KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Biển và Hải đảo Việt Nam
Đăng ngày: 23/04/2020 - Lượt xem: 172
Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

 Ngày 23-4, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước công hàm ngày 17-4 của Trung Quốc gửi Liên hợp quốc nêu các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng khẳng định:

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng.
Như đã nêu tại Họp báo ngày 9-4, việc Việt Nam gửi Công hàm tại Liên hợp quốc là việc làm bình thường để thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Trước việc Trung Quốc lưu hành một số Công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa không phù hợp luật pháp quốc tế cùng các yêu sách biển ở Biển Đông trái với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ngày 30-3, Việt Nam đã lưu hành Công hàm tại Liên hợp quốc để bác bỏ các yêu sách này, như đã được nêu trong nhiều văn bản gửi Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế liên quan. Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc.
Ngày 10-4, Việt Nam lưu hành Công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông với các nước liên quan khác.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các vùng biển tại Biển Đông được xác lập trên cơ sở UNCLOS; mọi yêu sách biển trái với quy định UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị.
Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả các biện pháp quy định tại UNCLOS.
Liên quan đến việc Trung Quốc ban hành cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn cho 80 thực thể ở Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ:
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối.
Tại cuộc họp báo trực tuyến, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cũng trả lời một số vấn đề:
Trả lời câu hỏi phóng viên về việc tổ chức an ninh mạng FireEye cho rằng Việt Nam hỗ trợ nhóm tin tặc APT32 tấn công mạng nhằm vào nhiều cơ quan chính phủ và doanh nghiệp quốc tế, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng cho biết:
Đây là những thông tin không có cơ sở. Việt Nam nghiêm cấm các hành vi tấn công mạng nhằm vào các tổ chức, cá nhân dưới bất cứ hình thức nào. Các hành vi tấn công, đe dọa an ninh mạng cần phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng và hiện đang hoàn thiện các văn bản pháp quy để thực thi luật, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng.
Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh phòng và chống các hành vi tấn công mạng dưới mọi hình thức.
Liên quan tới việc tổ chức Phóng viên không biên giới đưa ra báo cáo sai sự thật về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ:
Đây không phải lần đầu tiên tổ chức Phóng viên không biên giới đưa ra những báo cáo dựa trên những thông tin sai sự thật, không có cơ sở và với dụng ý xấu. Việc tổ chức Phóng viên không biên giới tự cho phép xếp hạng tự do báo chí của một quốc gia theo những tiêu chí riêng của họ mà không thực sự hiểu rõ về điều kiện hoàn cảnh thực tế của mỗi quốc gia khiến những đánh giá, nhận định của tổ chức này không có độ tin cậy và sức thuyết phục.
Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản luật liên quan. Báo chí Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích xã hội, các quyền tự do của nhân dân, đóng góp cho công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trong thời gian qua, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực cũng như trong việc chuyển tải thông tin công khai, minh bạch, kịp thời về những vấn đề nóng của đất nước, mà tiêu biểu hiện nay chính là bảo đảm thông tin chính xác, cập nhật tình hình phòng chống Covid-19 đến được mọi người dân, tạo được đồng thuận trong xã hội trong nỗ lực phòng chống dịch. Người dân cũng được tạo điều kiện thuận lợi để tận dụng hiệu quả các kênh báo chí, truyền thông để thực hiện các quyền của mình, và tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong những năm vừa qua, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rất rõ thông qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí về số lượng, đa dạng về loại hình. Hiện nay, trên cả nước có hơn 850 cơ quan báo in và báo điện tử, gần 90 kênh phát thanh và 195 kênh truyền hình cùng với sự tham gia của hơn 25 nghìn hội viên nhà báo đang tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí và tích cực sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến, giúp đưa thông tin đầy đủ và kịp thời đến người dân Việt Nam.
 
Các phóng viên, nhà báo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện tham gia tích cực vào việc phản ánh sâu rộng, toàn diện mọi khía cạnh đời sống đất nước. Các nhà báo tại Việt Nam cũng được luật pháp bảo vệ và đồng thời phải hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp, đóng góp có trách nhiệm vào lợi ích chung của người dân, cộng đồng và xã hội.
Nguồn: nhandan.com.vn
Tin liên quan