh giặc.
Thời Hùng Vương, căn cứ vào thần tích các làng xã trong tỉnh, Nhân dân Hưng Yên đã đứng lên đấu tranh chống ngoại bang phương Bắc. Trong ngàn năm Bắc thuộc, Nhân dân Hưng Yên đã nung nấu chí khí căm thù quân xâm lược, nuôi dưỡng tình cảm yêu nước và quê hương. Mùa Xuân năm 40, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống ách thống trị của nhà Đông Hán bùng nổ, nhanh chóng được đông đảo Nhân dân các địa phương tham gia. Trong cuộc kháng chiến chống quân Lương xâm lược (thế kỷ thứ VI), Nhân dân Hưng Yên vùng dậy đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Lý Bí, nhận được sự hưởng ứng kịp thời của Triệu Túc-thủ lĩnh vùng Chu Diên và con trai ông là Triệu Quang Phục.
Đầu thế kỷ thứ X, khi đất nước giành lại được quyền tự chủ, nhà Nam Hán lại lăm le xâm lược. Để đánh tan mưu đồ của giặc, năm 938, Ngô Quyền đã chủ động chuẩn bị một cuộc quyết chiến trên sông Bạch Đằng. Tại đại bản doanh ở Phố Vương (Phố Giác, huyện Tiên Lữ), Ngô Quyền nhận được sự phối hợp tác chiến của tướng quân Phạm Bạch Hổ (Đằng Châu, nay thuộc thành phố Hưng Yên) và Nhân dân các thôn Tiên Xá, Dị Chế (huyện Tiên Lữ). Những đóng góp của Nhân dân Hưng Yên đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.
Trong 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII, vùng đất Hưng Yên đã trở thành hậu cứ quan trọng của vương triều Trần, nhiều tướng lĩnh người Hưng Yên lập được chiến tích to lớn, đánh đuổi quân Nguyên-Mông, giữ yên bờ cõi, trong số đó phải kể đến Tướng quân Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái với nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, “dĩ đoản binh chế trường trận”.
Cuối thế kỷ thứ XIX, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Đinh Gia Quế (người thôn Thọ Bình, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu) khởi xướng được đông đảo Nhân dân tham gia hưởng ứng. Tuy bị thất bại, song cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1885-1892) là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của Nhân dân đồng bằng Bắc bộ cuối thế kỷ XIX, để lại nhiều bài học về phương thức hoạt động, xây dựng căn cứ và các hình thức tác chiến như đánh du kích, lấy ít địch nhiều, lấy vũ khí thô sơ chống vũ khí hiện đại của địch.
Bằng trí thông minh, nhạy bén về thời cuộc, kết hợp với khí phách ngang tàng, phóng khoáng song lại rất cương trực, Nguyễn Bình đã biết sáng tạo cách đánh, phương thức tác chiến của cha ông trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
Năm 1935, sau khi ra tù, dù bị quản thúc ở quê hương, song Nguyễn Phương Thảo vẫn hăng hái tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng với niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng dưới tên gọi Nguyễn Bình. Ông lấy tên là Nguyễn Bình-vì “Bình” là bốn bước của kẻ sỹ: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ và vì ông muốn xóa cái tên đã gắn với con đường đã lựa chọn nhầm.
Với tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, cởi mở và vui vẻ, khả năng nói năng lưu loát có sức thuyết phục nên khi ở quê nhà, Nguyễn Bình đã quy tụ được nhiều thanh niên có khí phách trong vùng hằng ngày đến nhà luyện tập võ nghệ, ca hát, bình luận văn thơ… khiến các chức sắc trong làng đều phải nể phục Nguyễn Bình.
Tuy bị quản thúc ở quê nhà, song Nguyễn Bình vẫn giữ mối liên lạc với các tổ chức Cộng sản ở Hà Nội và Hải Phòng. Sau mỗi lần gặp gỡ với các đồng chí đảng viên Cộng sản như Tô Hiệu, Tô Quang Đẩu, Hạ Bá Cang… Nguyễn Bình nhanh chóng tập hợp thanh niên trong vùng phổ biến cho họ những tin tức về phong trào đấu tranh đấu tranh của giới thợ thuyền, thanh niên và sinh viên, những hoạt động của các cơ sở bí mật, mà lúc đó người dân gọi là “hội kín”.
Năm 1941, Nguyễn Bình gặp lại Trần Huy Liệu, được Trần Huy Liệu thông báo về tình hình chiến sự có nhiều thay đổi có lợi cho cách mạng nước ta. Năm 1942, Nguyễn Bình được đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, trực tiếp giao nhiệm vụ tìm nguyên liệu chế tạo vũ khí. Năm 1943, đồng chí được Trung ương giao thêm nhiệm vụ mua sắm vũ khí cho cách mạng ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng.
