Ngày 23/12, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ”.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, vào cuối thế kỷ 21, nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng và GDP có thể tổn thất khoảng 10%. Do đó, nếu không có một kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu một cách tổng thể, hiệu quả thì nước ta sẽ đối mặt những nguy cơ hiện hữu, thiệt hại to lớn ảnh hưởng tới an toàn và ổn định cuộc sống của người dân, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.
TS Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, Bộ TN&MT đã giao Cục biến đổi khí hậu xây dựng và trình Bộ ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ các giai đoạn 2011 -2015, 2016 -2020.
Thông qua các kế hoạch hành động này, các đơn vị trực thuộc Bộ đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu với các lĩnh vực quản lý.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tuấn Quang, biến đổi khí hậu ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, diễn ra nhanh hơn so với dự báo, tác động nặng nề đến người dân và các lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu. Trước các thách thức này, Bộ Tài nguyên và Môi trường ( Bộ TN&MT) đã giao Cục Biến đổi khí hậu xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Cục đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai đến nay đã hoàn thành dự thảo kế hoạch này.
Theo dự thảo, quan điểm của kế hoạch phải đảm bảo 5 nội dung chính là: Thứ nhất, thể hiện được quan điểm tổng hợp, thống nhất, liên ngành, liên vùng; đáp ứng được yêu cầu trước mắt, đảm bảo lợi ích lâu dài theo trọng tâm trong điểm; phù hợp với từng giai đoạn; dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế. Kế hoạch được triển khai trong toàn ngành TN&MT, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: Tài nguyên nước, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; đất đai, tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; viễn thám và đo đạc bản đồ; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu.
Thứ hai, Kế hoạch là cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động, cơ chế, chính sách, sáng kiến quốc tế về biến đổi khí hậu trong ngành trên toàn quốc. Dựa trên kế hoạch này, ngành TN&MT các địa phương xây dựng, ban hành thực hiện kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, kịch bản biến đổi khí hậu của địa phương.
Thứ ba, ứng phó với biến đổi khí hậu cần thể hiện đồng thời cả nội dung thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ quan trọng có tính liên ngành, liên vùng, phát huy sức mạnh tổng thể để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, tăng cường nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, xã hội hóa trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là xác định được các thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu đối với quá trình phát triển của ngành TN&MT giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định được các giải pháp ưu tiên nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với các lĩnh vực Bộ TN&MT quản lý, lộ trình triển khai và nguồn lực cho từng giai đoạn; xác định được chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành TN&MT cần lồng ghép với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu.
Kế hoạch đề ra 6 nhiệm vụ chủ yếu là: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu; đánh giá khí hậu quốc gia, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu và kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu; triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về biến đổi khí hậu (xây dựng thị trường các-bon, triển khai các nhiệm vụ thực hiện các Điều ước Quốc tế…); triển khai một số mô hình dự án thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu ở các vùng, khu vực dễ bị tồn thương; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về bố cục, quan điểm và mục tiêu của kế hoạch; nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; danh mục các dự án ưu tiên thực hiện kế hoạch theo phân kỳ từng giai đoạn; xác định các nguồn lực và quy định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị nhằm thực hiện kế hoạch./.
Nguồn: dangcongsan.vn