Với bản lĩnh của một con người có khí phách và tình yêu đất nước, ông đã vận dụng cách đánh của tướng lĩnh quê hương đi trước, kết hợp giữa công tác binh vận với cách đánh “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, để có được vũ khí, súng đạn cung cấp cho quân du kích trước hoàn cảnh Đảng không có nhiều tiền để mua vũ khí mà mua cũng rất khó vì đó là hàng quốc cấm. Nguyễn Bình đã thực hiện theo ba biện pháp chính để thấy rõ tài năng quân sự của Nguyễn Bình:
Một là, Nguyễn Bình tuyên truyền, giác ngộ, giáo dục lòng yêu nước cho lực lượng binh lính địch là người Việt, vận động họ giúp đỡ cách mạng bằng cách cung cấp súng đạn cho lực lượng ta. Ông vận động các binh sĩ yêu nước như Lê Phú, Hoàng Vinh, Nguyễn Phượng Tiến tháo 2 khẩu đại liên trên pháo thuyền Com-măng-đăng Buốc-đe ở sông Tam Bạc đưa xuống thuyền nhỏ chở về căn cứ (tháng 5/1945). Ông còn gây nhân mối trong các đơn vụ thủy binh, thuế quan ở Hải Phòng, trại bảo an binh Kiến An, đồn binh Uông Bí để họ lấy súng đưa về Đông Triều. Bên cạnh đó, Nguyễn Bình còn xây dựng tổ chức yêu nước trong hàng ngũ binh lính, dưới hình thức “tổ chức quân nhân cứu quốc” để mở rộng hoạt động của Việt Minh. Đây chính là cách lấy vũ khí và gây dựng lực lượng bằng biện pháp “mưu phạt tâm công” như các tướng lĩnh đã làm trong cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ XIV.
Hai là, Nguyễn Bình tổ chức lực lượng gọn nhẹ, bất ngờ tập kích cướp súng địch giữa ban ngày. Điển hình là trận đánh đồn Bần Yên Nhân ở Hưng Yên (ngày 12/3/1945) ngay giữa ban ngay, với sự giúp đỡ của nội ứng chỉ sau 30 phút quân ta lấy được 24 khẩu súng trường và 6 hòm đạn mà không bị thiệt hại về người. Trận đánh này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là “một trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ” thể hiện được sự mưu trí, sáng tạo, đúng thời cơ. Nhưng quan trọng hơn là tài chỉ huy quyết đoán trong bối cảnh hết sức khó khăn của Nguyễn Bình.
Ba là, Nguyễn Bình thường dùng lực lượng nhỏ, táo bạo tấn công vào các khu đồn trú, công sở của địch, thu vũ khí. Điển hình là trận đánh rạng sáng ngày 30/6/1945, Nguyễn Bình và 7 chiến sĩ bí mật, bất ngờ tấn công vào trại thanh niên Đại Việt thu 100 khẩu súng; trận đánh ngày 20/7/1945, giải phóng thị xã Quảng Yên, thu 500 khẩu súng, nhiều quân trang, quân dụng, thuốc men và đạn dược.
Ngoài khả năng binh vận và tìm vũ khí một cách tài tình cho cách mạng, Nguyễn Bình còn có công lớn trong việc xây dựng Đệ tứ Chiến khu và tập hợp lực lượng vũ trang ở miền Nam.
Thực hiện tinh thần Hội nghị Quân sự Bắc kỳ (giữa năm 1945), được Xứ ủy Bắc kỳ cử đi xây dựng Đệ tứ Chiến khu và tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở vùng duyên hải Bắc Bộ. Mặc dù chưa có chỉ thị của Xứ ủy Bắc kỳ về việc thành lập chiến khu, nhưng trước tình hình địa phương có những diễn biến đột xuất, với tư duy nhạy bén, dám chịu trách nhiệm, sáng ngày 8/6/1945, Nguyễn Bình chỉ huy lực lượng vũ trang tập trung cùng Nhân dân các địa phương đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa, tiến đánh 4 đồn địch ở Chí Linh, Đông Triều, Tràng Bạch, Mạo Khê trên một trục lộ dài 24 km Quốc lộ 18, thu 100 súng, giải phóng hai huyện Đông Triều và Chí Linh, giành thế chủ động trước quân phỉ và quân Nhật. Sau thắng lợi này, Chiến khu Trần Hưng Đạo - Đệ tứ chiến khu-Chiến khu Đông Triều chính thức ra đời, Ủy ban Quân sự cách mạng chiến khu được thành lập do Nguyễn Bình, Trần Cung, Hải Thanh, Nguyễn Hiền phụ trách. Nguyễn Bình, đại diện Uỷ ban Quân sự cách mạng tuyên đọc: “Bảy điều kỷ luật” của du kích cách mạng quân. Chiến khu Trần Hưng Đạo được thành lập, là đòi hỏi khách quan của tình thế cách mạng sôi sục của cả nước mà trực tiếp là Nhân dân vùng Đông Bắc, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của các tầng lớp Nhân dân cần có chỗ đứng chân để xây dựng, phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang chuẩn bị cho cao trào khởi nghĩa theo gương Khu giải phóng Cao-Bắc-Lạng, đáp Lời kêu gọi của Đảng: Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Nguyễn Bình, Đệ tứ Chiến khu đã tiến hành đánh địch ở vùng duyên hải Bắc Bộ, góp phần khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố Hải Phòng, các tỉnh Hải Dương, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Ninh.
Có thể nói, những năm tháng gắn bó với vùng đất duyên hải Bắc Bộ, Tư lệnh Nguyễn Bình là người lãnh đạo, chỉ huy có những đóng góp to lớn trong việc chuẩn bị và tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, góp phần giải quyết được vấn đề bức xúc tìm vũ khí, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhận thấy tài năng của một người thủ lĩnh quân sự trong con người Nguyễn Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Nguyễn Bình vào Nam công tác với trọng trách nặng nề “đặc phái viên quân sự Trung ương” với nhiệm vụ thống nhất lực lượng vũ trang Nam Bộ. Nhận nhiệm vụ, song Nguyễn Bình vẫn phân vân vì trước đây đã là đảng viên Quốc dân đảng, nay đi theo con đường của “ông Nguyễn yêu nước” song vẫn chưa là đảng viên Cộng sản. Nắm được tâm tư của Nguyễn Bình, Bác nói “Đảng viên Cộng sản ư? Tổ quốc là trên hết. Tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình ái quốc, ái dân và bình thiên hạ cho an sinh hòa mục. Bác giao việc chỉ huy bộ đội Nam Bộ cho chú đó.” Câu nói của Bác đã thể hiện quyết tâm và niềm tin vào tài năng quân sự của Nguyễn Bình. Tuy chưa phải là đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng toàn bộ hành động của Nguyễn Bình từ sau khi ra tù (năm 1935) ở Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng đến thành lập Đệ tứ chiến khu, dưới sự chỉ đạo, điều động của các đồng chí Xứ ủy Bắc Kỳ của Đảng thể hiện tình yêu đối với Tổ quốc, thể hiện ý chí quyết tâm đánh giặc, tinh thần kiên trung với Đảng và cũng thể hiện được tài năng quân sự của Nguyễn Bình.
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, Nguyễn Bình đã thề với Nhân dân thành phố Cảng Hải Phòng khi được tặng khẩu súng ngắn hiệu Wicker trước lúc lên đường: “Nếu để mất Nam Bộ, Nguyễn Bình sẽ chết theo khẩu súng này”.
Những năm 1945-1946, Nam Bộ có nhiều tổ chức vũ trang của các thành phần từ dân “anh chị” đến các lực lượng phản cách mạng, các đội thợ thuyền… Các lực lượng này hoạt động riêng rẽ, không tuân thủ theo sự chỉ huy thống nhất của Ủy ban Hành chính-Kháng chiến Nam Bộ. Trước tình hình Nam Bộ phức tạp, ngay sau khi vào tới Nam Bộ, Nguyễn Bình đã tiến hành khảo sát và tập hợp các lực lượng vũ trang thành một tổ chức thống nhất dưới sự chỉ huy của Đảng, thông qua Ủy ban Hành chính-Kháng chiến Nam Bộ.
Thời kỳ 1927-1929, khi ở Nam Bộ, với bản tính phong lưu, thích khám phá song lại trượng nghĩa, Nguyễn Bình giao du, kết thân với nhiều tầng lớp trong xã hội, giới trí thức có nhà báo Trần Huy Liệu, vừa trí thức vừa là những “anh chị” khét tiếng trong xã hội như nhà văn Sơn Vương… Bằng  kinh nghiệm thực tiễn của bản thân và uy tín của mình trước đây, Nguyễn Bình đã dần thu phục được các lực lượng vũ trang Nam Bộ. Tại Hội nghị An Phú Xã (ngày 22/11/1945), với tư cách là Đặc phái viên quân sự Trung ương do Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào, Nguyễn Bình đã thống nhất và thu phục các lực lượng vũ trang Nam Bộ, nhất là bộ đội Bình Xuyên, lấy tên là Bộ đội Giải phóng quân nhằm “thống nhất chỉ huy các lực lượng, đưa vào trật tự kỷ luật” để tiến hành kháng chiến lâu dài, trường kỳ cho đến ngày thành công. Với việc thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ, Nguyễn Bình là người có công lớn trong việc chấm dứt tình trạng “thập nhị sứ quân”, được tín nhiệm bầu là “Tổng tư lệnh” tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang ở Nam Bộ phát triển một cách đúng hướng và vững chắc, một lực lượng vũ trang cách mạng do Đảng ta sáng lập và lãnh đạo, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, một lực lượng vũ trang kiểu mới; tăng thêm lòng tin yêu của quần chúng đối với bộ đội cụ Hồ.
Ngoài ra, Nguyễn Bình còn có công lớn trong việc thành lập các đội vũ trang Sài Gòn-Chợ Lớn (1946-1951) lấy tên là “Ban công tác thành Sài Gòn-Chợ Lớn” có chỉ huy thống nhất với cách đánh “có thể đánh du kích ngay trong lòng địch xuất phát từ căn cứ nằm giữa lòng dân”. Nguyễn Bình quả quyết với anh em “Các đồng chí vô thành, rừng người bảo vệ các đồng chí còn tốt hơn rừng cây”. Quan điểm đó thể hiện đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong suốt 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Bình, các đội biệt động, Ban công tác thành tuy hoạt động bí mật nhưng đã đánh phá hàng trăm trận lớn, nhỏ, tiêu diệt nhiều lực lượng địch trong đó có nhiều tên phản động đầu sỏ như Nguyễn Văn Sâm, Trần Tấn Phát… gây tiếng vang lớn khắp Nam Bộ.
 Nguyễn Bình đã làm cho quân thù thán phục, nể sợ. Nhiều nhà nghiên cứu, bình luận phương Tây đã từng đánh giá: “Nguyễn Bình, nhờ sức kiên trì đã thống nhất các lực lượng du kích và có những lối đánh táo bạo làm cho đối thủ kinh hoàng” (Fréderic Chemit). “Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình, các bộ đội kém tổ chức, thiếu súng đạn gặp nhiều khó khăn trở ngại, dần dần trưởng thành, trở nên hữu hiệu và đáng sợ. Những ý đồ chia rẽ Việt Nam với sự ra đời của “Nước Nam Kỳ tự trị” vào mùa thu năm 1946 của Pháp đã hoàn toàn thất bại trước sự tiến công của quân du kích dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình” (nữ tiến sỹ Mỹ Ellen Hammer)
Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, đặc biệt là sự tin tưởng của Đảng, ngày 12/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 115/SL phong quân hàm Trung tướng đầu tiên của cả nước cho đồng chí Nguyễn Bình cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 9 Thiếu tướng khác.
Tuy nhiên, khi trên đường ra Bắc báo cáo Trung ương, đoàn công tác bị địch phục kích, Trung tướng Nguyễn Bình đã hy sinh tại làng Kpal Rômia, xã Sê-rê-pốc, huyện Sê San, tỉnh Stungtreng, Campuchia vào ngày 29/9/1951.
Thừa hưởng truyền thống văn hiến và anh hùng của quê hương Hưng Yên, tư tưởng cách mạng và tài năng quân sự của Trung tướng Nguyễn Bình sớm được bộc lộ từ nhỏ. Tài năng quân sự của ông không ai có thể phủ nhận được. Tuy không qua bất cứ một trường lớp đào tạo về quân sự nào, nhưng với tình yêu nước, yêu dân tộc, với tư duy nhạy bén, một bản lĩnh chính trị kiên cường, bất khuất; một tinh thần kiên quyết tiến công, táo bạo, quyết đoán, mưu trí, chớp thời cơ; một khí phách ngang tàng, phóng khoáng song lại rất cương trực, đồng chí Nguyễn Bình đã để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, chỉ đạo quân sự của mình, làm giàu thêm truyền thống quân sự Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Bình-người Cộng sản kiên trung, vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên. Với những cống hiến đóng góp cho Tổ quốc, Trung tướng Nguyễn Bình được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng Nhất. Công lao vào tên tuổi của Trung tướng Nguyễn Bình mãi mãi sáng ngời trên Đài Tổ quốc ghi công và là niềm tự hào của miền quê văn hiến, anh hùng Hưng Yên.
 
                                              Đồng chí Trần Quốc Việt
                                          Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên
Tin liên quan